Giữa đại dịch, kinh tế vẫn nhiều điểm sáng

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/08/2020 06:51 GMT+7

'Tính chung 7 tháng đã bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%...', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 3.8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã điểm lại những nét chính về tình hình KT-XH tháng 7 và từ tháng 1 - 7.2020 mà Chính phủ đã thống nhất nhận định tại phiên họp sáng cùng ngày.
Theo đó, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục là điểm sáng khi lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,19% so với tháng 12 và có xu hướng giảm dần (lạm phát cơ bản bình quân từ tháng 1 - 7 tăng 2,74% so với cùng kỳ); mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Trong khi đó, sản xuất công - nông nghiệp và xuất khẩu vẫn có nhiều nét tích cực.

Bản tin Covid-19 ngày 3.8: Những ngày quyết định của cuộc chiến chống dịch

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỉ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó nổi bật là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỉ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỉ USD. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định và quyết tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, dù vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%.
Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại, tăng 4,3% so với cùng kỳ nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa.
“Tính chung 7 tháng đã bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6% và tiếp tục cho thấy thị trường nội địa là trụ đỡ trong bối cảnh dịch bệnh cả thế giới”, ông Dũng nói. Cùng với đó, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7 khi giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đạt gần 194.200 tỉ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỉ USD. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7 tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù vậy, ông Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan bởi CPI vẫn còn cao, nhất là giá một số mặt hàng như thịt lợn, xăng dầu chưa có dấu hiệu giảm. Cùng với đó, cần khơi thông điểm nghẽn để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 4.8: Thêm 10 ca mắc mới ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết thêm dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có bứt phá so với tháng 6, nhưng tới đây tình hình có thể rất khó khăn vì dịch Covid-19. “Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19. Thực tế hiện nay, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế, các giả định đều khác nhau”, ông Phương nói.
Ông Phương cho hay ngay sau khi dịch bùng phát, Bộ KH-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.