Giữ nguyên quan điểm buộc tội Nhận hối lộ với nguyên Chủ tịch PVTex

Vũ Hân
Vũ Hân
30/08/2018 15:58 GMT+7

“Không dám” đề nghị tuyên thân chủ mình không có tội Nhận hối lộ, nhưng luật sư của bị cáo Trần Trung Chí Hiếu đề nghị Hội đồng xét xử xem lại kỹ, vì “khả năng oan sai là lớn”.

Sáng 30.8, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ tại Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex).
[VIDEO] Cận cảnh khu nhà trăm tỉ bỏ hoang vì Vũ Đình Duy và đồng phạm
Trong phiên xét xử này, luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát tiếp tục tranh luận về việc bị cáo Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex, có nhận hối lộ số tiền 3 tỉ đồng hay không.
Đây là số tiền bị cáo Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT PVTex Kinh Bắc, đã phải bỏ ra nộp cho bị cáo Hiếu để có được cơ hội thành lập PVTex Kinh Bắc - doanh nghiệp cung cấp cho PVTex một mặt hàng không thể thiếu được là lõi giấy của cuộn sợi và hộp carton.
Theo bị cáo Hồng khai, khi nghe Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex, nói đang có ý định cùng “anh em” thành lập doanh nghiệp này, Hồng thấy cơ hội lớn, nên đã đề nghị Duy để cho mình làm.
Duy đồng ý, với điều kiện Hồng phải nộp cho Duy và Hiếu mỗi người 10% cổ phần. Nhất trí thỏa thuận này, Hồng đã nhờ vợ gửi 6 tỉ vào tài khoản góp vốn cho Hiếu và Duy, mỗi người 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, quá trình này Hồng chỉ trao đổi với Duy và làm theo lời Duy, chứ không trao đổi trực tiếp với Trần Trung Chí Hiếu. Bị cáo Hiếu cho rằng, mình không biết số tiền đó là do Hồng nộp, mà nghĩ là do Duy cho mượn.
Đối đáp với luật sư bào chữa về căn cứ buộc tội Nhận hối lộ với bị cáo Trần Trung Chí Hiếu, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong sự việc này, đầu tiên có việc bị cáo Đỗ Văn Hồng phải nộp 6 tỉ góp vốn cho bị cáo và Vũ Đình Duy. Bị cáo Hiếu có nhờ Trần Cường (em rể Hiếu) đứng tên cổ phần, và sau khi thoái vốn đã nhận số tiền 3 tỉ đồng từ Cường; tức là bị cáo không góp 3 tỉ nhưng sau đó lại nhận 3 tỉ.
Cũng theo Viện kiểm sát, dù bị cáo Hiếu và Hồng không có sự trao đổi, thỏa thuận với nhau về việc Hồng phải góp tiền cho Hiếu, nhưng bị cáo Hiếu biết việc mình có 10% cổ phần, hay nói cách khác là bị cáo biết rằng mình có quyền lợi khi thành lập PVTex Kinh Bắc.
Quá trình điều ra, bị cáo Hồng đã tự nguyện khai báo: do thấy tiềm năng của PVTex Kinh Bắc (cung cấp độc quyền mặt hàng mà PVTex chắc chắn phải sử dụng là lõi giấy của cuộn sợi và hộp carton), nên khi Duy yêu cầu bị cáo góp vốn cho Duy 10% và Hiếu 10%, Hồng đã đồng ý. Hồng phải làm vì Duy và Hiếu có vai trò quyết định trong việc thành lập PVTex Kinh Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của PVTex Kinh Bắc sau này.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Hiếu tuy không liên hệ với Hồng, nhưng đã tiếp nhận toàn bộ thông tin từ Duy, trừ một thông tin sai lệch là việc Hồng chi tiền cho Hiếu thành “để Duy lo”.
“Cốt lõi của vấn đề là Hiếu không phải chi tiền vẫn được góp vốn. Cơ quan điều tra xác định Hiếu và Duy đồng phạm trong tội Nhận hối lộ là hoàn toàn có căn cứ, vì cùng chung mục đích, cùng chung ý chí. Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, tội danh, điều luật áp dụng, cũng như mức hình phạt đối với Trần Trung Chí Hiếu”, đại diện Viện kiểm sát nói.
Tranh luận lại quan điểm này, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hiếu, nói: “Chúng tôi xác định việc không thể chối được là Trần Trung Chí Hiếu đồng ý thành lập công ty PVTex Kinh Bắc, góp 10% tiền vào công ty, tiền đó do Duy lo, sau khi thoái vốn có chuyển tiền đến Hiếu 3 tỉ, không có điểm gì cần phải tranh luận và bản thân chúng tôi cũng không thể chối nổi vì chứng từ rành rành”.
Tuy nhiên, theo luật sư Thiệp, Viện kiểm sát đã suy đoán buộc tội. “Mấu chốt là (cả bị cáo Hiếu và Hồng) chỉ trao đổi với Duy, nhưng Duy trốn rồi. Chính phạm còn chưa có căn cứ kết tội, làm sao kết tội được đồng phạm? Nếu sau này bắt được Duy mà Duy xác định lời khai của Hiếu là đúng thì oan là chắc chắn, và ai chịu trách nhiệm với cái oan đó?”, luật sư Thiệp đặt câu hỏi.
“Tôi không dám đề nghị một cách mạnh mẽ rằng tuyên bố bị cáo không có tội, nhưng chúng tôi cho rằng nguy cơ oan là rất nhiều, nên thiết tha đề nghị Hội đồng xét xử xem xét một cách thấu đáo với nguyên tắc suy đoán vô tội”, luật sư Thiệp bày tỏ quan điểm.
Sau khi lắng nghe quan điểm của cả bên buộc tội và bên gỡ tội, Hội đồng xét xử đã nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 9 giờ 30 sáng mai, 31.8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.