Giữ chân công nhân bằng mọi cách

19/12/2012 18:10 GMT+7

(TNO) Tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp không có chính sách thuê xe đưa công nhân về quê ăn tết như mọi năm dù biết rằng sau tết sẽ gặp nhiều khó khăn do biến động nhân sự.

Từ “bao trọn gói” chuyển sang hỗ trợ

Bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam cho biết hằng năm công ty nhận được nhiều hợp đồng của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp về việc tổ chức đưa công nhân về quê ăn tết.

Tuy nhiên, năm nay tình hình ngược lại, dù Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam đã có kế hoạch từ trước nhưng khi nhân viên của công ty đến chào mời thì rất ít doanh nghiệp tỏ ra mặn mà.

“Các năm trước, xe chúng tôi đưa ra phục vụ bao nhiêu hết bấy nhiêu, đưa ra chừng nào hết chừng đó, thậm chí công ty phải thuê thêm xe ngoài. Nhưng năm nay phần lớn doanh nghiệp lấy lý do làm ăn khó khăn nên cần phải xem xét. Có doanh nghiệp bảo thay vì thuê họ chỉ chi hỗ trợ một phần kinh phí cho công nhân mà thôi”, bà Hà nói.

Đãi ngộ tốt là cách để giữ công nhân sau tết
Đãi ngộ tốt là cách để giữ công nhân sau tết - Ảnh: Trung Hiếu

Anh Nguyễn Viết Hòa, quê ở Nghệ An, hiện là công nhân công ty sản xuất tã lót trẻ em liên doanh với Đài Loan đóng ở Củ Chi cho biết hằng năm, lãnh đạo công ty đều có chủ trương thuê xe để đưa công nhân về quê nhưng năm nay không thực hiện nữa.

 

Như mọi năm, vào những tháng cuối năm hoặt tết đến, doanh nghiệp tại Hepza phải đẩy mạnh sản xuất, người lao động thường làm thêm ca nhưng năm nay rất ít doanh nghiệp sản xuất ba ca.

“Chưa có thông báo chính thức nhưng anh em trong công ty kháo nhau là ai muốn về thì tự túc mua vé tàu xe chứ với tình hình kinh doanh khó khăn như thế này công ty chưa tính đến việc hỗ trợ”, anh Hòa nói.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) thừa nhận khó khăn kéo dài khiến đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, ngưng hoạt động hoặc giải thể trước thời hạn.

Như mọi năm, vào những tháng cuối năm hoặt tết đến, doanh nghiệp tại Hepza phải đẩy mạnh sản xuất, người lao động thường làm thêm ca nhưng năm nay rất ít doanh nghiệp sản xuất ba ca.

Kinh doanh, sản xuất gặp khó nên với kinh phí trung bình để đưa công nhân về quê ăn tết mà doanh nghiệp vận tải chào cho xe 52 chỗ từ TP.HCM đi Hà Nội giá 55-57 triệu đồng; TP.HCM đi Thanh Hóa, Nghệ An giá 50-55 triệu đồng; TP.HCM đi Quảng Nam, Quảng Ngãi giá 30-35 triệu đồng... sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp ít người thì không sao. Nhưng với doanh nghiệp khoảng vài ngàn công nhân thì kinh phí bỏ ra rất lớn”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cho biết công ty có khoảng 600 công nhân. Năm nay công ty không tổ chức xe mà chỉ hỗ trợ công nhân tùy theo cự ly.

“Người ở xa sẽ được hỗ trợ nhiều, gần thì hỗ trợ ít. Phần lớn công nhân của công ty là người miền Tây nên những người đi xe máy cũng được hỗ trợ. Kể cả mấy anh em ở Long An ở gần TP.HCM cũng được nhận tiền đổ xăng đi về mấy ngày tết”, ông Dũng nói.

Lo cho công nhân, khó cũng phải cố

Ông Trương Tiến Dũng cho biết dù khó khăn thì trong dịp tết cũng phải cố gắng gói ghém lo những thứ cơ bản nhất cho công nhân. Đây là cách để doanh nghiệp giữ chân công nhân bởi sau tết biến động nhân sự ở các khu công nghiệp rất lớn.

 

Bà Nguyễn Phương Lan, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết kế hoạch đưa công nhân về quê ăn tết năm nay cũng được tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Giao thông vận tải. Ban quản lý chỉ khuyến khích doanh nghiệp có thêm nhiều chính sách lo cho công nhân trong dịp tết mà thôi.

Ông Dũng nói: “Công nhân có tay nghề giờ nhảy việc dễ lắm. Chưa kể giờ tỉnh nào cũng có nhà máy, công nhân cũng có nhiều sự lựa chọn. Nếu đãi ngộ không tốt họ sẽ nghỉ việc ngay”.

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương) cho hay nhân sự của công ty hơn 5.000 người, trong đó hơn 90% ở xa quê nên nhu cầu về quê dịp tết rất lớn.

Do đó, năm nào Trường Thành cũng tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn tết. Trước tết chừng 1 tháng, công ty sẽ cho công nhân đăng ký và chia thành nhiều đợt để về, người ở xa về trước, ở gần về sau.

“Dù khó đến mấy thì chúng tôi cũng phải tổ chức xe đưa công nhân về quê. Điều này cũng giúp công ty giữ người bởi sau tết công nhân nghỉ việc rất nhiều và việc tuyển người dịp này rất khó”, ông Thành nói.

Ông Bùi Minh Trí, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết các khu công nghiệp Bình Dương có hơn 225.000 người, trong đó hơn 90% công nhân xa quê nên hầu như doanh nghiêp nào cũng phải chịu tác động nhân sự sau tết.

Ông Trí nói: “Sau tết, khoảng 70-80% công nhân vào sớm làm việc. Số còn lại vào lai rai. Giờ công nhân ở Bình Dương đang thiếu hụt nên doanh nghiệp muốn giữ người phải có chế độ đãi ngộ thật tốt”.

Liên quan đến việc đưa đón công nhân về quê dịp tết, ông Trí cho biết hiện các chủ đầu tư khu công nghiệp như Công ty Becamex Bình Dương, Công ty Thành Lễ cũng đã lên kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đưa đón công nhân.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Bình Dương cũng có kế hoạch tổ chức xe đáp ứng nhu cầu của công nhân về quê ăn tết.

Năm nay, ngoài việc vận động doanh nghiệp tổ chức xe cho công nhân, lần đầu tiên, Hepza phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức bán vé xe cho công nhân về quê ăn tết ngay tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp.

Đại diện Hepza cho biết từ ngày 10.1.2013, vào những ngày cố định và được thông báo trước, nhân viên bán vé sẽ đến tận nơi bán vé cho công nhân. Nếu số lượng công nhân đăng ký mua vé nhiều, doanh nghiệp vận tải sẽ cho xe đến đón tại Khu chế xuất - Khu công nghiệp.

Đình Quân

>> 6.000 vé xe hỗ trợ công nhân về quê
>> Công nhân “nói không” với túi nilon
>> Đầu gấu" ngăn công nhân Bianfishco làm việc?
>> Sân chơi miễn phí dành cho thanh niên công nhân
>> Hỗ trợ đám cưới công nhân
>> Công nhân Công ty CanSports lại ngộ độc thực phẩm
>> Công nhân ăn chay cũng bị… ngộ độc
>> Hơn 2 vạn công nhân Quảng Nam không có chỗ ở ổn định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.