Giới hạn riêng tư nơi công cộng

Phan Thương
Phan Thương
05/08/2018 08:00 GMT+7

Liên tục những vụ rò rỉ hình ảnh phản cảm của người trẻ nơi rạp phim, quán nước... đang gây ra nhiều tranh luận về giới hạn của sự riêng tư và những quy định chế tài hành vi lệch chuẩn.

Cuối tháng 7 vừa qua, dư luận xôn xao việc hình ảnh một đôi trai gái đang quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim bị phát tán lên mạng. Ngay sau vụ việc xảy ra, đơn vị quản lý rạp CGV đã nhận trách nhiệm. Theo phản hồi của đơn vị này, đây là hình ảnh được chụp từ camera trong rạp và một nhân viên thiếu ý thức phát tán ra ngoài. Sau sự cố trên, CGV đã tạm đình chỉ công việc nhân viên vi phạm để chờ xử lý.
Vụ việc làm dấy lên làn sóng tranh luận, với các ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến chỉ trích đôi trai gái có hành vi phản cảm ở nơi đông người, cần có chế tài nặng; lại có quan điểm cho rằng hình ảnh đó là riêng tư, hành vi diễn ra ở nơi khá kín đáo và việc đáng lên án là người phát tán những hình ảnh riêng tư này ra ngoài…
Trong khi tranh luận còn chưa lắng xuống, ngày 3.8, mạng xã hội lại “nóng ran” khi lan truyền một clip của cặp nam nữ được cho là ở tỉnh Thái Nguyên có những động tác giống đang “mây mưa” tại một quán trà sữa. Ngay sau đó, cơ quan chức năng địa phương khẳng định đã vào cuộc xử lý vụ việc.
Rạp phim, quán trà có là nơi riêng tư?
Câu trả lời là “không”. Theo ông Đào Duy Tân, giảng viên Trường đại học Hoa Sen, nơi công cộng được hiểu là không gian chung phục vụ cho nhu cầu của nhiều người, gồm những địa điểm “kín” hoặc “mở” mà ở đó các hoạt động chung xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên. Chiếu theo các tiêu chí này, rạp chiếu phim hay quán trà sữa khi mở cửa đón khách chính là nơi công cộng. Mà đã là nơi công cộng thì cần những quy tắc ứng xử phù hợp, vi phạm quy tắc này phải bị xử lý.
Vậy hành vi phản cảm của những đôi trai gái trên có bị xử lý? Đáng tiếc, theo luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM), ở VN những hành vi phản cảm như của các đôi trai gái ở nơi công cộng chỉ không phù hợp văn hóa và thuần phong mỹ tục, còn về mặt pháp lý thì không thể xử lý. “Trước đây, Nghị định 73 của Chính phủ xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh, các hành vi như không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước có thể bị phạt hành chính 60.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, từ năm 2013 hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh nói trên đã bị loại ra ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng không thể chế tài những hành vi ứng xử thái quá của những đôi nam nữ nơi công cộng đang gây những phản ứng tiêu cực trong dư luận”, LS Hưng nói.
Tuy nhiên, LS Hưng cho rằng, dù không chế tài được người liên quan nhưng khi bắt gặp những hình ảnh đó, các nhân viên hoặc người dân vẫn có cách ứng xử phù hợp, như đề nghị những người có hành vi không phù hợp nơi công cộng chấm dứt hành vi hoặc rời khỏi vị trí. “Pháp luật không có chế tài nhưng mỗi cơ sở kinh doanh các dịch vụ giải trí, công cộng có thể đặt ra quy định riêng đối với khách hàng. Nếu vi phạm, bên cung cấp dịch vụ có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt sử dụng dịch vụ ngay lập tức hoặc cấm sử dụng dịch vụ trong một thời gian nhất định, mà không trái quy định pháp luật”, LS Hưng nói.
Phân tích ở góc độ văn hóa - tâm lý, chuyên gia tâm lý học, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng việc một số bạn trẻ vô tư thể hiện mình, thỏa mãn nhu cầu tình cảm, sinh lý trước đám đông, nơi công cộng phản ánh sự thiếu phông nền ứng xử... Hành vi này được tạo bởi suy nghĩ cảm tính của cá nhân, bởi nền nếp lỏng lẻo của gia đình, bởi những chuẩn mực xã hội không được thực thi một cách nghiêm ngặt và có “chân đế”... “Cộng đồng, xã hội cần thắt chặt kỷ cương, đạo đức; pháp luật nghiêm minh; xã hội cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ về việc chống lại các thói quen xấu đã, đang và có xu hướng được hình thành; bản thân mỗi cha mẹ là một tấm gương sáng để con cái noi theo; nhà trường cần chú trọng khâu rèn luyện đạo đức, nếp sống và cách thể hiện bản thân... Làm được những điều này thì hành vi lệch chuẩn chắc chắn không còn”, ông Sơn nêu giải pháp.
Gắn camera nơi công cộng có vi phạm?
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Các cơ sở kinh doanh có thể đặt camera làm công cụ kiểm soát an ninh hoặc ghi nhận lại những sự việc ngoài ý muốn để có phương án xử lý kịp thời, phù hợp. Nhưng việc sử dụng hình ảnh, clip từ camera phải phù hợp, đúng với quy định pháp luật. “Có thể hành vi “mây mưa” của các cặp đôi là vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định tại phòng chiếu nhưng hình ảnh của họ lại thuần túy là chuyện riêng tư, cá nhân. Điều 32 bộ luật Dân sự 2015 nêu việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý. Ngoài ra, các điều 34, 38 bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp hình ảnh, thông tin cá nhân bị xâm phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì cá nhân liên quan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu người phát tán chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai hoặc đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự bên vi phạm về hành vi làm nhục người khác”, LS Công phân tích.
Cụ thể hơn, LS Hoàng Khải Hà (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng chủ cơ sở kinh doanh các dịch vụ giải trí, công cộng phải chịu trách nhiệm khi để lộ hình ảnh, thông tin cá nhân khách hàng ra ngoài. “Vé xem phim như là một hợp đồng dịch vụ giữa khách hàng và bên cung cấp dịch vụ. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp hoặc các nghĩa vụ bồi thường dân sự thì bên cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm. Còn vi phạm của người trực tiếp phát tán, truyền hình ảnh, clip ra ngoài sẽ phải chịu xử phạt hành chính hoặc trách nhiệm hình sự (nếu có)”, LS Hà nói.
Các nước xử phạt ra sao?
Tại đa số tiểu bang của Mỹ, những hành vi không đứng đắn như khỏa thân hoặc quan hệ tình dục nơi công cộng bị coi là trái phép và bị xử lý, thường là phạt tiền hoặc giam vài ngày. Ở Pháp, hành vi phơi bày thân thể tại nơi công cộng có thể bị phạt tù đến 12 tháng. Một nữ siêu mẫu người Thụy Sĩ từng bị cảnh sát phạt tiền và tạm giam vì khỏa thân tại một quảng trường trước tháp Eiffel. Còn tại đa số quốc gia Đông Nam Á, những hành vi khiếm nhã nơi công cộng đều bị phạt, tùy mức độ khác nhau. Chính quyền Campuchia nhiều lần xử phạt và trục xuất du khách nước ngoài vì khỏa thân chụp ảnh tại khu vực đền Angkor hay ở trần chạy xe máy trên đường. Theo trang Asia One, một cặp đôi người Nga hồi tháng 3 bị quay lại cảnh “mây mưa” ngay trên bãi biển ở Pattaya (Thái Lan) và cảnh sát lập tức đưa hai người này vào danh sách đen, tuyên bố sẽ bắt giam nếu còn quay lại Thái. Ở Malaysia, hồi tháng 6 chính quyền phạt tiền và trục xuất 2 nữ du khách Trung Quốc vì mặc thiếu vải nhảy nhót trước một đền thờ ở TP.Kota Kinabalu, theo tờ The Star.
Bảo Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.