Gieo niềm tin công lý

30/12/2020 05:21 GMT+7

Những ngày cuối năm 2020, chúng tôi trở lại Tây Ninh gặp các nạn nhân trong loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất , thấy cuộc sống của họ sau khi được minh oan, bồi thường đã thêm màu tươi sáng.

Những ngôi nhà trong… mơ

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên trong chuyến công tác Tây Ninh để thực hiện loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, tôi đã không kiềm được cảm xúc mà bật khóc khi chứng kiến hình ảnh ông Nguyễn Văn Chiến chui rúc trong ngôi nhà tình thương được xây nhờ trên mảnh đất của người em gái. Trong căn nhà, tài sản lớn nhất là cái giường ọp ẹp và tấm màn thủng lỗ chỗ…
Lúc đó, ông Chiến nắm tay tôi bảo rằng: “Con cố gắng viết bài, xin cho chú cái bơm máy. Nếu có cái bơm máy, chú sẽ đặt ở ngã ba bơm xe mướn. Ngoài kiếm cái ăn chú sẽ tích góp để cuối đời lo bệnh tật”. Ông Chiến xin cái bơm máy vì nghĩ nghề bơm xe phù hợp với mình. Ông kể, lúc ở tù, bị bức cung, nhục hình nên một bên chân gần như đã phế khiến ông không còn làm được việc nặng như cày cuốc, kéo xe thuê... Sau khi ra tù năm 1983, gia đình đã ly tán nên ông sống một mình. Nhiều năm qua, ông lang bạt khắp nơi, nay sức khỏe càng yếu nên nghĩ chỉ phù hợp việc bơm xe...
Vừa rồi, sau khi Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao số tiền bồi thường oan sai 1,059 tỉ đồng, ông Chiến đã ngay lập tức nhờ anh em, họ hàng tìm kiếm mua một mảnh đất. Ông bảo “mảnh đất này là tài sản đầu tiên từ khi ra tù tôi có”, rồi dự tính ngay khi hoàn tất thủ tục mua bán sẽ xây một ngôi nhà nhỏ làm nơi sống những ngày cuối đời. “Khi tôi chết đi, đó sẽ là chút tài sản gửi cho các con”, ông quay mặt đi chậm vội giọt nước nơi khóe mắt.
Ước mơ về một nơi ăn chốn ở đàng hoàng không riêng gì ông Chiến mà là chung của những nạn nhân trong vụ án oan, bởi sau khi ra tù họ mất hết nhà cửa, tài sản. 3 năm trước, khi sức khỏe của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan sa sút, các con bà đã bàn tính vay mượn xây một ngôi nhà để phòng khi bà mất thì có chỗ đàng hoàng đón tiếp người thân. Tới nay, ngôi nhà ấy đã được thành hình. Chỉ còn vài công đoạn nữa là bà Lan có thể chuyển hẳn về ở trong ngôi nhà tử tế.
Từng ước ao về một ngôi nhà, nhưng ông Hồ Long Chánh 3 ngày trước khi nhận được tiền bồi thường đã trút hơi thở cuối cùng. Để thực hiện di nguyện của ông, bà Bê (vợ ông Chánh) đã thay chồng xây ngôi nhà mơ ước. “Khi sống ông ấy ước mơ về một ngôi nhà. Nay ổng không còn nữa, tôi thay ổng xây nhà để làm chỗ thờ cúng và để lại cho con. Đó cũng như một cách làm an lòng người đã khuất”, bà Bê chia sẻ.

Ngôi nhà mới của bà Ngọc Lan đã thành hình

San sẻ yêu thương

Năm 2018, chúng tôi tiếp nhận hồ sơ vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất là lúc phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm oan ông cùng gia đình đã tới phiên phúc thẩm. Tôi vẫn nhớ lúc đó luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TP.HCM) nói rằng có thể kết thúc vụ kiện của ông Dũng để mở ra vụ án của 7 nạn nhân còn lại. Khi đó, 7 nạn nhân còn lại thống nhất nếu sau này được bồi thường oan sai số tiền lớn hơn số tiền ông Dũng được nhận, họ sẽ tình nguyện san sẻ để số tiền bồi thường của cả 8 người đồng đều nhau.
Và đúng như lời hứa đó, sau khi nhận tiền bồi thường, 7 nạn nhân còn lại đã trích mỗi người 50 triệu đồng tặng lại ông Dũng. Đó vừa được xem là tấm lòng san sẻ đầy yêu thương nhưng cũng là giúp ông Dũng bù lại một phần chi phí miệt mài đi kêu oan suốt nhiều năm.
Để duy trì vụ kiện oan sai của mình và gia đình, từ năm 1983 tới khi được xin lỗi, bồi thường, ông Dũng kể đã mất hơn 30 năm đi gõ cửa các ban ngành. Ông từng đi Hà Nội, TP.HCM, về đơn vị cũ... in ấn không biết bao nhiêu tài liệu để kêu oan. Tuy nhiên, hơn 30 năm kết quả vẫn không tới đâu dù ông đã vét hết tài sản trong nhà, vay mượn, thậm chí cha vợ còn phải bán trâu đưa làm lộ phí kêu oan nhưng cũng không thu được gì. Cho đến khi Báo Thanh Niên lên tiếng về vụ án oan sai cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới nhận sai, bồi thường.
Gieo niềm tin công lý

Sau khi nhận được tiền bồi thường, ông Chiến đã mua một mảnh đất để an cư

Giờ đây, với số tiền san sẻ từ các nạn nhân còn lại trong gia đình cùng hơn 600 triệu đồng được bồi thường oan sai cá nhân, ông Dũng đã trang trải gần hết nợ nần. “Trả hết nợ cũng là một cách trút đi nỗi lo còn vương lại từ vụ án. Từ đây, tôi có thể yên giấc, nhẹ nhõm”, ông Dũng chia sẻ.
Đã lâu lắm rồi, những nạn nhân trong vụ oan sai cũng là anh chị em ruột thịt của ông Dũng không có một ngày đoàn tụ. Nay bão tố đã qua, khổ đau đã lắng xuống, họ có cơ hội ngồi cùng nhau ăn bữa cơm, nói với nhau vài câu chuyện, kể về những nhọc nhằn, những đớn đau và cả những dự định ngày mới. Ở đó có niềm vui đoàn tụ, có giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên những gương mặt khắc khổ.
“Có lúc tôi tưởng mình đã chết. Tôi nghĩ mình không còn có ngày mai. Vậy mà, ở cái tuổi gần đất xa trời tôi có nhà và lại thêm… một lần được sống. Cảm ơn Báo Thanh Niên đã mang lại niềm tin công lý cho chúng tôi”, bà Ngọc Lan nói, hai tay run run ấp lấy chén cơm nóng còn đang nghi ngút hơi...
Vào đêm 26.7.1979, từ một tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại Nhà máy xay xát lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh), 8 người trong “đại gia đình” gồm ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”, hiện 61 tuổi), cụ Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất trước khi được minh oan) và vợ Võ Thị Thương (97 tuổi) cùng con trai Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”, 59 tuổi), ông Nguyễn Văn Chiến và vợ Nguyễn Thị Lan (cùng 69 tuổi), ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1950, đã mất năm 2020) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Lan (76 tuổi) bỗng nhiên bị bắt.
Sau đó là những ngày các nạn nhân bị tra khảo, bị ép cung buộc phải nhận tội. Những người này đã bị tù oan 3 năm 9 tháng 14 ngày và đến năm 1983 mới được trả tự do. Tuy nhiên, chỉ ông Dũng “lớn” do khi bị bắt đang là quân nhân tình nguyện Campuchia về phép thăm nhà nên nhận được quyết định đình chỉ điều tra, sau đó đã được Viện KSND tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường 615 triệu đồng. 7 người còn lại mang thân phận bị can gần 40 năm dù họ đi gõ cửa nhiều nơi để được minh oan.
Sau khi Báo Thanh Niên tiếp nhận hồ sơ vụ việc, xác minh và đăng tải loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất cùng hàng loạt bài viết nối tiếp, ghi nhận ý kiến của các cơ quan chức năng, ngày 31.10.2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân còn lại tại UBND xã Đôn Thuận là nơi xảy ra vụ án oan sai.
Ngày 12.10, tại trụ sở Viện KSND tỉnh Tây Ninh, 6 nạn nhân trong vụ oan sai đã được nhận bồi thường, gồm: cụ Nguyễn Thành Nghị (đại diện gia đình nhận thay), cụ Võ Thị Thương, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, bà Nguyễn Thị Lan và đại diện gia đình ông Hồ Long Chánh, mỗi người nhận trên 1,05 tỉ đồng. Riêng ông Dũng “nhỏ” do chưa đồng ý mức bồi thường 1,059 tỉ đồng nên có đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương (nơi ông Dũng đang cư trú) để yêu cầu được bồi thường phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.