Giấy kiểm dịch bán như... rau!

16/08/2005 22:22 GMT+7

Gia cầm bán ở TP.HCM đa phần có nguồn gốc từ các địa phương lân cận. Để đến tay người tiêu dùng, gia cầm hợp pháp buộc phải qua các trạm kiểm dịch cửa ngõ thành phố, chịu sự kiểm dịch của cơ quan thú y ngay tại lò mổ, sự kiểm soát của các chợ... Một quy trình tưởng chặt chẽ, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Vừa ngủ vừa "kiểm dịch"

Theo đúng "đường đi" của gia cầm hợp pháp, chúng tôi có mặt tại các trạm kiểm dịch cửa ngõ TP.HCM để ghi nhận công tác kiểm dịch. 15 giờ 10 phút ngày 5.8, tại Trạm kiểm dịch An Lạc trên Quốc lộ 1A, H.Bình Chánh, nơi kiểm soát lượng gia cầm từ các tỉnh miền Tây vào thành phố, chỉ có một nhân viên kiểm dịch ngồi ở băng ghế sau trạm. Trong trạm, cửa đóng kín và... trống không. 15 giờ 30, một xe tải chở đầy vịt biển số 64... chạy từ hướng miền Tây vào thành phố dừng trước trạm. Thấy có xe tới, nhân viên kiểm dịch mới chậm rãi đi vào trong phòng, nhận giấy tờ từ tay lái xe để kiểm tra. Chưa đầy 5 phút sau, tài xế quay ra và cho xe thẳng tiến vào thành phố. Một người dân sống gần trạm cho biết: "Xe chở gà, vịt từ miền Tây lên nhiều nhất vào khoảng từ chiều tối tới 22 giờ đêm".


Các mối thoải mái lựa giấy kiểm dịch trên rổ ở cơ sở Mạnh Thắng

Theo hướng dẫn của người dân, khoảng 20 giờ 20 phút ngày 11.8, một lần nữa chúng tôi lại có mặt tại trạm kiểm dịch An Lạc. Trong trạm có hai nhân viên đang ngồi. 20 giờ 29 phút, một chiếc xe tải chở heo biển số 63L-4833 từ hướng miền Tây vào thành phố tấp vào, phụ xe tay cầm xấp giấy mở cửa đi đến trạm trình, rồi nhanh chóng quay lại xe để đi tiếp. Thời gian trình giấy, kiểm tra và đi lại của phụ xe cộng lại chưa đầy một phút đồng hồ. Nối sau xe 63L-4833 là xe tải biển số 54L-4943, thùng bịt kín mít, cũng từ hướng miền Tây vào thành phố dừng trước trạm. Một người trên xe nhảy xuống trình giấy cho nhân viên trong trạm và hai phút trôi qua, chiếc xe lại tiếp tục chuyển bánh. Kế tiếp, xe 63L-4670, rồi xe 62L-4025, 63L-3376, 62L-3877..., xe bít  bùng, xe chở đầy heo, gà, vịt sống, ghé vào trạm trình giấy, rồi sau 2 - 3 phút lại thẳng tiến. Mọi việc cứ thế lặp đi lặp lại, trong khoảng 30 phút, tổng cộng có gần chục xe tải ghé vào trạm kiểm dịch trình giấy rồi đi, không hề thấy nhân viên kiểm dịch bước chân ra khỏi trạm đến bên xe kiểm tra. Khoảng 21 giờ 30 phút, chúng tôi bám theo chiếc xe tải biển số 54V-3456 chở đầy gà từ miền Tây vào thành phố. Sau 3 phút dừng lại trình giấy qua trạm, tài xế cho xe chạy vào đại lộ Nam Sài Gòn, rồi theo quốc lộ 50 về hướng Q.8. 22 giờ, xe dừng sát quốc lộ ngay trước cổng cơ sở giết mổ có tên Út Nhi, ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (gần Bến xe Q.8), phụ xe mở cửa và khuân hàng chục lồng gà đầy ních xếp xuống sân lò mổ...

Tại trạm kiểm dịch An Sương nằm trên Quốc lộ 22, H.Hóc Môn, lúc chúng tôi có mặt khoảng 15 giờ 50 phút ngày 4.8, trong trạm chỉ có một nhân viên đang ngồi cạnh bàn cặm cụi làm việc, hình như chẳng để ý đến dòng xe cộ tấp nập ngoài đường. Lát sau, xe tải biển số 54S-9002 đầy ắp gà từ hướng Củ Chi về thành phố ghé vào trạm. Phụ xe nhảy xuống mang giấy vào trình, vài phút sau quay ra trao đổi gì đó với tài xế và chiếc xe từ từ quay ngược đầu chạy lại hướng Củ Chi. Trạm kiểm dịch Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội (gần đối diện Công viên Văn hóa Suối Tiên), lúc 9 giờ sáng 6.8 không một bóng người. Nhón chân nhìn vào phía trong, chúng tôi thấy một nhân viên thú y đang... nằm ngủ trên ghế bố trong nhà nghỉ phía sau trạm. Khoảng 10 phút sau, một xe tải chở đầy heo tấp vào, phụ xe nhảy xuống chạy vào trạm, tìm không thấy ai thì đi thẳng vào trong nhà nghỉ gọi nhân viên đang ngủ dậy. Mắt nhắm mắt mở, anh này ngồi ngay trong nhà nghỉ để "kiểm dịch", vài phút sau đưa giấy tờ cho nhà xe chạy tiếp rồi lại ngả lưng trên ghế bố tiếp tục giấc nồng...

3.000 đồng/giấy kiểm dịch, cần có cả... rổ

Ngoài cửa ngõ thờ ơ là vậy, công tác kiểm soát trong nội thành nhiều chỗ xem ra chỉ là hình thức. Trong vai một người mới ra chợ bán thịt gia cầm, tôi làm quen với một lái gà tên B., bán tại chợ Tân Thới Hiệp, Q.12 để hỏi đường đi nước bước. "Khó cái mẹ gì, ông cứ vào lấy mấy con gà trong một cơ sở giết mổ hợp pháp nào đó để lấy cái giấy kiểm dịch phòng thân, tốn có vài ngàn đồng. Khi quen mặt rồi, chẳng cần mua gà ông cũng lấy được giấy kiểm dịch" - B. thật thà. Thấy tôi gãi đầu vì chưa biết mua gà ở đâu, B. thương tình chỉ dẫn: "Chỗ tôi làm ăn, không cho ông được. Nhưng mấy thằng bạn tôi nó hay mua ở Mạnh Thắng, P.Trung Mỹ Tây, Q.12. Ông cứ đến đó xem sao. Khi vào lấy giấy cứ làm mặt lạnh, nếu nhân viên thú y có hỏi thì bảo mối mới".


Những giấy kiểm dịch được viết sẵn do PV Thanh Niên thu thập được
Lục lại thông tin trên báo chí, thấy cơ sở Mạnh Thắng đã từng bị Chi cục Thú y TP.HCM xử phạt, tạm dừng sản xuất hồi đầu tháng 1.2005 vì tự ý giết mổ gia cầm chết, giết mổ không thông qua kiểm dịch, chúng tôi nhận định: "Chắc tay B. này nói xạo, vì sau vụ này cán bộ kiểm dịch sẽ siết chặt cơ sở này hơn". Tuy nhiên, có mặt tại cơ sở Mạnh Thắng vào lúc 3 giờ 40 sáng ngày 3.8, mới thấy những nhận định của chúng tôi hoàn toàn lạc hậu. Lò rộng chừng 100m2, nằm ngay trong khu dân cư, nhà dân san sát. Qua cổng là khoảng sân chưa đầy 20m2, gần chục chiếc xe gắn máy của mối đậu bừa bộn chờ lấy hàng. Sâu vào bên trong, hơn chục người, kẻ cân, người lựa gà từ những chiếc lồng chất cao trong khoảng diện tích 10m2. Không khí thật náo nhiệt, tiếng người nói, tiếng gà kêu và cả tiếng máy vặt lông xoèn xoẹt, cộng hưởng với mùi tanh nồng của tiết, lông, phân gà... Mối lái chọn gà xong, mang trực tiếp đến cho thợ cắt tiết, làm lông rồi chuyển qua các phòng mổ, hoàn tất. Chúng tôi cũng vào chọn 9 con gà và theo các mối đi vào các phòng, dù trước cửa phòng nào cũng đề bảng "Không được vào". Phòng vặt lông có hai vạc đựng nước nóng và một máy vặt lông, nhân viên nhúng gà vào nước rồi ném vào máy, chờ sạch lông thì chuyển qua phòng mổ. Phòng mổ với thiết bị là dao và hai chiếc bàn inox, một thùng nước lạnh để nhúng gà sau khi mổ, mổ xong thì chuyển qua phòng hoàn tất để đóng bịch nilon. Nhân viên của lò thì đeo khẩu trang, còn các mối cứ vô tư "tay trần, miệng hở"... Công đoạn cuối cùng là các mối ra thanh toán tiền và lấy giấy kiểm dịch tại một bàn trước cửa phòng hoàn tất. Trên bàn, giấy kiểm dịch có sẵn mộc đỏ, tên kiểm dịch viên và cả tên các mối, số lượng gà, nơi đến... được để sẵn trong hai cái rổ nhựa, mối cứ tự nhiên vào bốc lấy giấy của mình. Thấy chúng tôi lớ ngớ, một mối tỏ vẻ thông cảm "mới hả?" rồi chỉ tay về phía phòng ngay cổng "vào gặp thú y". "Cho em cái giấy". Nghe tiếng hỏi, nhân viên thú y khoảng trên 40 tuổi, ngồi sau bàn làm việc, ngước lên nhìn và hỏi lại: "Mối mới hả? Tên gì? Về đâu? Mấy con?", rồi thoăn thoắt ghi theo những gì mối khai. Chưa đầy 1 phút sau, anh ta đưa giấy kiểm dịch và bảo đóng 3.000 đồng. Trên giấy có sẵn con dấu của Trạm Thú y Q.12, tên kiểm dịch viên Huỳnh Tất Thắng... Khi mối lấy xe ra về, không thấy ai quan tâm lượng gà mang ra có đúng với khai báo trong giấy kiểm dịch hay không.

Để tiếp tục kiểm chứng lời của B., liên tục trong các ngày từ 4 - 6.8 và ngày 12.8, chúng tôi có mặt tại cơ sở Mạnh Thắng vào khoảng 4 giờ sáng, nhưng không hề gặp lại nhân viên thú y hôm trước. Mọi chuyện mua bán vẫn diễn ra và hai chiếc rổ nhựa trên bàn gần phòng hoàn tất vẫn để đầy giấy kiểm dịch. Theo chân các mối, chúng tôi cứ thản nhiên tới bàn lấy giấy kiểm dịch, dù không mua gà. Để ý kỹ, trên các giấy này không chỉ ghi sẵn tên mối, số lượng, nơi tới: Hiệp Thành (Q.12), Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), Quang Trung (Q.12), Tân Sơn (Gò Vấp)... mà còn khá ẩu, có giấy ghi số lượng 15 con gà nhưng nặng tới... 150 kg (!). Đặc biệt, không biết vô tình hay cố ý, ở phần ghi số lượng luôn chừa  một khoảng trống rất khéo để mối có thể "thêm" vào những con số và chữ một cách hợp lý...

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, cơ quan chức năng của thành phố đông dân nhất này lẽ ra phải như ngồi trên lửa. Nhưng với cách tổ chức phối hợp kiểm tra và phòng chống dịch kiểu như trên, thì nguy cơ bùng phát dịch là khó tránh khỏi.

Đức Trung - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.