Giấy đăng ký kết hôn mất, hư, mờ chữ làm lại, đăng ký lại ở đâu?

24/05/2021 10:32 GMT+7

Việc làm lại giấy đăng ký kết hôn được thực hiện một trong hai nơi, tại UBND cấp xã nơi đã cấp trước đó hoặc UBND cấp xã ở nơi cư trú hiện tại.

Trong trường hợp nhiều cặp vợ chồng trước đây sống ở tỉnh, làm giấy đăng ký kết hôn (ĐKKH) ở tỉnh, sau đó họ chuyển đến TP.HCM sống và đăng ký thường trú ở TP.HCM. Hiện nay, nếu giấy ĐKKH đó bị mất, bị rách, mờ hết chữ… họ có thể làm lại giấy ĐKKH tại TP.HCM được không?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Triều Lưu, cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, trong trường hợp nếu giấy ĐKKH đó bị mất, bị rách, mờ hết chữ…, người dân có thể xin cấp bản sao trích lục kết hôn tại nơi ĐKKH trước đây hoặc nơi đang lưu giữ sổ ĐKKH theo Điều 63 Luật Hộ tịch.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bản chính giấy ĐKKH và sổ ĐKKH đều bị mất, hư hỏng thì có thể được đăng ký lại.
Vấn đề này tại Điều 24 NĐ 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, điều kiện đăng ký lại giấy kết hôn thì người yêu cầu đăng ký lại kết hôn có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
Việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Đồng thời, theo ông Lưu, việc làm lại giấy ĐKKH được thực hiện một trong hai nơi, là tại UBND cấp xã nơi đã cấp giấy ĐKKH trước đó hoặc UBND cấp xã ở nơi cư trú hiện tại, vấn đề này được quy định tại Điều 25 về thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn… của nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Làm lại giấy ĐKKH để đảm bảo quyền lợi

Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), theo Điều 18 Luật hộ tịch, về thủ tục ĐKKH hai bên nam, nữ nộp tờ khai ĐKKH theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi ĐKKH. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì sẽ được làm ĐKKH lại như trình tự quy định.
Ngoài ra, nếu việc ĐKKH lại được thực hiện tại UBND cấp xã không phải là nơi đã ĐKKH trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch phải báo cáo Chủ tịch UBND để có văn bản đề nghị UBND nơi ĐKKH trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND nơi đã ĐKKH trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
Sau đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã ĐKKH trước đây, thì công chức tư pháp - hộ tịch sẽ thực hiện việc ĐKKH lại theo quy định.
“Trong trường hợp bị mất giấy ĐKKH nhưng chậm đi làm hoặc không làm lại thì hai vợ chồng có bị ảnh hưởng quyền lợi về các giao dịch hành chính và dân sự khác: mua bán, chuyển nhượng nhà đất không có giấy tờ đăng ký xác nhận kết hôn, không xác định được quan hệ vợ chồng; làm khai sinh cho con; việc kê khai di sản thừa kế nếu vợ hoặc chồng chết; tiền trợ cấp tử tuất, bảo hiểm; phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân…”, LS Tuấn cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.