'Giang hồ mạng' nhân danh 'anh hùng': Không thể xin lỗi là xong

Nhật Linh
Nhật Linh
19/10/2019 21:13 GMT+7

Mượn danh "chính nghĩa" để đánh người rồi xin lỗi, vụ “giang hồ mạng xã hội ” tự ý đánh người, đang kiến dư luận lên án dữ dội.

Quá nguy hiểm và ngang ngược

Tối 18.10, H.A (25 tuổi, quê Tiền Giang), một trong những người đã đến nhà đánh hội đồng người cha trong clip đánh con trai 4 tuổi ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), xác nhận đã đến tận nhà xin lỗi ông Đoàn Văn Tí (30 tuổi, người cha trong clip tát con trai xảy ra vào khoảng 2 năm trước).
Dù H.A đã "lên tiếng xin lỗi" vì vô cớ đột nhập nơi ở và hành hung ông Đoàn Văn Tí, nhưng nhiều bạn đọc Thanh Niên cho rằng lời xin lỗi vẫn chưa thỏa đáng cho hành động cố ý kéo đến nhà riêng và tự ý đánh người của H.A và nhóm người.
Bạn đọc Thanh Niên bày tỏ quan điểm hoàn toàn không đồng tình với hành vi ông Đoàn Văn Tí đánh con mình, nhưng cho rằng với hành vi ông Tí đánh con mình, sẽ có cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Do vậy, các "giang hồ mạng không thể "thay trời hành đạo" được, bởi kiểu hành xử ngang ngược, bất chấp pháp luật như vậy, sẽ là nguy cơ cao độ khiến xã hội rối loạn".
Độc giả Trần Thanh Hải (TP.HCM) nhận định: “Các hành vi xâm phạm chỗ ở, làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, phạm tội có tổ chức. Rất mong xử lý nghiêm và nhanh chóng đối với các đối tượng này, vì quá ngang ngược, nguy hiểm”.
Nhiều bạn đọc không khỏi phẫn nộ trước hành động tự ý đánh người của nhóm “giang hồ mạng xã hội”, và thẳng thắn lên án: “Xin lỗi nên dùng từ chính xác là tụi lưu manh, côn đồ thừa gió bẻ măng”.
“Hãy thượng tôn pháp luật, đừng ai hành xử kiểu giang hồ này để ôm hận suốt đời vì: Bạo lực đáp trả bằng bạo lực nó chỉ dừng lại khi có người chết kẻ ngồi tù. Gia đình tan nát nhiều người khác bị liên lụy”, bạn đọc Nguyễn Đức Huy (Hà Nội) phân tích.

Phải hành xử lý theo pháp luật

Nhiều bạn đọc Thanh Niên nhìn nhận, hành vi của nhóm người kéo đến nhà đánh ông Đoàn Văn Tí là vi phạm và quá xem thường pháp luật.
Bạn đọc Trần Quy Thủy (TP.HCM) bức xúc: “Dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được hành động của nhóm người đã hành hung anh Tí. Đây là hành vi côn đồ, đề nghị công an tỉnh Tiền Giang cần điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu cứ thấy bức xúc mà hành xử như nhóm người đánh anh Tí thì xã hội sẽ loạn . Không ai có quyền đứng trên pháp luật”.
“Mọi hành vi cần phải hành xử theo đúng pháp luật. Xin lỗi là cần nhưng chưa đủ, cần phải xử lý theo pháp luật đến nơi đến chốn”, bạn đọc Thuận (TP.HCM) nêu quan điểm.
Nhìn nhận lại sự việc, một số bạn đọc cho rằng không chỉ nhóm người đánh hội đồng ông Đoàn Văn Tí vi phạm pháp luật, mà bản thân ông Tí cũng đã rất sai trái khi đánh con trai mình.
Một bạn đọc tại Gia Lai bình luận: “Người cha cũng sai mà nhóm giang hồ mạng càng sai, chỉ tội cho đứa trẻ. Đề nghị pháp luật xử lý nghiêm vụ này, tránh tạo tiền lệ xấu gây mất trật tự xã hội”.

Nạn nhân Đoàn Văn Tí bị đánh chảy máu vùng mặt nhưng vẫn liên tục bị đoàn người truy tìm mắng, đánh

Ảnh cắt từ clip

Điều tra, xử lý nghiêm nhóm “giang hồ mạng”

Liên quan đến vụ "Đánh con từ 2 năm trước, cha bị dân mạng xã hội tìm tận nơi “dạy dỗ”, ngày 19.10, thượng tá Phạm Thế Kim, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết đơn vị đang liên lạc với cơ quan chức năng nơi cư trú của bà Nguyễn Thị Thùy (26 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, An Giang), là vợ cũ ông Đoàn Văn Tí (30 tuổi), để biết thêm các thông tin về lời khai của bà Thùy cũng như thương tích của cháu bé, làm căn cứ xử lý hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em của ông Tí. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin vì hai mẹ con bà Thùy không ở tại địa phương.
Về hành vi của đám đông là “giang hồ mạng xã hội” tự xưng đến tận nhà trọ của ông Đoàn Văn Tí ở xã Trung An (TP.Mỹ Tho), rồi vào tận phòng ngủ kéo ông Tí ra đánh hội đồng cũng đang được điều tra xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho đang xác minh về danh tính, nơi cư trú của những người trong nhóm “giang hồ mạng xã hội”.
Về thông tin một số báo mạng đăng ông Tí được một trong những thanh niên tham gia đánh hội đồng đã đến nhà xin lỗi và được ông Tí chập thuận, thượng tá Phạm Thế Kim cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho chưa ghi nhận, do các đối tượng không có thông tin đến đơn vị.
Như Thanh Niên đã thông tin, trưa 17.10, một nhóm những người lạ mặt tự xưng “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” từ TP.HCM tìm đến tận nhà trọ đánh hội đồng ông Đoàn Văn Tí. Nhóm này vừa đành vừa nêu lý do là "trả thù" cho con trai ông Tí (4 tuổi) và "dạy" cho ông một bài học về đạo làm cha, đạo làm người. Bởi trước đó trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip có nội dung trong lúc say rượu, ông Tí đã vừa chửi vừa tát tai vào mặt con trai (con chung với bà Nguyễn Thị Thùy). Sau trận đòn nhừ tử, trên vùng đầu, vùng mặt của ông Tí bê bết máu, Công an TP.Mỹ Tho đã vào cuộc điều tra.
Theo luật sư Nguyễn Bé Kết, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, riêng hành vi phá khóa cửa, vào nhà người khác là đã xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của người khác (quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, việc nhóm thanh niên này vây bắt và đánh ông Tí là dấu hiệu của hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cố ý gây thương tích”. Đó đều là các hành vi có thể bị xử lý về hình sự. Do đó, Công an TP.Mỹ Tho cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật về các hành động phạm pháp của nhóm thanh niên trên để góp phần cảnh báo, ngăn ngừa bạo lực bộc phát.
Bắc Bình - Lê Lang

Luật pháp quy định cụ thể như thế nào?

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), Hiến pháp đã quy định: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý, chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Theo luật sư Tuấn, Điều 158 Bộ luật hình sự cũng quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
“Ngoài ra, qua video, nhóm người này còn đánh người, thì tùy theo tỉ lệ thương tích mà giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được qui định tại Khoản 1 Điều 134 thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 134 Bộ Luật Hình sự)”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Phan Thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.