Giãn cách phải bảo đảm an sinh

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thì vấn đề an sinh cho người lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập, bế tắc kế sinh nhai lúc này là cấp thiết.

Tại cuộc họp báo chiều 13.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, TP quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9. Như vậy, phần lớn người dân TP.HCM đã và sẽ trải qua 4 tháng giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, kể từ khi TP áp dụng Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng vào ngày 31.5.

Thay đổi cách hỗ trợ

UBND TP.HCM đã xây dựng gói chính sách mới để hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh trong 2 tháng 9 và 10.2021. Trong dự thảo kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, TP.HCM xác định mục tiêu tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp tối thiểu cho đối tượng là người lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập, bị giãn cách kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, người phụ thuộc của nhóm đối tượng này (trẻ em, người già).
Ước tính, TP.HCM có khoảng 2,2 triệu hộ với 5,8 triệu nhân khẩu lâm vào cảnh khó khăn và khoảng 1,8 triệu người lao động tự do trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân... mất việc làm, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ mới của TP không phân biệt hộ khẩu thường trú, tạm trú hay lưu trú, dự kiến mỗi người được hỗ trợ 750.000 đồng (hỗ trợ 1 lần 2 tháng, tức 1,5 triệu đồng).

Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng

Ngoài ra, thông qua Trung tâm an sinh TP.HCM, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ gạo, túi an sinh, vận động doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí thuê nhà trọ cho công nhân, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà trọ, giảm tiền điện, tiền nước…
Thông tin về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lần 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn đang khẩn trương rà soát những người đang cư trú trên địa bàn để có danh sách tương đối đầy đủ, chính xác, đúng đối tượng. TP yêu cầu không để bị sót trường hợp khó khăn, nếu chẳng may còn sót thì phải bổ sung ngay để đảm bảo bà con được hỗ trợ kịp thời.

Chỉ được nhận mức cao nhất

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay trước tình hình dịch kéo dài, thực tế, người dân ngày càng khó khăn, nhóm người lao động tự do cần được hỗ trợ tiếp tục. Gói hỗ trợ Covid-19 của TP.HCM không phải là trợ cấp hằng tháng, mà là trong đại dịch khẩn cấp, TP.HCM dùng ngân sách hỗ trợ người dân với nguyên tắc chỉ được nhận mức hỗ trợ cao nhất.
Bên cạnh các hộ khó khăn, Sở LĐ-TB-XH cũng vừa đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, gồm: người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng; quân nhân, công an, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, trẻ sống ở các mái ấm ngoài công lập. Dự kiến mỗi người nhận 1,5 triệu đồng với tổng kinh phí hơn 236 tỉ đồng.
Với mức hỗ trợ sắp tới, dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng. Ông Mãi cho biết, khoản kinh phí này rất lớn, vượt rất nhiều khả năng cân đối ngân sách của TP, nhưng đây là việc TP phải làm để đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất giúp người dân yên tâm, đồng thuận tiếp tục giãn cách. Khoản hỗ trợ này tuy không nhiều nhưng đó là nỗ lực của TP trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.HCM thông qua sẽ giải ngân ngay xuống cơ sở để chi hỗ trợ tới tận tay người dân.
Đánh giá về điểm khác biệt của lần hỗ trợ tới, lãnh đạo một ban của HĐND TP.HCM cho biết, TP sẽ hỗ trợ theo nhân khẩu thay vì hỗ trợ theo hộ như trước đây, nên dù giá trị hỗ trợ chỉ 750.000 đồng/người/tháng (giảm 50%) nhưng sẽ giúp gia đình đông người nhận được mức hỗ trợ nhiều hơn. Cách hỗ trợ theo nhân khẩu cũng sẽ tránh được tình trạng so bì giữa các hộ đông người, nhiều thế hệ trong một gia đình với hộ có 2 - 3 người.
Hồi tháng 8.2021, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp gần 28.000 tỉ đồng và hơn 140.000 tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 4,7 triệu người gặp khó khăn do Covid-19. Đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp 71.100 tấn gạo cho TP.HCM để cấp cho người lao động gặp khó khăn trong 1 tháng.

Trung tâm an sinh TP.HCM trao túi quà gồm các nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn

ẢNH: CTV

Giải ngân hơn 6.500 tỉ đồng

Từ đầu tháng 7.2021, TP.HCM triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM cho các đối tượng: người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động tự do, hộ kinh doanh, thương nhân chợ truyền thống… Đến cuối tháng 7.2021, TP bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ như công chức làm nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch… Đầu tháng 8.2021, TP.HCM mở rộng đối tượng hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động nghèo. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8.2021, Sở LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn” do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ.
Kể từ khi giãn cách đến nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ gần 6.500 tỉ đồng, trong đó có nguồn vận động 1.400 tỉ đồng. Bên cạnh hỗ trợ tiền mặt, TP cũng cấp gạo từ hỗ trợ của Chính phủ, đến ngày 12.9 đã chuyển hơn 14.100 tấn (đợt 1) đến các phường, xã, thị trấn; cung cấp 1,8 triệu túi an sinh bao gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân đang gặp khó khăn; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng.
Những con số hỗ trợ nêu trên là đáng ghi nhận nhưng trên thực tế người dân vẫn còn than phiền về sự chậm trễ giải ngân, bỏ sót đối tượng, thậm chí có sự so bì giữa các gia đình với nhau. Lãnh đạo TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân, vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều.
Tại buổi họp báo chiều qua 13.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, khi thực hiện giãn cách kéo dài thì vấn đề đảm bảo an sinh cho người dân là điều rất quan trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nói khi yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” thì phải đảm bảo an sinh, không để thiếu ăn thiếu mặc, khi người dân cần trợ giúp y tế thì được đáp ứng ngay. “Đây là mục tiêu, mệnh lệnh mà TP cố gắng thực hiện trong thời gian qua”, ông Mãi nói.
Cũng theo ông Mãi, các gói an sinh ban đầu có số lượng người được hưởng tương đối thấp, nhưng khi triển khai thì phát sinh thêm số lượng mới ngoài danh sách, đến nay cả đợt 1 và đợt 2 đều như vậy. Nguyên nhân do giãn cách thời gian dài vượt quá sức chịu đựng của người dân nên số lượng tăng lên là điều tự nhiên. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan từ chính quyền cơ sở khi rà soát, thống kê chưa đầy đủ; một số nơi thực hiện chậm hoặc sai đối tượng, không đúng danh sách ban đầu, các địa phương kiểm tra chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.
“Khi chuẩn bị cho gói mới, tôi có nhận được phản ánh của bà con “vì sao không nhận được hỗ trợ trong khi tôi rất khó khăn”, “tại sao người giống như tôi có mà tôi không có”. Chúng tôi biết rằng bà con đều muốn được hỗ trợ, công bằng như nhau và sẽ tổng hợp danh sách thiếu đó vào gói thứ 3”, ông Mãi nói và mong người dân thông cảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.