Giảm sinh con thứ ba - thách thức lớn

11/07/2006 14:35 GMT+7

Từ năm 2004 đến nay, số trẻ mới sinh là con thứ ba trở lên tại Hà Nội đã gia tăng bất thường. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp kiềm chế việc tăng sinh, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Càng giàu, càng đẻ nhiều

Nếu tại các địa phương, số người sinh con  thứ ba thường chỉ có ở những vùng nông thôn, vùng núi... thì ở Hà Nội trong 2 - 3 năm gần đây, số người sinh con thứ ba trở lên ở thành phố không còn là chuyện hiếm.

Những người làm nghề kinh doanh tự do, buôn bán, nội trợ... không nằm trong sự quản lý của cơ quan, đoàn thể nào cứ "vô tư" đẻ.

Chị Diệp Oanh - chủ một shop thời trang rất lớn ở Hà Nội đã sinh đứa con thứ tư nói: "Tôi rất thích có nhiều con, gia đình khá giả, có điều kiện nên tôi đẻ 4 đứa con, chúng đều khỏe mạnh, học giỏi. Chồng tôi cũng cho rằng, càng có nhiều con càng nhiều lộc...".

Anh Quang Thắng - buôn bán tại chợ Đồng Xuân lý giải chuyện sinh con thứ ba của mình: "Tôi đã có một trai một gái, nhưng vợ chồng vẫn muốn sinh thêm đứa nữa cho vui nhà. Tuy có vất vả hơn song những đứa con mới là tài sản quý giá nhất. Tôi làm ra nhiều tiền để cho con cái, nếu không thì vất vả làm gì (!?)...".

Trước đây, không ít người còn ngần ngại khi sinh con thứ ba, nhưng gần đây khi gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, người vợ sẵn sàng nghỉ việc để sinh con thứ ba.

Một cán bộ phụ trách kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở quận Hai Bà Trưng thừa nhận, việc vận động, tuyên truyền KHHGĐ đối với những đối tượng buôn bán, làm nghề tự do, nội trợ... gặp rất nhiều khó khăn. Không thể áp dụng hình thức xử lý nào với họ, khi đứa trẻ là con thứ ba hoặc thứ tư sinh ra vẫn phải làm giấy khai sinh, tiêm chủng đầy đủ.

Nghèo cũng ham đẻ

15 điểm nóng về đẻ nhiều của Hà Nội phải kể đến huyện Đông Anh. Xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh là một địa bàn đang có tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất từ vài năm nay.

Năm 2005, các cấp chính quyền ở đây đã ra nghị quyết quy định xử lý với người sinh con thứ ba nếu là cán bộ sẽ đình chỉ công tác, mỗi trường hợp sinh con thứ ba đều phải nộp phạt vào quỹ KHHGĐ 500.000đ, người sinh con thứ 4 trở lên nộp phạt 700.000đ. Các biện pháp cứng rắn là thế nhưng trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, tỉ lệ người sinh con thứ ba vẫn cao.

Chị Nguyễn Thị Gái ở xã Thụy Lâm mới sinh con thứ ba nói: "Không có đứa con trai, gia đình nhà chồng hắt hủi nên phải cố đứa thêm đứa thứ ba, may mà là con trai. Thôi thì nộp phạt 500.000đ để có đứa con trai cũng bõ".

Làm gì để giảm tỉ lệ người sinh con thứ ba đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với chính quyền ở xã Thụy Lâm. Rất nhiều hình thức hoạt động được đưa ra như: Thành lập câu lạc bộ nam nông dân không sinh con thứ ba; thuyết phục dòng họ, gia đình tham gia KHHGĐ, thay đổi quan niệm sinh con trai, con gái; tư vấn trực tiếp đến từng hộ dân... và đặc biệt, xử lý nghiêm khắc những người vi phạm.

Khác với ở thành phố, những gia đình vùng nông thôn thường nghèo khó nên việc đẻ nhiều không nuôi dạy con tốt. Có gia đình, đứa thứ ba chào đời thì đứa lớn phải nghỉ học để phụ giúp việc gia đình, thậm chí phải xuống thành phố kiếm sống nuôi thân. Do vậy, việc hạn chế sinh nhiều con ở vùng nông thôn có phần gắt gao hơn so với thành phố. Tuy nhiên, những biện pháp xử phạt bằng tiền đối với những người cố tình muốn đẻ con thứ ba không có kết quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Hà Nội cho biết, Hà Nội rất kiên quyết trong việc thực hiện giảm số người sinh con thứ ba như: Chỉ tiêu không có người sinh con thứ ba trở lên là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Không sinh con thứ ba trở lên là tiêu chuẩn xem xét khi đề bạt, đề cử vào các cơ quan dân cử và xem xét các danh hiệu thi đua đối với các đơn vị và cá nhân... Hiện nay, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Hà Nội vẫn ở mức trên 5% và vẫn là một thách thức lớn.  

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.