Giám sát việc rèn luyện đạo đức của người đứng đầu

22/08/2017 07:16 GMT+7

Ông Mẫn đề nghị, trước hết là tập trung giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương.

Đây là ý kiến của các thành viên Hội đồng công tác quần chúng T.Ư tại cuộc họp góp ý kiến cho dự thảo đề án “Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ VN, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” do Ban Dân vận T.Ư tổ chức, diễn ra hôm qua, 21.8.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cơ quan mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội không có thẩm quyền kiểm tra đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên vì không đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật. Vì vậy, đề án chỉ nên xây dựng cơ chế giám sát, bỏ từ “kiểm tra”. Ngoài ra, ông Mẫn đề nghị, cần nghiên cứu lộ trình triển khai đề án. Trước hết là tập trung giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương. Sau đó mới mở rộng đối tượng giám sát ra cán bộ, đảng viên.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng đối với đồng cấp, lãnh đạo các đơn vị cấp bộ, MTTQ và các tổ chức chính trị - đoàn thể có thể giám sát, nhưng đối với các đơn vị như cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương có thể kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Ghi nhận các ý kiến, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận T.Ư yêu cầu Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm quy trình đơn thư, ý kiến của người dân phản ánh đến MTTQ sẽ đi theo những bước nào. Nếu không cùng cấp thì văn bản được gửi tới ai; đồng thời, nghiên cứu cơ chế giám sát thường xuyên và giám sát khi có vấn đề, cơ chế giải quyết, thông tin kết quả sau giám sát…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.