Giám sát chặt các khu công nghiệp, khu chế xuất

14/04/2020 06:30 GMT+7

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất cao nếu không tuân thủ quy định giãn cách xã hội , trang bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt...

Dù nhiều doanh nghiệp đã trang bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay diệt khuẩn... cho người lao động, nhưng nếu không tuân thủ quy định giãn cách xã hội thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất cao.
Ngày 13.4, sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh số 262 là công nhân (CN) Công ty Samsung tại Bắc Ninh, đại diện Samsung Việt Nam xác nhận, bệnh nhân (BN) 262 (nam, 26 tuổi, trú xóm Chợ, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, H.Mê Linh, Hà Nội) là nhân viên làm việc tại bộ phận kiểm tra chất lượng thuộc Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam.

Diễn biến phức tạp vì bệnh nhân thứ 262 - Nhân viên Samsung nhiễm Covid-19

106 F1 của bệnh nhân 262 là công nhân ở nhiều tỉnh

Từ ngày 7.4, nhân viên này đã tự cách ly tại nhà. Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam đã xác định những người tiếp xúc F1, F2 với BN 262 để cách ly; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Samsung Việt Nam cũng cho biết đơn vị này đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại tất cả các nhà máy, gồm: tập huấn, hướng dẫn, phát khẩu trang và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn miễn phí; kiểm tra thân nhiệt nhân viên, khử trùng nhà máy...
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết đang tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội bằng cách bố trí làm việc từ xa với các nhân viên khối hỗ trợ sản xuất. Tại các nhà ăn đã lắp vách ngăn, giãn khoảng cách xếp hàng, khi lên xe buýt nhân viên được kiểm tra nhiệt độ, được yêu cầu đứng cách nhau 2 m khi xếp hàng lên xe.
Công ty TNHH Great Kingdom (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) kiểm tra thân nhiệt công nhân tại cổng vào Ảnh: Lê Lâm

Công ty TNHH Great Kingdom (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) kiểm tra thân nhiệt công nhân tại cổng vào

Ảnh: Lê Lâm

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 13.4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn hỏa tốc gửi công an tỉnh, Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh và chủ tịch UBND cấp huyện yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. Yêu cầu các doanh nghiệp (DN) trong các KCN có biện pháp phân công, sắp xếp giờ làm hợp lý cho CN, lao động; không để xảy ra tình trạng tập trung đông người làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá chỉ số rủi ro cả ngàn doanh nghiệp

Đầu giờ chiều 13.4, UBND TP.HCM đã trao quyết định yêu cầu tạm ngừng hoạt động 2 ngày (14 - 15.4) đối với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, cho biết ngay trong chiều cùng ngày, công ty đã thông báo nghỉ việc trong 2 ngày đến toàn thể CN.
Từ 16.4, nếu vẫn còn áp dụng giãn cách xã hội, công ty đã có kế hoạch sắp xếp khoảng 70% làm việc bình thường, 30% tạm nghỉ việc đến 30.4. Trong thời gian này, CN được hưởng lương theo mức tối thiểu vùng là 4,42 triệu đồng/tháng. Quyết định tạm dừng hoạt động 2 ngày chỉ áp dụng với Công ty Pouyuen Việt Nam; các công ty khác thuê mặt bằng trong khuôn viên công ty vẫn làm việc bình thường. Ông Nghiệp cho biết công ty sẽ tiếp tục có các phương án khắc phục theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM để duy trì sản xuất và phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Quản lý lao động, BQL các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết đã lập các đoàn thẩm định lại bản tự đánh giá của DN; hướng dẫn các giải pháp kéo giảm chỉ số thành phần ở mức cao xuống ngưỡng an toàn. Đến 17 giờ ngày 13.4, có 627 DN gửi bản tự đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2; hầu hết tự đánh giá là tốt.
Dù vậy, HEPZA phải tổ chức các đoàn thẩm tra lại, có DN phải nâng lên nhưng cũng có DN hạ xuống. Đến nay, chưa có DN nào tại các KCX, KCN phải giảm lao động vì không đáp ứng được bộ tiêu chí của TP...
Theo thống kê của HEPZA, có hơn 40 DN tại các KCX, KCN phải giảm lao động, ngừng việc khiến hơn 1.000 người chấm dứt hợp đồng và gần 5.000 người tạm ngưng việc. HEPZA sẽ làm đầu mối xác nhận người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và chi trả hỗ trợ cho người lao động khi ngân sách được giải ngân, đảm bảo khoản hỗ trợ được trao đúng người.
Tại Đà Nẵng, BQL khu công nghệ cao và các KCN đã kiểm tra phương án của các DN. Hầu hết các đơn vị có đông CN đều thực hiện đúng cách ly xã hội, cho người lao động làm việc luân phiên. Các DN có đông CN (2.000 - 3.000 CN) đều thực hiện chia ca. Trong khi chờ Sở Y tế TP.Đà Nẵng triển khai bộ chỉ số đánh giá an toàn, BQL khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cũng đã thử áp dụng bộ chỉ số của TP.HCM. Kết quả tham khảo DN đạt tương đối tốt; có DN tự đánh giá rủi ro 10 - 20% vẫn trong phạm vi hoạt động nhưng cần kiểm soát tốt hơn.
Trung tâm y tế Q.7 (TP.HCM) xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, ngày 12.4 Ảnh: Ngọc Dương

Trung tâm y tế Q.7 (TP.HCM) xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, ngày 12.4

Ảnh: Ngọc Dương

Tại Đồng Nai, nơi có đến 31 KCN với hơn 500.000 CN, trong đó có một số công ty may mặc với số lượng CN rất lớn từ 20.000 - 40.000 người. Để ứng phó với dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết Sở đã lên kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau.
Cũng nhờ có kế hoạch ứng phó từ trước nên khi dịch xuất hiện trên địa bàn, Đồng Nai đã nhanh chóng xử lý, không để dịch lan rộng, bùng phát. Cụ thể vào ngày 23.3, khi nhận được tin BN 124 (quốc tịch Brazil) dù sống tại TP.HCM nhưng trước đó xuống công ty đóng tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) làm việc. Ngay trong đêm, Đồng Nai đã họp khẩn và tổ chức ứng phó, xác định nhanh các ca F1, F2 để tổ chức cách ly, khử khuẩn nơi ở và toàn bộ công ty.

Một lao động nhiễm, có thể cả doanh nghiệp ngừng sản xuất

Theo Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, một số DN đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và khuyến cáo của Bộ Y tế về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là một số DN có dây chuyền sản xuất không đủ khoảng cách 2 m như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ông Quảng cho hay: “Một số DN khó khăn nhưng vẫn tuân thủ tốt, song bên cạnh đó vẫn còn có những DN khá chủ quan. Họ cho rằng đã yêu cầu CN đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn… nhưng lại chưa thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng chính là mối nguy, bệnh dịch có thể lây nhiễm nhanh nhất ra cộng đồng. Chỉ cần 1 lao động bị nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, thậm chí cả DN phải ngừng sản xuất”.
Ông Quảng đề xuất trước đây xe đưa đón CN 40 người thì cần phải giảm xuống 20 người. DN bố trí thời gian làm việc lệch giờ để xe có thể quay về đưa đón lượt khác.

Giải pháp cho các DN có rủi ro cao

Ngày 13.4, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết tuần qua HCDC lập 6 tổ công tác phối hợp với các trung tâm y tế quận huyện, các đơn vị liên quan đã rà soát 960 xí nghiệp, nhà máy đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19. HCDC tập trung vào các DN có quy mô từ 1.000 CN trở lên.
Theo đại diện HCDC, giải pháp cho các DN có rủi ro cao là: phải sắp xếp lại nhà ăn cho CN; không được xếp bàn ngồi ăn đối diện mà phải xếp bàn để ngồi ăn cùng hướng, mỗi người một phần riêng biệt, thậm chí có vách ngăn càng tốt nhằm giảm rủi ro; phải có bồn rửa tay cho CN chứ không chỉ có nước sát khuẩn... Việc dùng máy đo nhiệt độ cầm tay để đo hàng ngàn người là không xuể, nên DN phải trang bị máy đo thân nhiệt; tổ chức phân luồng CN theo đợt... “Những DN có số lao động dưới 5.000 người nếu có các giải pháp khắc phục sẽ đảm bảo được mức độ rủi ro thấp, hoặc ít rủi ro”, đại diện HCDC nói.
Duy Tính 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.