Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng từng ngày

06/07/2021 17:50 GMT+7

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ngày càng tăng, tổng cộng cả đợt dịch thứ tư hiện đã hơn 900 ca.

Chiều 6.7, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dự họp tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cùng dự họp trực tuyến.

Rồng rắn xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 để lấy “giấy thông hành”

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6 giờ ngày 5.7 đến 6 giờ ngày 6.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 461 ca nhiễm, trong đó có 105 ca tầm soát từ các bệnh viện, 73 trường hợp đang điều tra, những trường hợp khác trong khu cách ly và khu phong tỏa. Hiện thành phố đang điều trị cho 279 bệnh nhân nặng, 6 ca cần sử dụng ECMO.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM

ảnh: sỹ đông

Ông Bỉnh cho biết dịch bệnh ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp, chợ truyền thống đang rất phức tạp, xu hướng các nhiễm trong cộng đồng ngày càng gia tăng, những trường hợp đi khám bệnh khi có triệu chứng.
“Từ những ca chỉ điểm này, chúng ta phát hiện ra các bệnh nhân khác ở nhà trọ, khu công nhân, khu buôn bán qua các chợ đầu mối và chợ truyền thống”, ông Bỉnh cho biết; đồng thời thông tin hiện tổng số ca nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên hơn 900 ca kể từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay. 
Về các biện pháp triển khai, ông Bỉnh cho biết đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM. Hiện đã dừng hoạt động các chợ không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đã dừng chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, sắp tới tính toán, xem xét chợ Thủ Đức có đảm bảo điều kiện hoạt động hay không.
Tại các khu công nghiệp, TP.HCM yêu cầu phải đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch bệnh, phải chia ca làm việc, giảm số lượng công nhân làm việc để đáp ứng yêu cầu, nếu không đảm bảo thì dừng hoạt động.

Chợ Bình Điền đã dừng hoạt động từ sáng 6.7

Ảnh: Sỹ Đông

Đối với khu nhà trọ, ông Bỉnh cho biết hiện đang tập trung truy vết, sử dụng test nhanh các khu nhà trọ, khu công nhân, khu sản xuất. “Ngành y tế đang triển khai sử dụng test nhanh kết hợp với RT-PCR với quy mô 200.000 test ngày toàn thành phố”, ông Bỉnh thông tin. Ngành y tế cũng sàng lọc lại ở các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần và khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/ngày.

Bản tin Covid-19 ngày 6.7: “Bão tố” 1.029 ca bệnh ngay trước ngày thi tốt nghiệp THPT

Gần 800 ca nhiễm ở khu công nghiệp

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết tính đến nay tổng số ca phát hiện trong các khu công nghiệp và khu chế xuất là 796 ca, trong đó tập trung chủ yếu ở 38 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có ca nhiễm chủ yếu từ 1 - 5 ca, có 4 doanh nghiệp có số ca nhiễm lớn, nhiều nhất là 236 ca.
Đối với các ca nhiễm số lượng lớn, ông Hưng cho hay qua khảo sát từ các quận huyện thì số ca phát hiện ban đầu không lớn. Nhưng một số trường hợp nghi nhiễm, F1 chưa được di chuyển kịp thời nên có khả năng những trường hợp này sẽ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tạm thời.
“Vừa qua, HEPZA đã cùng các quận huyện và HCDC tìm giải pháp trong quá trình chờ di chuyển các trường hợp đã xác định được F0 vào nơi điều trị và các F1 vào nơi tập trung để phân loại chờ cơ quan y tế đến”, ông Hưng nói.

Dịch bệnh Covid-19 đã xâm nhập vào 38 doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM

Ảnh: Khánh Trần

Trưởng ban HEPZA kiến nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước rà soát tài sản, nhà xưởng, văn phòng, đất công cũ có thể tạm sử dụng trong giai đoạn này làm cơ sở vật chất bổ sung cho các trường hợp cách ly F1, nhất là các địa bàn có KCX - KCN.
Ông Hưng cũng cho biết các doanh nghiệp đang có nhu cầu test nhanh công nhân trước khi vào khu sản xuất; đồng thời kiến nghị có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo số lượng test nhanh cho các doanh nghiệp. Sở Y tế hướng dẫn một số doanh nghiệp sử dụng test nhanh.
Về phương án vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ, ông Hưng cho hay có 38 doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, khi thẩm định lại cơ sở vật chất và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của UBND TP.HCM thì các doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện về vị trí, nhà vệ sinh, khuôn viên nhà máy. HEPZA đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, công an, chính quyền địa phương thẩm định từng doanh nghiệp để tham mưu thành phố đối với các doanh nghiệp có thể đáp ứng được tiêu chí để phòng dịch Covid-19.

Mua trà sữa, rau xanh tiếp tế vào chung cư 8X Đầm Sen có 10 ca Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.