Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong nói về tội phạm xâm hại trẻ em

09/12/2019 14:25 GMT+7

'Khi giải quyết các vụ xâm hại, các đơn vị cần nhanh chóng thu thập chứng cứ, cán bộ tập huấn kỹ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các cháu ổn định tâm lý', trung tướng Lê Đông Phong yêu cầu.

Sáng 9.12, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM chất vấn Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội liên quan đến các sự việc nóng trong thời gian qua.

Giật mình với tình hình tội phạm xâm hại trẻ em ở TP.HCM

'Người có địa vị' xâm hại trẻ em

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo lo ngại trước tình trạng tội phạm xâm hại tình dục gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có cả những người có địa vị, kinh tế cao. “Công an TP.HCM có biện pháp nào, ngành tòa án và Viện KSND có lưu ý đặc biệt hay không bởi loại tội phạm này gây ảnh hưởng tâm sinh lý trẻ em”, bà Thảo đặt câu hỏi.
Đại biểu Diệp Hồng Di sau khi phân tích báo cáo của công an về các loại tội phạm đã nêu bất cập trước thực trạng tội phạm về trộm cắp chiếm đa số do địa bàn chưa được khép kín và thiếu cảnh sát khu vực. Điều này dẫn đến cảnh sát khu vực phải kiêm nhiệm thêm ô dân cư. Trong khu đó, người dân luôn mong có sự hiện diện kịp thời của cảnh sát khu vực góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Đại biểu HĐND TP.HCM chất vấn Giám đốc Công an TP.HCM về tình hình an ninh trật tự

Ảnh: Ngọc Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho hay quản lý an ninh trật tư chia theo địa giới hành chính, góp phần nâng cao trách nhiệm của lực lượng công an. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng người dân phản ánh mất an ninh trật tự ở gần trụ sở công an địa phương giáp ranh thì bị từ chối xử lý hoặc chậm phối hợp do không thuộc đơn vị quản lý. Cũng có trường hợp truy đuổi từ địa phương này qua địa phương khác, khó xử lý do không thuộc địa bàn quản lý.

Lắp camera tại bar, vũ trường chống tệ nạn "hít ke, cắn kẹo"

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết năm 2019 tình hình phạm pháp hình sự được kéo giảm 8,25%, tỉ lệ giải quyết tin báo tố giác đạt 92%, phá nhiều vụ ma túy, thu giữ số lượng lớn, tai nạn giao thông được kiềm chế, số vụ cháy giảm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, bị khởi tố vì có hành vi dâm ô trẻ em

Ảnh: Trác Rin

Đối với vấn đề xâm hại trẻ em, Công an TP.HCM đang tổ chức chuyên đề công tác tập trung về lĩnh vực này. Năm 2019, số vụ xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ. Theo số liệu phân tích, các vụ xâm hải trẻ em xảy ra ở khu vực vắng ngoại thành là 13 vụ, khách sạn nhà trọ nhà riêng, xưởng làm việc là 67 vụ, các khu công cộng là 18 vụ, trong đó có 15 vụ các cháu đi một mình, không người thân đi cùng.
Năm 2019, công an đã khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Công an TP.HCM đã quán triệt các đơn vị cơ sở nắm tình hình về những đối tượng liên quan, có tiềm ẩn nguy cơ thực hiện hành vi này để phòng ngừa.
“Khi giải quyết các vụ xâm hại, các đơn vị cần nhanh chóng thu thập chứng cứ, cán bộ tập huấn kỹ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các cháu ổn định tâm lý để có thể cung cấp lời khai, đảm bảo phục hồi tâm lý bình thường", trung tướng Lê Đông Phong thông tin.

Không đùn đẩy khi nhận tin báo tội phạm

Về việc thiếu hụt cảnh sát khu vực như đại biểu phản ánh, ông Lê Đông Phong cho biết chỉ có 31% nhân sự cấp thành phố, còn lại phân bổ về cơ sở. Công an TP.HCM đã điều tiết nội bộ lực lượng để các địa bàn trọng điểm, phức tạp không thiếu cảnh sát khu vực còn các khu vực khác có thể kiêm nhiệm. Đối với cấp xã, TP.HCM tiếp tục đưa công an chính quy xuống 58 xã để tăng cường lực lượng cấp cở sở bởi nhiều xã còn phức tạp hơn phường.
"Cứ người dân đến báo thì phải ghi nhận, còn trách nhiệm của ai thì phải phối hợp xử lý, không đùn đẩy, chỉ người dân đầu này đầu nọ. Chúng tôi sẽ kiểm tra, chấn chỉnh để công an cơ sở được tốt hơn, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình”, Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.
Về việc truy đuổi tội phạm, trung tướng Lê Đông Phong cho biết khi phát hiện tội phạm thì truy đuổi đến cùng chứ đến địa phận giáp ranh thì quay trở về. Nếu cử tri, đại biểu phát hiện thì thông tin kịp thời để Công an TP.HCM xử lý nghiêm cán bộ vi phạm quy trình, quy chế công tác.

Trung tướng Lê Đông Phong yêu cầu công an cơ sở không đùn đẩy khi tiếp nhận thông tin trình báo của người dân

Ảnh: Ngọc Dương

Liên quan đến hoạt động lừa đảo bán đất nền, Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để nắm được chức năng và hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh thông tin để người dân biết được thông tin thật của dự án. Như vụ Alibaba, không biết đất ở đâu nhưng quảng cáo rầm rộ khiến nhiều người bị lừa đảo, công an cũng gặp khó khăn khi khởi tố vụ án.
“Ban đầu chỉ có 2 đơn tố cáo còn bây giờ thì số lượng tăng lên rất nhiều. Người ta vẫn hy vọng mình không bị lừa chứng tỏ họ thiếu thông tin. Trong vụ Alibaba có người bị lừa vì hấp dẫn bởi lãi suất được hứa hẹn dù không có căn cứ gì để có thể tin rằng lãi suất đó là thật”, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong nói và đề nghị người dân cần có trách nhiệm tìm hiểu dự án trước khi giao dịch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.