Giải phóng mặt bằng là “món không ai muốn ăn”

28/09/2012 10:50 GMT+7

Đó là lời ví von của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Hội nghị giao ban toàn thành phố về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng (GPMB) tổ chức ngày 27.9.

Bí thư Thành ủy cho rằng: “GPMB như một thực đơn trên bàn tiệc có rất nhiều món, nếu hỏi có muốn ăn hay không thì có lẽ chẳng ai muốn ăn món này. Nhưng chúng ta vẫn phải gắp, không ăn cũng phải ăn”.

Giải phóng mặt bằng
Một vụ GPMB ở Q.Đống Đa - Ảnh Ngọc Thắng

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, trong chín tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP.Hà Nội có chiều hướng gia tăng về số lượng và số đoàn đông người. Các vụ khiếu nại diễn biến phức tạp như tổ chức theo đoàn, có sự kích động, lôi kéo để khiếu kiện vượt cấp. Trong đó, khiếu nại về đất đai, GPMB chiếm tỷ lệ 75% (bình quân cả nước 70%).

Theo lãnh đạo các quận, huyện, một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ khiếu kiện liên quan đến GPMB là những bất cập trong chính sách. Theo Chủ tịch UBND Q.Long Biên Đỗ Mạnh Hải, có ba lý do làm người dân bức xúc: sai sót của chính quyền; bất cập trong chính sách; sai sót của chủ đầu tư. Ông Hải cho biết, gần như dự án nào quận cũng phải xin cơ chế đặc thù về cơ chế bồi thường, GPMB.

 
449 là số lần tiếp dân của lãnh đạo TP.Hà Nội trong 9 tháng đầu năm liên quan đến khiếu nại tố cáo của công dân. Theo đó lãnh đạo TP.Hà Nội đã tiếp trên 2.500 công dân, trong đó có 56 lượt đoàn khiếu kiện đông người tại hai trụ sở tiếp dân của TP (34 Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, Q.Hà Đông).

Cũng nói về bất cập trong chính sách, Bí thư huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng cần đơn giản hóa chính sách GPMB bởi chính sách hiện nay “lằng nhằng và không công bằng”. Ông Thư dẫn chứng: “Theo cơ chế hỗ trợ hiện hành, thu hồi 10 m2 được bố trí 40 m2 tái định cư, nhưng thu hồi 300 m2 cũng chỉ được cấp 80 m2 tái định cư”.

Để giảm sức nóng từ khiếu kiện liên quan đến đất đai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thông tin, trong thời gian tới Hà Nội sẽ thu hồi và không duyệt những dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và không khả thi. Bên cạnh đó thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát các dự án và công khai quy hoạch.

“Không thể để những hình ảnh bà con mặc đồng phục kéo nhau đi kiếu kiện làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô”, ông Thảo nói.

Về trách nhiệm, ông Thảo đề nghị phân định rõ trách nhiệm trong quản lý đất đai, cấp thành phố là Chủ tịch thành phố, quận huyện là Chủ tịch quận, huyện. Khi xảy ra khiếu nại tố cáo trên địa bàn, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch cần trực tiếp xuống với dân, xem xét những quyền lợi của người dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội đã có nhiều thành công trong công tác bồi thường, GPMB nhưng những bất cập, tồn tại cũng còn nhiều. “Có những vụ việc trên địa bàn kéo dài hơn 30 năm, qua mấy nhiệm kỳ rồi vẫn khiếu kiện. Đã qua nhiều cấp giải quyết, đến cả Ban dân nguyện Quốc hội giải quyết mà dân vẫn không đồng tình”, Bí thư Thành ủy nói.

Theo ông Phạm Quang Nghị, cần phải hoàn thiện chính sách theo hướng bảo đảm quyền lợi của người dân một cách thỏa đáng nhất. “Nếu đặt mình vào vị trí của người dân thì mình cũng sẽ thấy những lợi ích chính đáng họ cần được hưởng. Bên cạnh đó cần nâng cao công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo. Phải giải quyết khiếu nại tố cáo theo tinh thần, mục tiêu là dứt điểm vụ việc chứ không thể nói là tôi làm đúng thủ tục, thẩm quyền. Bởi đôi khi đúng thủ tục thẩm quyền chỉ là nhận đơn và chuyển đơn”, ông Phạm Quang Nghị quán triệt.

Văn Sơn

>> Khởi tố Phó giám đốc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng
>> Xử vụ tham ô ở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Hóc Môn
>> Tham ô tiền giải phóng mặt bằng, lãnh 20 năm tù
>> Xúc tiến giải phóng mặt bằng xây cầu Vàm Cống, Cao Lãnh
>> Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Vướng mắc về giải phóng mặt bằng
>> Hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng khu tứ giác Eden

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.