“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

18/04/2008 23:01 GMT+7

Kỳ 10: Bản lĩnh trước biến cố "Thời gian này công việc của tôi rất căng thẳng. Một mặt phải ứng phó khôn khéo trước các biến cố phức tạp. Mặt khác cấp trên cần tin tức gấp rút, các chuyến liên lạc dày lên. Mặt khác nữa là đòi hỏi của Reuters rất cao, tin tức phải đánh đi liên tục", ông Ẩn nói.

Cần biết, anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu trước những năm 1960 đã "ngoan cố" không chịu để Mỹ đưa cố vấn đến cấp sư đoàn, trung đoàn, nhưng do "sự lớn mạnh của cộng sản miền Nam", nên họ đã "thay đổi lập trường" không những chấp nhận Mỹ đưa cố vấn xuống sâu trong quân đội mà còn tuyên bố "cần có sự giúp đỡ của quân đội Hoa Kỳ". Tuy nhiên, họ đã bằng mặt mà không bằng lòng.

Trong khi ngoài chiến trường bị thất bại liên tiếp, trên chính trường thì siết chặt chế độ độc tài gia đình trị. Sau cuộc đảo chính hụt năm 1960, các phe phái đối lập bị khủng bố. Phong trào đấu tranh của nhân dân nổi lên khắp nơi. Phật giáo bị đàn áp nên nổ ra đấu tranh mà đỉnh cao là vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức (11.6.1963).

Để đẩy mạnh "Chiến tranh đặc biệt", người Mỹ muốn tăng quân tham chiến và thọc sâu bàn tay điều khiển chế độ, nhưng vấp phải sự phản đối của Ngô Đình Nhu. Ngô Đình Nhu rất khó chịu với đám cố vấn Mỹ và không muốn quân Mỹ tham chiến. Bực tức với thái độ của Ngô Đình Nhu và thấy việc triển khai các kế hoạch của "Chiến tranh đặc biệt" có nguy cơ biến thành công cốc, tháng 6.1963, Henry Cabot Lodge được chính phủ Mỹ cử sang làm đại sứ thay cho Frederick Nolting, với "sứ mệnh" gây áp lực để Ngô Đình Diệm chấp nhận cho Mỹ tăng quân tham chiến và loại bỏ Ngô Đình Nhu, nếu ông Diệm không chấp nhận thì loại bỏ luôn Ngô Đình Diệm. Tình hình nội bộ chế độ Sài Gòn rối như canh hẹ.

Phạm Xuân Ẩn đã có nhiều báo cáo phân tích tình hình chính trị ở Sài Gòn. Qua các nguồn tin, ông cho cấp trên biết có nhiều nhóm âm mưu đảo chính: Nhóm thứ nhất do Trần Kim Tuyến, Trần Thiện Khiêm, Phạm Ngọc Thảo (là cán bộ tình báo của ta, dĩ nhiên lúc này ông Ẩn không thể biết) và Đỗ Mậu. Nhóm thứ hai do Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim và Phạm Văn Đổng cầm đầu. Nhóm thứ ba của Đại Việt do Nguyễn Tôn Hoàng, Chung Tấn Cang, Phan Huy Quát cầm đầu và nhiều nhóm nhỏ khác. Tất cả các nhóm đều có tay chân của CIA cài vào và đều liên hệ với phong trào Phật giáo miền Trung.

Về âm mưu của Trần Kim Tuyến, điều kỳ lạ là có liên quan đến hai nhà tình báo "Việt cộng". Đó là Phạm Ngọc Thảo và Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Bác sĩ Tuyến bàn trực tiếp với ông Phạm Ngọc Thảo (lúc này đã được thăng quân hàm đại tá)  lợi dụng một số tướng lãnh đang có âm mưu đảo chính để lên một kế hoạch tiến hành một cuộc đảo chính "hòa bình", nghĩa là vừa giữ được mạng sống anh em ông Diệm vừa "cải sửa" chế độ, thoát khỏi sự lệ thuộc của người Mỹ.  Sau này ông Ba Quốc xác nhận với chúng tôi rằng, là người cầm đầu cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và có công lớn trong việc củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng Trần Kim Tuyến bị Ngô Đình Cẩn tìm cách loại bỏ, cho nên bác sĩ Tuyến bắt đầu chán ghét gia đình họ Ngô. "Bác sĩ Tuyến không giấu tôi quan điểm chính trị của ông ta. Ông ta không tán thành chế độ gia đình trị và cho rằng Ngô Đình Nhu phạm nhiều sai lầm, đàn áp Phật giáo, không được lòng dân. Ông ta giao cho tôi liên lạc với các lãnh tụ Phật giáo để phát động phong trào chống Diệm-Nhu và lên kế hoạch hoạt động lật đổ. Nhưng kế hoạch bị lộ, bác sĩ Tuyến bị chuyển đi làm đại sứ ở Le Caire (Ai Cập)", ông Ba Quốc nói.

Ngô Đình Diệm quay lưng với                  Ngô Đình Nhu - Ảnh tư liệu
Đại sứ Henry Cabot Lodge
(10.1963) - Ảnh tư liệu

Là người thân với bác sĩ Tuyến, nhưng tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không tham gia vào các âm mưu này. Phạm Ngọc Thảo và Đặng Trần Đức là các nhà tình báo "hành động", còn nhiệm vụ của ông Ẩn thì khác.

Ông phải giữ được thế đứng lâu dài của mình trong bất kỳ tình huống nào, bất kỳ ai lên cầm quyền. Nhưng trong bối cảnh "rối như canh hẹ" này, ông Ẩn đứng trước một tình thế quá phức tạp. Nếu đảo chính xảy ra, những người cũ bị loại bỏ thì ông mất các "nguồn tin" quan trọng, nhưng lúc này ông không thể "quay lưng" lại với họ, vì như vậy không những mất "nguồn tin" mà bản chất con người tình nghĩa của ông cũng không cho phép ông làm điều đó. Đối với những người mới, trong cuộc chơi này ông chưa biết ai thắng ai thua. Bởi vậy ông chơi thân với tất cả và giữ ý không để phe này nghĩ ông là người của phe kia, ông giữ vững "bình phong" Reuters để chứng minh cho các phe phái rằng ông chỉ là một nhà báo. "Thời gian này công việc của tôi rất căng thẳng. Một mặt phải ứng phó khôn khéo trước các biến cố phức tạp. Mặt khác cấp trên cần tin tức gấp rút, các chuyến liên lạc dày lên. Mặt khác nữa là đòi hỏi của Reuters rất cao, tin tức phải đánh đi liên tục", ông nói với chúng tôi.

Nhưng đây cũng là thời cơ để mở rộng quan hệ, vì phe phái nào cũng cần Reuters nói tốt về họ. Do đứng ở "trung tâm thời cuộc", tiếp cận được rất nhiều nguồn tin đa dạng, phong phú, lại là người phân tích sắc sảo, nên các tướng lĩnh, chính khách đã hướng về ông, để qua ông mà họ nhận định tình hình, mà thay đổi thái độ, mà củng cố địa vị. Ông đã khôn ngoan "chia cắt" các quan hệ, để nhóm này không biết ông "tư vấn" cho nhóm kia. Thời điểm này báo chí nước ngoài bắt đầu tập trung rất đông ở Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn cũng trở thành "nguồn tin" của họ. CIA cài người dày đặc, các loại tình báo quốc tế cũng hút vào đây. Ông Ẩn không chỉ mở rộng quan hệ với CIA để tăng thêm nguồn tin mà còn quan hệ với tình báo Anh, Tây Đức, Phòng nhì Pháp và tùy viên của nhiều sứ quán nước ngoài tại Sài Gòn... Những quan hệ đó ông đều báo cáo về trên.

Tình hình khủng hoảng chính trị ở Sài Gòn và mâu thuẫn giữa Mỹ với anh em Ngô Đình Diệm ông đều “nắm chắc chắn và báo cáo đầy đủ về trên”. Qua ông Ẩn và các lưới tình báo khác lúc này đã phát huy hiệu lực, Tổng hành dinh kháng chiến ở Hà Nội và miền biết rõ việc Mỹ chuẩn bị "thay ngựa giữa dòng", do đó đã điều chỉnh chiến lược, chiến thuật ứng phó. Riêng thời điểm diễn ra cuộc đảo chính 1.11.1963 dẫn đến cái chết của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, ông biết trước 1 ngày, nhưng do lệch với thời gian liên lạc nên đã không báo cáo kịp về trên.

Như vậy là Phạm Xuân Ẩn đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của một nhà tình báo chiến lược tại một trong những thời điểm phức tạp nhất. Tuy nhiên, ai đó trong Phủ Tổng thống đã phát hiện Phạm Xuân Ẩn đã có những động thái bất lợi cho chế độ Ngô Đình Diệm. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ký giả tạp chí TIME Merton Perry (sau này làm cho Newsweek) nói với ông: "Nếu cuộc đảo chính không xảy ra thì có lẽ anh đã bị mất việc ở Reuters rồi". Perry cho ông Ẩn biết ông ta đã nhìn thấy một công văn trong dinh Tổng thống ra lệnh cho cố vấn chính trị Tòa Đại sứ chính quyền Sài Gòn ở Anh vận động chủ hãng Reuters rút nhà báo Nick Turner, trưởng đại diện Reuters tại Sài Gòn, về nước, vì "Reuters ở Sài Gòn cung cấp thông tin đồn đại không xác thực". Mà Reuters thì thừa biết tất cả tin tức đó đều từ Phạm Xuân Ẩn. Do đảo chính xảy ra nên Reuters đã bỏ qua việc này... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.