>> Lam Phong

Chén chè xứ Nghệ muốn thêm ngon và đặc biệt bội phần, phải đến vùng Cao Sơn, đất tổ của giống chè danh tiếng được người bản địa gọi là Gay. Người đàn ông vùng chè Gay cũng vang danh không kém trong giới chị em xứ Nghệ với: “Ai ơi chớ lầy chồng Gay, cơm đêm thì có cơm ngày thì không”.

Trên cung đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An), ngã tư Cây Quéo và đường lên Con Cuông, luôn nhộn nhịp người qua lại, hình ảnh ấn tượng tôi thường gặp là những chiếc xe máy, xe tải nhẹ, chất kín chè xanh, rong ruổi trên đường. Hỏi mới biết đấy là những thương lái đi thu gom chè Gay ở vùng Cao Sơn đưa về xuôi phân phối các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.

Sao lại có giống chè mang tên kỳ lạ là Gay? Cụ Lưu Đình Lư gần 80 tuổi, (ngụ Thôn 2, xã Cao Sơn, H.Anh Sơn) lí giải: “Vùng ni có chè Gay bởi thuộc xứ Gay. Cây chè trong vùng khi được dân hái đem ra chợ bán, chợ thu mua chè lúc đó cũng là chợ Gay, nên mọi người quen gọi thành chè Gay”. Một lí giải khác về tên gọi kì lạ của vùng Gay là rẻo đất thuộc Cao Sơn này toàn đồi núi với truông hiểm địa, rắn độc thú dữ, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, trồng thứ gì cũng thất bát, khó kiếm cái ăn nên người dân gọi tên đây là vùng Gay (gay go, cam khổ).

Đất trời cũng thật công bằng khi trong cái gay go ấy chỉ có cây chè là sống khỏe mạnh, lại mang hương vị đặc biệt. Không ai rõ chè có tự bao giờ, chỉ nhớ từ những năm 1950 chè Gay đã là đặc sản của vùng và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân trồng chè vùng Cao Sơn.

Vỡ đất trồng chè của gia đình chị Bùi Thị Vân, thôn 2, Cao Sơn.

Cà kê chuyện chè Gay, cụ Lư kể thêm: “Cuối những năm 1940, lúc tôi 5 tuổi, vào xứ này chỉ có đường mòn, khổ ải lắm. Người thu mua chè Gay khắp các vùng từ Hưng Yên, Diễn Châu, Diễn Thành…đẩy xe cút kít, xe đạp thồ vào vùng Gay ở Cao Sơn bẻ chè, mua chè. Do phải đi bộ nên những người mua chè thường dậy từ 2 giờ sáng, chuẩn bị cơm nắm, lương khô mang theo ăn bữa trưa. Đẩy xe đi bộ 4 – 5 tiếng mới tới vùng Gay gom chè, đến chiều đẩy xe ra chợ nhập chè, mà chợ cách vùng Gay tới hơn 20 cây số. Khi về đến nhà thường là 9 – 10 giờ tối, chỉ kịp cơm tối ở nhà. Đàn ông làm nghề mua chè Gay cứ đi biền biệt thế, dân gian mới có câu: Ai ơi chớ lấy chồng Gay, cơm đêm thì có cơm ngày thì không”.

Vỡ đất trồng chè của gia đình chị Bùi Thị Vân, thôn 2, Cao Sơn.

Với kí ức những người sống ở xứ Gay vùng Cao Sơn, chè Gay là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cụ Lư bảo: “Những nhà lợp được ngói, có sàn gạch ở Cao Sơn bây chừ, đều nhờ vào chè Gay cả đấy”.

Nghệ An có rất nhiều vùng chè (diện tích trồng hơn 10.000 ha) từ Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Kỳ Sơn… nhưng chỉ có vùng chè Gay là dùng om chè uống tươi mang hương vị thơm ngon, đặc biệt nhất.

Ông Phạm Đức Trình -nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp Nông, Công nghiệp chè Anh Sơn- là một trong những người đầu tiên tham gia khai phá vùng chè công nghiệp Nghệ An ở thập niên 1970, đưa khoa học, kỹ thuật canh tác, thu hái và sản xuất để ứng dụng phát triển chè xứ Nghệ. Ông Trình lí giải về sự đặc biệt của chè Gay: “Giống chè Nghệ An cũng như các tỉnh phía Bắc đều có hợp chất hóa học và hoạt chất giống nhau. Nhưng vùng chè Cao Sơn có vị sắc ngọt, hậu kéo dài, thơm hơn các chủng loại khác vì nằm trong vùng địa lý khắc nghiệt, đất cằn cỗi, biên độ biến đổi thời tiết lớn giữa ngày và đêm. Ngày nắng rất gắt, đêm lạnh sương buốt, cộng địa hình đồi núi khiến gió hút, ép cây chè tự thân tích lũy tinh dầu cao hơn, do vậy chè Gay cho ra hương vị ngon hơn”.

Vào vùng chè Gay ở thôn 1, Cao Sơn, tôi gặp chị Phan Thị Hồng trên nương chè 1,5 ha của gia đình, chị kể: “Từ hồi sinh ra gia đình đã có vườn chè này, chừ 40 tuổi rồi vẫn khai thác chè đều đặn mỗi ngày. Chăm cây chè đơn giản lắm, chỉ cần dãy cỏ quang gốc, chẳng cần tưới hay phân bón gì. Nếu hái hết cả cây phải đợi 3 tháng sau mới thu hoạch tiếp, nhưng hái bù trừ, bẻ cành già, chừa lại cành non, thu quanh năm ngày tháng cũng không hết. Ngày ít được 20 bó, còn thường được 50 -60 bó bán giá 7.000 đồng/ bó cho lái buôn, 10.000 đồng là bán lẻ”.

Hai vùng Cao Sơn và Lĩnh Sơn có hơn 620 ha chè Gay. Kĩ thuật trồng và chăm bón chè cũng được người xứ Gay tự đúc kết và phát triển. Đến nương chè đang khai phá trên sườn đồi, chị Bùi Thị Vân (thôn 2, H. Cao Sơn) chia sẻ: “Trồng chè Gay phải trồng theo luống, cứ đào dọc triền núi thành từng rãnh, ngang và sâu 40 phân cho đất tơi xốp, xong lấy xẻng xăm một vệt, cách nhau chừng 20 phân, mỗi vệt thả vào đó 6 -10 hạt chè, chỉ sau 20 ngày là nảy mầm. Giống chè này mạnh lắm, chẳng tưới tắm chi, thời tiết thuận lợi sau một năm có thể thu hoạch”.

Không biết có phải sợ vướng chuyện “chớ lấy chồng Gay” hay không, nhưng những ngày ở vùng chè Gay, trên nương chè tôi không thấy bóng dáng đàn ông. Thay vào đó là những phụ nữ tần tảo, miệt mài với cây chè sớm tối, bởi chè giờ là nguồn thu ổn định cho cả gia đình. Hình ảnh người phụ nữ và chè Gay được miêu tả rõ trong những vần thơ (trích trong Xứ Gay – đất và người): “…Một đời mẹ lưng còng. Gánh chè xanh ra chợ. Gánh chè thành duyên nợ. Đè nặng đôi vai gầy…”. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
06.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.