Giá thịt heo 'vỡ trận', nông dân đề nghị Bí thư Đồng Nai hướng dẫn cách nuôi lươn

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
26/12/2019 19:43 GMT+7

Tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Lập nói không 'tái đàn heo', dù giá thịt heo đang tăng ngất ngưỡng, đồng thời đề nghị 'bí thư hướng dẫn cách... nuôi lươn'.

Theo nông dân Phạm Thành Lập (ngụ xã Trung Hòa, H.Trảng Bom), khi nào chưa có vắc xin điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông sẽ kiên quyết không tái đàn và không tiếp tục nuôi heo mặc dù giá thịt heo hiện nay rất cao.

Giá thịt heo tăng phi mã, nhưng có những sự thật có thể bạn chưa biết

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường

Ảnh: Đức Nguyễn

Nuôi lươn thay lợn

Ngày 26.12, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường có cuộc đối thoại với nông dân trong tỉnh nhằm lắng nghe và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của bà con về sản xuất, nuôi trồng và tiêu thụ nông sản.
Tại buổi đối thoại, nông dân Phạm Thành Lập đặt câu hỏi: “Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại rất lớn trong chăn nuôi. Hiện nay, nông dân muốn tái đàn hay muốn chuyển sang loại hình chăn nuôi khác nhưng nông dân không biết phải tái đàn như thế nào và chuyển sang loại hình chăn nuôi gì là phù hợp. Đề nghị Bí thư Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cho tôi và bà con cách nuôi lươn thay cho nuôi heo hiện nay”. 
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng việc người dân linh hoạt chuyển đổi mô hình vật nuôi từ heo sang bò, gà và lươn là hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Ông Cường cho biết sẽ giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với khoa học công nghệ, công thương cử đoàn đi tham khảo, nghiên cứu học tập mô hình nuôi lươn thành công ở các tỉnh miền Tây về áp dụng cho nông dân Đồng Nai thay cho chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Nuôi lươn thì chi phí thấp, đầu ra thuận lợi, ít dịch bệnh và rủi ro không cao…
Ông Cường cũng yêu cầu phòng Kinh tế các địa phương có hướng dẫn quy trình, hỗ trợ tài liệu, tập huần kỹ thuật cho bà con chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn thay cho heo trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phí còn diễn biến khó lường.

Nông dân hỏi Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tại buổi đối thoại

Ảnh Đức Nguyễn

Tại buổi đối thoại với bà con nông dân, ông Nguyễn Phú Cường cho biết mặc dù Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu tiêu xây dựng nông thôn mới với 100 xã, huyện đạt chuẩn, trong đó có 34 xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu nhưng hiện nay nông dân vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về dich bệnh, ô nhiễm môi trường.
Thu nhập của nông dân còn thấp, chuyển dịch cơ cầu cây trồng vật nuôi chậm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế… Còn tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và chính quyền phải vào cuộc “giải cứu”.

Xóa tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội nông dân H.Long Thành, thắc mắc về việc trên địa bàn có nhiều dự án treo trên đất nông nghiệp gây khó khăn đến sinh kế của người dân.
Ông Cường cho rằng quốc gia nào, địa phương nào cũng phải có quy hoạch để phát triển và thừa nhận thời gian vừa qua có một số dự dán chậm triển khai gây bức xúc cho người dân. “Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt làm thế nào để hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân có đất sản xuất. Không thể để tái diễn mãi tình trạng "con trâu đi trước cái cày theo sau". Nhà nước thu hồi đất đai thì luôn có chính sách bồi thường hỗ trợ, đền bù thỏa đáng”, ông Cường khẳng định.

Quang cảnh buổi đối thoại

Ảnh Đức Nguyễn

Đồng thời ông Cường yêu cầu lãnh đạo Sở KH-ĐT Đồng Nai trả lời tình hình các dự án chậm trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo Sở KH-ĐT Đồng Nai, đến nay đơn vị này đã rà soát 258 dự án, tham mưu UBND tỉnh thu hồi 32 dự án chậm triển khai. Một số dự án có diện tích thu hồi đất nông nghiệp lớn, có thể xem xét kế hoạch cho bà con canh tác trong ngắn hạn để chờ các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chỉ tái đàn khi đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học

Liên quan đến việc tái đàn heo ở “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai với bà con nông dân ngày 26.12, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, khẳng định việc tài đàn heo yêu cầu người nuôi phải hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học.
Theo ông Cường, các điều kiện phải tuân thủ như nuôi ngoài khu dân cư tập trung, chỉ được tái đàn ở nơi công bố hết dịch, có giải pháp chăn nuôi an toàn và phải đăng ký chính thức với chính quyền địa phương.
Ông Cường cho biết đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua trên địa bàn đã gây thiệt hại hơn 700 tỉ đồng. Có khoảng 4.000 hộ nuôi bị ảnh hưởng buộc phải tiêu hủy hơn 450.000 con heo, tương đương 24.000 tấn thịt. Đến nay, tỉnh đã chi ngân sách hỗ trợ bà con hơn 500 tỉ đồng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con nên chuyển đổi mô hình vật nuôi như nuôi thêm gà, trâu, bò và lươn, không nuôi lợn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cách ly kém dễ dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh.
Đức Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.