Giá thịt heo 'quá chát', ăn 'quá đắng'

26/12/2019 06:10 GMT+7

Giá thịt heo 'vỡ trận', tăng 'phi mã' cùng với tình trạng khan hiếm đã được bạn đọc mổ xẻ nhiều chiều, nhiều góc độ; thậm chí xuất hiện những tranh luận 'khá căng'.

Đừng để “gậy ông đập lưng ông”

Những ngày gần đây giá thịt heo bất ngờ tăng cao và hiện đang ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng đồng nghĩa giá bán ra thị trường cũng tăng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của thịt heo cao ngang ngửa thịt bò khiến người dân ái ngại, cân nhắc khi tiêu thụ. Trong bài viết Giá thịt lợn “vỡ trận”, cảnh báo: “Khi giá xuống đừng kêu gọi giải cứu! đăng trên Thanh Niên điện tử, PV đã ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng; đồng thời về Đồng Nai, nơi được coi là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi lợn để hy vọng giải đáp nghi vấn có hay chăng việc “găm hàng”.

Giá thịt lợn theo thị trường thì phải chấp nhận sự khắc nghiệt của thị trường... Người dân hãy bình tĩnh làm người tiêu dùng thông minh.

Nguyễn Thị Thanh (Bắc Kạn)

Bài viết liên tục xuất hiện trong top 10 tin bài được đọc nhiều trên Thanh Niên điện tử, cùng với đó, đã thu hút rất nhiều bình luận của độc giả, đặc biệt là về nghi vấn “găm hàng” thịt lợn. Bạn đọc (BĐ) Trần Thắng (Bình Thuận) đã thẳng thắn: “Găm hàng đi! Khi thịt heo ngoại tràn ngập thị trường thì đừng nói sao người dùng thích đồ ngoại hơn”. BĐ Mr Lee (Hà Nội) đồng tình: “Thịt lợn chưa bao giờ là thứ hàng xa xỉ; nó không đáng. Nếu “găm hàng”, đẩy giá cao người dân sẽ chọn các loại thịt khác, để biết “gậy ông đập lưng ông” là thế nào... Giá thịt heo hiện giờ “quá chát” nên theo BĐ Dũng Bùi (Kon Tum) ăn thịt heo trong thời điểm này là “quá đắng”.
Một số BĐ cho rằng, nông dân không “găm hàng”; nếu có chỉ là trường hợp cá biệt rơi vào một số “gian thương”.

Chỉ người nuôi heo mới hiểu nỗi khổ của nhau

Trái ngược với những ý kiến cho rằng, có tình trạng “găm hàng” để đẩy giá thịt lợn lên cao, BĐ Phạm Du (Đắk Lắk) lại có nhận định khác. “Hình như tâm lý người tiêu dùng không hay và không ổn chút nào. Đã là thị trường thì phải chấp nhận, dư thừa thì xuống giá, khan hiếm thì lên giá. Đắt thì mua thêm qua hàng khác, cân đối chi tiêu là ổn. Không được cái gì cũng đổ hết lên đầu người chăn nuôi”, BĐ Phạm Du lập luận.

Nhà nước cần cung cấp thông tin cung - cầu chính xác; người nuôi lợn tự quyết định hành vi của mình. Nếu thông tin của các cơ quan nhà nước chính xác cao thì dân sẽ tin và khả năng định hướng của nhà nước được nâng lên. Nhà nước đừng can thiệp vì chỉ tốn tiền và nảy sinh tiêu cực thôi.    

Anh Tuấn (Hà Nội)

Lấy kinh nghiệm của một người trong cuộc, BĐ Toàn Nguyễn (Kiên Giang), cho biết: “Đừng nghĩ tiêu cực quá! Chính nhà tôi đây, lúc dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn cả xã hầu như chết hết. Nhà tôi may mắn có mấy con lợn nái không bị bệnh đẻ được 30 con. Lúc đó không ai mua đành để nuôi tới bây giờ. Giờ giá lợn lên, tôi cũng muốn bán cho có giá mà khổ nỗi giờ nó mới chừng 60 kg làm sao nỡ bán đành phải nuôi thêm. Cũng rầu lắm không ngủ ngon được đâu! Chỉ người nuôi lợn mới hiểu nỗi khổ của nhau”.

Tất cả do ý thức người dân thôi; còn cứ găm và để vớt vát, để kiếm tiền đi, rồi lúc xuống giá thì chẳng ai giải cứu đâu. Mong mọi người hãy sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.     

Bùi Thu Thủy (Hà Nội)

“Thịt heo là một trong các mặt hàng người tiêu dùng Vệt Nam rất hay sử dụng, vì vậy mà Chính phủ buộc sẽ phải có động thái quản lý nhằm ổn định với đa dạng nguồn cung và các chính sách hỗ trợ... Tình hình dịch bệnh cũng có phần đang được kiểm soát, mặc dù hiện tại tỷ lệ tái đàn là còn rất ít vì do người dân lo sợ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi công tác phòng chống được chuẩn bị tốt thì trong dài hạn nguồn cung thịt trên thị trường sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Câu chuyện của cơ quan quản lý hiện nay là phải phối hợp vừa chống đầu cơ, chống buôn lậu, chống dịch bệnh, chống bán phá giá, còn vừa phải đảm bảo được chất lượng thịt đưa ra thị trường”, BĐ Nguyễn Hoàng Quốc (TP.HCM) phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.