Gia Lai: Mất rừng, ủy ban huyện nói... do đại dự án trồng cao su

01/11/2019 15:07 GMT+7

Liên tục để mất rừng, UBND H.Chư Prông xin kiểm điểm trách nhiệm trước UBND tỉnh Gia Lai.

Ban hành 200 văn bản chỉ đạo… vẫn mất rừng

Ngày 1.11, Chủ tịch H.Chư Prông, Nguyễn Anh Dũng, đã thay mặt UBND H.Chư Prông nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước UBND tỉnh Gia Lai về việc để mất rừng ở địa phương, đặc biệt là ở 2 Ban quản lý rừng phòng (BQL RPH) hộ Ia Meur và Ia Puch.
Chưa đến 60 ngày, hai trưởng BQL Ia Puch (trực thuộc sở NN-PTNT Gia Lai) là bà Nguyễn Thị Hương và ông Phan Quốc Huy bị khởi tố vì để Công ty Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15) lấn chiếm 589 ha rừng trái phép.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Gia Lai đã cho phép H.Chư Prông chuyển đổi khoảng 2.400 ha rừng nghèo sang trồng cao su. Bắt đầu từ năm 2007, H.Chư Prông bị lấn chiếm đất rừng mất kiểm soát
Chủ tịch H.Chư Prông cho hay từ khi có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, UBND H.Chư Prông đã tuyên truyền cho hơn 10.000 lượt người để không phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp. Huyện đã ban hành hơn 200 văn bản, dành nhiều công sức, thời gian chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng. Từ năm 2010 đến nay, đã vận động và cưỡng chế tháo dỡ gần 700 nhà chòi, lán trại dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, khởi tố 32 vụ.
“Mặc dù huyện quyết liệt chỉ đạo nhưng từ năm 2010 đến nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm cơi nới đất rừng vẫn còn tiếp diễn”, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.

Do "đại dự án trồng cao su" ?

Theo H.Chư Prông, do diện tích đất rừng nghèo chuyển đổi để thực hiện các dự án trồng cao su quá lớn, 2.400 ha nên các doanh nghiệp (DN) muốn đẩy nhanh tiến độ tận thu gỗ đã tuyển, sử dụng lao động thiếu chọn lọc, để lâm tặc trà trộn vào khai thác, mua bán. Dân di cư tự do bị lâm tặc lợi dụng nhằm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Một số bộ phận lao động của các DN thuê thực hiện dự án trồng, chăm sóc cao su đã khai thác, mua bán lâm sản trái phép, tiếp tay cho lâm tặc hoạt động.
Ông Nguyễn Anh Dũng thừa nhận rằng, sau khi có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, công tác quản lý bảo vệ rừng rất phức tạp, khó khăn.
H.Chư Prông cho biết vì diện tích chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su lớn, không tập trung mà xen kẽ, nằm rải rác trong các tiểu khu của các BQL RPH nên tạo áp lực về công tác bảo vệ rừng.
Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu của các đơn vị BQL Ia Meur, Hạt kiểm lâm, các Đồn biên phòng Ia Mơ, Ia Lốp.. chưa được nâng cao, dù nhiều đơn vị đã bị kiểm điểm, kỷ luật.
Vào ngày 12.9, UBND tỉnh Gia Lai phát hiện BQL Ia Puch để mất 1.228 ha rừng tại 20 tiểu khu từ năm 2008 đến nay. Ngày 16.9, tỉnh Gia Lai phát hiện tiếp BQL Ia Meur để mất 500 ha rừng. Cả hai BQL này đều nằm trên địa bàn và có chức trách bảo vệ rừng cho H.Chư Prông. Trong đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu chuyển vụ mất rừng 1.228 ha tại BQL RPH Ia Puch sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Để Công ty Bình Dương lấn chiếm 589 ha rừng trái phép, ngày 26.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Hương, nguyên Trưởng BQL Ia Puch để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 30.10, công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Huy, Trưởng BQL RPH Ia Puch cũng về tội danh trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.