Giá heo 'vỡ trận', thủ phủ heo e ngại tái đàn

Lê Lâm
Lê Lâm
27/12/2019 08:21 GMT+7

Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi với tổng đàn heo luôn duy trì ở mức 2,5 triệu con. Nhưng chỉ sau gần 9 tháng bị cơn bão dịch tả lợn châu Phi càn quét, tổng đàn đã bị giảm khoảng 1 triệu con.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi, thú y Đồng Nai, nếu như trước đây mỗi ngày Đồng Nai xuất đi từ 9.000 - 10.000 con heo thì hiện nay chỉ còn từ 4.000 - 5.000 con, và đa số là heo nhỏ (từ 60 - 80 kg/con). Giá cao, nguồn cung thiếu hụt nhưng hầu hết người chăn nuôi heo ở Đồng Nai dù rất muốn tái đàn nhưng còn e dè, lo sợ.

Giá thịt heo tăng phi mã, nhưng có những sự thật có thể bạn chưa biết

Chỉ tái đàn khi đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai với bà con nông dân ngày 26.12, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, khẳng định việc tái đàn heo yêu cầu người nuôi phải hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học. Các điều kiện phải tuân thủ như nuôi ngoài khu dân cư tập trung, chỉ được tái đàn ở nơi công bố hết dịch, có giải pháp chăn nuôi an toàn và phải đăng ký chính thức với chính quyền địa phương. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con nên chuyển đổi mô hình vật nuôi như nuôi thêm gà, trâu, bò và lươn, không nuôi heo ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cách ly kém dễ dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có nhiều giải pháp về kỹ thuật, vốn, con giống hỗ trợ người nuôi sẵn sàng tái đàn trong thời gian tới theo hướng chăn nuôi bền vững.
Đức Nguyễn (ghi)
 
Anh Nguyễn Văn Thu (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) có khu chuồng trại nuôi hàng trăm con heo nhưng đã bỏ hoang từ nhiều tháng nay vì mắc dịch tả lợn châu Phi. Hỏi chuyện tái đàn, anh Thu nói chừng nào có vắc xin đặc trị hoặc đợi thêm thời gian nữa cho an toàn. “Giá heo thịt cao nhưng giá heo giống bây giờ cũng cao, trong khi mua về nuôi trong thời điểm này chưa chắc gì đảm bảo được đàn heo không bị dịch bệnh, chắc gì đã thắng”, anh Thu phân tích.
Có đàn heo 480 con mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy nên sau khi nhận được gần 700 triệu đồng tiền hỗ trợ từ nhà nước, anh Trần Hoài Nam (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) cũng chẳng dám tái đàn ngay mà chuyển hướng qua thử nghiệm với gà, vịt. Anh Nam cải tạo chuồng trại thả nuôi 2.000 con gà, 2.000 con vịt.
Trước tình hình trên, tại hội thảo “Tìm các giải pháp tái đàn hiệu quả” mới đây, ông Đỗ Hữu Phương, Trưởng văn phòng đại diện Cục Chăn nuôi phía nam, cho rằng chỉ cần sau 30 ngày là có thể tái đàn nhưng chỉ với số lượng nhỏ, khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi.
Thận trọng hơn, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hải (Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tìm thu nhập tăng thêm thì không nên tái đàn trong thời điểm hiện nay. “Các nông hộ nhỏ lẻ thường không xây dựng đúng và đủ hàng rào an toàn sinh học để có thể ngăn chặn được một trong những dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm hiện nay là dịch tả lợn châu Phi”, ông Hải phân tích.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y Đồng Nai, cho biết hiện nay giá heo giống cũng rất cao (1 con từ 2 - 2,5 triệu đồng) trong khi nguồn cung giảm mạnh. “Nguồn giống hiện giờ chủ yếu chỉ còn trong các công ty lớn nhưng nhu cầu tái đàn của chính họ cũng mạnh nên không đủ để cung cấp cho thị trường”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.