Giả danh công an chặn xe đánh người, phạt hành chính có đủ răn đe ?

08/09/2019 10:00 GMT+7

Một nhóm 3 người giả danh công an chặn xe, đánh người đi đường 'đòi' kiểm tra gây xôn xao dư luận, nhưng sau đó chỉ bị xử lý hành chính.

Cụ thể, liên quan đến vụ 3 người giả danh công an này, Công an TP.Đồng Xoài (Bình Phước) vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Ngô Quang Thành (31 tuổi), Trần Quang Trường (26 tuổi, cùng ngụ TP.Đồng Xoài) và Vũ Quang Hưng (44 tuổi, ngụ H.Phú Riềng, Bình Phước), mỗi người 200.000 đồng về hành vì “làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau” (quy định tại điểm a, khoản 1, điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, Vũ Quang Hưng còn bị xử phạt 2,5 triệu đồng về hành vi “xâm hại đến sức khỏe của người khác" (quy định tại điểm e, khoản 3, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

3 thanh niên giả danh công an chặn dân kiểm tra giấy tờ rồi đánh người

Người dân tưởng bị cướp

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip về nhóm 3 người mặc thường phục đi xe máy đuổi theo một thanh niên cũng chạy xe trên đường. Tưởng gặp cướp, người bị truy đuổi ráng chạy đến chỗ quán trái cây có đông người nhưng vẫn bị 3 người đuổi theo đánh đập, yêu cầu xuất trình CMND... Vụ việc sau đó được xác định xảy ra khoảng 23 giờ ngày 18.8 trên QL14, nạn nhân là anh Thạch Thanh Tùng (24 tuổi, ngụ xã Thuận Phú, H.Đồng Phú, Bình Phước), còn nhóm truy đuổi là Thành, Trường và Hưng.
Hình ảnh trong clip cho thấy nhóm của Thành sau khi chặn xe giữa đường đã lật cốp lên lục lọi, dồn anh Tùng vào tường nhà dân gần đó yêu cầu đưa CMND cùng giấy tờ xe, buộc cởi nón, “bỏ hết đồ ra”... Khi anh Tùng không đưa giấy tờ vì “tưởng là cướp” thì nhóm này xưng “tao hình sự thành phố”, sau đó Hưng đấm, đá anh Tùng rồi cả nhóm tiếp tục truy hỏi giấy tờ, nơi ở...; lôi nạn nhân ra chỗ xe máy để “kiểm tra”.
Thấy người đi đường bị chặn đánh, một số người trong quán trái cây chạy ra can thiệp, ghi hình thì nhóm của Thành hùng hổ yêu cầu tắt điện thoại, xưng “đang tổ tuần tra kiểm soát”... Đến khi người dân gọi điện báo công an phường sở tại, nhóm này vội lên xe bỏ đi.
Vào cuộc xác minh, ngày 4.9 Công an tỉnh Bình Phước cho biết cả 3 người chặn xe này đều không thuộc lực lượng của cơ quan công an hay đơn vị nhà nước nào. Tại cơ quan công an, Thành, Hưng và Trường khai mục đích xưng hình sự TP.Đồng Xoài vì nghi ngờ anh Tùng trộm cắp tài sản nên chặn xe kiểm tra giấy tờ?

Ngẫu hứng muốn làm “hiệp sĩ” nên giả danh công an đánh người tại Bình Phước

Có dấu hiệu tội phạm

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), cho biết bộ luật Hình sự - năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có tội danh “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”. Theo đó, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật, nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Bà Nhuệ phân tích: “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối bằng lời nói, chữ viết, giấy tờ, trang phục, phù hiệu... làm cho người khác lầm tưởng là người có chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật. Thành, Trường và Hưng đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối bằng lời khi giả mạo hình sự TP.Đồng Xoài; hành vi trái pháp luật của cả 3 là chặn xe người dân. Như vậy, dấu hiệu của tội phạm là có”. Tuy nhiên, bà Nhuệ cho rằng khoản 2, điều 8, bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Vì vậy, Công an TP.Đồng Xoài xử phạt hành chính Thành, Trường, Hưng để răn đe.
Trong khi đó, sau khi xem video liên quan, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. “Ba người trong clip không phải là người có thẩm quyền để kiểm tra giấy tờ nhân thân của anh Tùng, và anh Tùng không phải là người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang, do vậy họ không có quyền chặn xe, kiểm tra giấy tờ đối với anh Tùng”, luật sư Hoan nhấn mạnh và cho rằng phải làm rõ mục đích, động cơ của 3 người này thì mới có căn cứ để xử lý đúng quy định của luật. Nếu chặn xe kiểm tra giấy tờ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu về tội liên quan đến quyền sở hữu (Điều 168. Tội cướp tài sản; Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản) và trường hợp không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi của những người này có dấu hiệu của tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” tại điều 339 bộ luật Hình sự năm 2015.
Về lời khai của nhóm Thành cho rằng do nghi ngờ anh Tùng trộm cắp tài sản nên muốn là “hiệp sĩ” chặn xe kiểm tra, luật sư Hoan nhấn mạnh: “Nếu nghi ngờ là trộm, người dân chỉ có thể theo dõi, gọi điện báo lực lượng chức năng, cùng phối hợp bắt giữ. Hoàn toàn không có quyền truy đuổi theo, chặn xe, buộc người khác phải giao giấy tờ kiểm tra, lục cốp xe, bắt cởi đồ rồi đánh đập”.
 

Làm gì khi bị người lạ chặn xe ?

 
Theo một cán bộ Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM), tuần tra kiểm soát của lực lượng công an thường có hai hình thức công khai và bí mật, tùy nhiệm vụ được phân công. Tuần tra công khai là công an mặc sắc phục, đeo bảng tên phối hợp với các lực lượng liên quan. Tuần tra bí mật là công an mặc thường phục như người đi đường. Cả hai hình thức tuần tra bí mật, công khai đều phải có kế hoạch cụ thể của đơn vị.
Trong trường hợp tuần tra bí mật, các chiến sĩ tham gia phải mang theo thẻ ngành. Khi tiếp cận người nghi vấn, tùy vào trường hợp cụ thể sẽ xuất trình thẻ ngành và thông báo cho người nghi vấn nghe là thuộc đơn vị nào, đang làm nhiệm vụ gì. Trường hợp người nghi vấn chống đối, có khả năng tấn công gây nguy hiểm cho tổ tuần tra thì các chiến sĩ sẽ truy đuổi, trấn áp, khống chế trước rồi xuất trình thẻ ngành sau. Trường hợp người nghi vấn không có biểu hiện chống đối thì tổ tuần tra phải xuất trình thẻ ngành và yêu cầu người nghi vấn đưa giấy tờ cá nhân, giấy tờ xe để kiểm tra hành chính. Nếu người nghi vấn có nhiều biểu hiện bất minh thì tổ tuần tra sẽ đưa về trụ sở công an địa phương (nơi kiểm tra hành chính) để tiếp tục làm rõ.
Cũng theo vị cán bộ này, người dân khi bị người mặc thường phục chặn xe yêu cầu kiểm tra hành chính thì việc đầu tiên là cố gắng di chuyển tới nơi có đông người qua lại mới dừng. Trước khi đưa ra giấy tờ cá nhân, người dân phải yêu cầu người kiểm tra xưng họ tên, xuất trình thẻ ngành và chỉ hợp tác sau khi người yêu cầu kiểm tra hành chính cho biết đơn vị công tác, kèm theo việc xuất trình thẻ ngành. Trường hợp người yêu cầu kiểm tra không báo đơn vị công tác, xuất trình thẻ ngành, người dân có quyền không tuân thủ.   
Công Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.