Gia cầm lậu tung hoành

22/03/2010 00:03 GMT+7

Trong khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, việc mua bán gia cầm sống trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn ra công khai. Mời nghe đọc bài

Chợ gia cầm lậu

Trên địa bàn các Q.Gò Vấp, Q.12, H.Hóc Môn..., không khó để gặp ở lề đường những chợ tự phát tấp nập mua bán gia cầm lậu. Chẳng hạn như trên một đoạn đường Tân Sơn (thuộc P.12, Q.Gò Vấp và P.15 Q.Tân Bình) chỉ dài khoảng 200m nhưng có gần 20 điểm bán gà, vịt sống. Gà, vịt cột thành từng xâu hoặc để trong lồng bày công khai bên lề đường, giá gà ta nuôi thả 80 - 90 ngàn đồng/kg, vịt 45 - 60 ngàn đồng/kg.

Dọc đường Lê Văn Khương (thuộc xã Đông Thạnh, Hóc Môn, giáp ranh H.Củ Chi) và Hương lộ 80 (thuộc ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn) còn hình thành hẳn một chợ chuyên bán gà, vịt sống với cả chục hàng gà, vịt san sát nhau. Vào những ngày cuối tuần, việc mua bán còn gây ùn tắc giao thông cả đoạn đường dài...

Công khai và liều lĩnh hơn là những chợ gà họp ở ngay trên lan can cầu, như ở cầu Thạnh Lộc (đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp); cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, giáp ranh Gò Vấp và Q.12); cầu Trường Đai (thuộc Gò Vấp và Q.12). Người bán lấn chiếm lan can cầu, còn người mua vô tư dừng xe dưới lòng đường trả giá..., đôi khi đẩy người đi bộ ra giữa lòng cầu “giành” đường với ô tô, xe gắn máy...

Thậm chí gia cầm lậu còn “tấn công” cơ quan công quyền. Ngay phía sau UBND xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn), gia cầm “lậu” được bày bán công khai từ sáng đến chiều, trong đó nhộn nhịp nhất là quầy bán gà sống sát cổng Trạm Y tế xã (!). Còn chợ gà lậu họp ở đường TMT13 (thuộc P.Trung Mỹ Tây) và chợ hạt điều trên đường TCH21 (P.Tân Chánh Hiệp, đều thuộc Q.12) không chỉ bán gà, vịt sống công khai, mà còn có một “khu liên hợp giết mổ gà” cắm chốt ngay trên vỉa hè để phục vụ khách có nhu cầu.

Tại một chốt kiểm dịch

Theo PV tìm hiểu, gia cầm bán ở các chợ nói trên đều được thương lái vận chuyển từ miền Tây về bằng xe gắn máy hoặc ô tô... Vậy công tác kiểm dịch ở các trạm như thế nào?

8 giờ sáng 17.3, PV có mặt ở trạm kiểm dịch nằm trên quốc lộ 1A (H.Bình Chánh) - “chốt” chặn đường vận chuyển gia cầm lậu từ miền Tây lên TP.HCM. Lúc này, bên trong trạm chỉ có một cán bộ thú y mặc áo trắng ngồi gác, phía ngoài sân có một thanh niên xung phong đi đi lại lại. Trong khi đó, ngoài quốc lộ 1A, hàng loạt xe gắn máy chất đầy gà, vịt sống thoải mái vượt trạm.

Đến 9 giờ 30, vài phút sau khi PV công khai đứng ghi hình xe chở gia cầm sống vượt trạm, một chốt kiểm dịch cũng được triển khai bên quốc lộ. Một CSGT liên tục tuýt còi dừng những xe khách từ miền Tây lên thành phố để 2 cán bộ thú y, 1 cán bộ quản lý thị trường và 2 thanh niên xung phong lên xe kiểm tra. Kiểm tra đến chiếc xe thứ 6, chốt này phát hiện 3 con gà giấu trong cốp một xe khách 25 chỗ ngồi...

Trong khi đó, phát hiện ra chốt kiểm dịch hoạt động, những xe gắn máy chở gia cầm sống trên quốc lộ 1A lập tức đổi hướng khi cách đó khoảng 30m. Họ “biến” vào con hẻm nhỏ để vượt trạm bằng đường mòn. Vài xe liều lĩnh tăng tốc, lấn vào làn đường ô tô để vượt trạm. Và lực lượng kiểm dịch cũng chỉ biết... đứng nhìn!

Thú y than khó

Kiểm dịch vòng ngoài là vậy, đến vòng trong (tại các chợ, khu dân cư...) hiệu quả cũng chẳng hơn gì. Sáng 18.3, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hương, Trạm trưởng Trạm thú y Q.12, một trong những địa phương được xem là nhức nhối nhất về nạn gia cầm lậu, cho biết: “Gia cầm sống bán công khai tại các chợ tự phát trên một số địa bàn ở Q.12. Để có biện pháp ngăn chặn, UBND Q.12 đã chỉ đạo đoàn công tác liên ngành của quận gồm cán bộ thú y, công an, dân phòng thường xuyên bất ngờ kiểm tra thu giữ gia cầm lậu, đem tiêu hủy. Tuy nhiên, cái khó là người bán không ở địa phương, lại bán ở chợ tự phát, không có việc làm ổn định nên việc vận động tuyên truyền ít hiệu quả. Bên cạnh đó, một số địa phương không thật quyết liệt cùng cán bộ thú y vào cuộc. Có trường hợp chúng tôi bất ngờ xuất hiện thì bị những người buôn bán gia cầm lậu chống đối, điện thoại đề nghị địa phương hỗ trợ thì nhận được câu trả lời: sao đi mà không báo cho chúng tôi biết trước...”.

Cũng theo bà Hương, những người buôn bán gia cầm lậu thường liên kết với nhau để đối phó với lực lượng chức năng. Khi đoàn kiểm tra xuất hiện, thu giữ gia cầm ở một chợ thì những chợ cách đó vài km đã biết tin và kịp thời tẩu tán... Ngoài ra, có không ít đối tượng manh động, hành hung cả cán bộ thú y như một số vụ xảy ra ở chợ tạm họp trên đường TMT13 (P.Trung Mỹ Tây) và chợ hạt điều (P.Tân Chánh Hiệp và P.Tân Thới Hiệp).

Từ đầu năm 2010 đến ngày 10.3, trạm thú y Q.12 đã thu giữ và tiêu hủy gần 1.300 con gà sống, 250 kg thịt gà, hơn 4 ngàn quả trứng... Mới đây, sáng 18.3, đoàn bất ngờ xuất hiện và thu giữ tại chỗ 29 con gà sống của một quầy bán gà. “Để việc truy bắt gà lậu hiệu quả, chúng tôi đề nghị cảnh sát khu vực sâu sát hơn địa bàn. Cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi bất ngờ “tập kích” vào một căn nhà ở khu phố 4, P.Tân Chánh Hiệp, thu giữ tại đây 449 con gà. Với số lượng lớn như vậy thì cảnh sát khu vực không thể không biết”, bà Hương nói.

Cúm gia cầm H5N1 có độc lực cực mạnh

Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trước việc xuất hiện trở lại các ca nhiễm và tử vong do cúm gia cầm A/H5N1, cục Y tế dự phòng và môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bộ Y tế cũng lưu ý cúm gia cầm A/H5N1 có độc lực mạnh hơn các cúm thông thường và cúm A/H1N1; tỷ lệ tử vong do vi-rút cúm A/H5N1 gây nên hiện cao hơn nhiều so với cúm A/H1N1. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Tại Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 trên địa bàn (huyện Sóc Sơn) đang điều trị tại BV Bạch Mai vẫn trong tình trạng rất nặng, phải thở máy. Còn tại TP.HCM, ngay khi xảy ra việc ca bệnh nhi nhiễm cúm A/H5N1 (ở H.Thuận An, tỉnh Bình Dương) chuyển đến TP.HCM điều trị và tử vong hôm 17.3, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị y tế quận huyện sẵn sàng trở lại công tác giám sát bệnh (đối với các cơ sở điều trị), và phòng chống bệnh (đối với các đơn vị y tế dự phòng). Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, cho biết Sở cũng đã tham mưu UBND TP về việc chỉ đạo tất cả các quận, huyện giám sát thường xuyên với bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; giám sát việc phân phối, vận chuyển gia cầm, thủy cầm, ngăn chặn không để diễn ra tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, thủy cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.

Liên Châu - Thanh Tùng

Anh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.