Gầy dựng thương hiệu giữa… rừng tràm

01/10/2012 10:30 GMT+7

Nguyễn Trung Quốc (Năm Quốc, 50 tuổi) và Nguyễn Hồng Nhẫn (49 tuổi). Mười năm trước, vợ chồng ông Quốc nhận giữ phần đất rừng 100 ha ở xã Khánh Thuận (H.U Minh, Cà Mau). Dù nằm cách thị trấn chỉ khoảng 6 cây số, nhưng muốn tới đây phải dùng vỏ lãi, chứ không thể đi xe được do chưa có lộ.

Đặc sản nhãn hiệu “Năm Quốc”

Giữ rừng “suông” đói là cái chắc. Thế là vợ chồng Năm Quốc tính chuyện làm “kinh tế rừng”. Thấy nơi đây cá tự nhiên còn nhiều, giá khá rẻ so với vùng khác, với lại bà Nhẫn sẵn có kinh nghiệm làm mắm nên vợ chồng ông quyết định thu mua cá sặc, cá lóc về làm mắm bán. Nhờ nguồn cá nguyên liệu ngon cộng với chút bí quyết gia truyền nên mắm bà Nhẫn làm ra ai ăn một lần là nhớ đời. Vậy rồi từ chốn rừng xanh, những hũ mắm bằng nhựa mang thương hiệu “Năm Quốc” bắt đầu ra chợ và lập tức được người tiêu dùng chấp nhận. Mắm sặc được bán với giá 130.000 đ/hũ, mắm lóc giá 160.000 đ/hũ (loại 1 kg/hũ).

 Vườn chim U Minh
Qua Vườn chim U Minh bằng “phà” - Ảnh: Phương Kiều

Sau khi “nổi danh” với thương hiệu mắm, vợ chồng ông tiếp tục thành công với thương hiệu mật ong. Mật ong rừng U Minh “danh bất hư truyền” được vợ chồng Năm Quốc khai thác trong phạm vi “rừng nhà”. Không đủ, họ mua thêm của những người ăn ong. Mật ong cũng đựng trong hũ nhựa, bán với giá 200.000 đ/hũ/kg. Tiếp đến là rượu trái giác - một loại trái hoang dã mà dân địa phương gọi là nho rừng. Ở đây, dây giác bò đầy, cứ đi vô rừng “quơ” về, muốn bao nhiêu cũng có. Trái giác hái rửa sạch, để ráo, trộn đường phèn và men xiêm (loại làm cơm rượu), quết nhuyễn, để lên men, 6 tháng sau thành rượu. Bà Nhẫn cho biết rượu để trên 1 năm thơm ngon “hết biết”, uống lâng lâng, không say. Rượu trái giác 30.000 đ/chai/500ml, hương vị đậm đà, thơm đặc trưng mùi hoang dã.

Mỗi năm, vợ chồng ông sản xuất hàng tấn mắm lóc, mắm sặc, mật ong và rượu trái giác. Sản phẩm dán nhãn “Năm Quốc”, ngoài bán tại nhà cho du khách, Việt kiều… còn tham gia các kỳ hội chợ trong nước, được khách tham quan đánh giá cao về chất lượng.

Vườn chim…Năm Quốc

Nhiều người thắc mắc tại sao ở bìa một cánh rừng tràm xa TP.Cà Mau 40 km, cách thị trấn U Minh 15 phút vỏ lãi, ở một nơi không có chòm xóm mà hàng hoá lại bán được như vậy? Đó là nhờ vợ chồng Năm Quốc đã nghĩ ra một kế hữu dụng: cắt một phần cánh rừng tràm để làm du lịch sinh thái với tên gọi Vườn chim U Minh.

Mấy cây cầu xi măng được bắc trong Vườn chim U Minh, chạy loanh quanh xuyên qua những thân tràm cổ thụ đầy dây dớn, dây choại um tùm, mát rượi đưa khách đến những chòi lá xé để thưởng thức “lâm hào thủy vị”. Trong khi chờ món ăn dọn ra, khách được vỏ lãi đưa len lỏi rừng tràm, ngắm và nghe các loại chim (diệc mốc, diệc lửa, cồng cộc, cò trắng, điên điển, quốc, ốc cao...) nhảy nhót, kêu hót vang vang. Lúc trở về, khát nước, lại được chủ nhà dọn lên dĩa mận An Phước đỏ sậm, ngọt lịm. Năm Quốc “hốt bạc” nhờ có hơn trăm gốc mận loại này, mỗi ngày hái khoảng 2 tấn trái.

Cá lóc ở đây con nào con nấy “bự xộn”. Lẩu cơm mẻ cá lóc với những xớ thịt trắng ngần dọn ra, trông bắt thèm. Bên cạnh đó là dĩa rau xanh “ế pinh”, toàn rau siêu sạch: rau cóc, rau huyết bò, rau đắng đất. Rồi dĩa cá trê trắng chiên giòn, dĩa lươn xào sả ớt tiếp tục được dọn lên. Tất cả món ngon miệt rừng được nhâm nhi với ly rượu trái giác ngọt dịu, nghe tiếng chim hót véo von, ai lại không thích.

Thích nhất là để qua Vườn chim U Minh, khách được đi trên chiếc phà tự chế bằng mấy cái thùng phuy kết chặt, níu dây qua con rạch đỏ sậm màu nước tràm đặc trưng. Nhờ vậy mà vợ chồng Năm Quốc vừa làm kinh tế vừa bảo vệ rừng hiệu quả.

Phương Kiều

>> Măng Là A kho mắm ruốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.