Gặp gỡ sau 33 năm: Cứu nhau trong mưa đạn

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
14/03/2021 06:53 GMT+7

33 năm trước, sáng 14.3.1988, phía Trung Quốc đã nổ súng vào bộ đội và tàu vận tải quân sự của hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (Trường Sa)...

33 năm sau, những người lính tham gia chiến đấu đã tìm được nhau, ngồi lại với nhau và hồi tưởng ngày lửa đạn, ngày giành sự sống cho nhau.

Nhường nhau mảnh gỗ

Ở xã Tân Lập (H.Đồng Phú, Bình Phước), có cựu chiến binh Đoàn Hữu Thấn (56 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) tham gia trận 14.3.1988 trên tàu HQ-604 (Lữ đoàn vận tải quân sự 125, Vùng 2 hải quân) ở vùng biển Gạc Ma.
Ông Thấn vốn là quân số tàu HQ-605. Do là “lính cựu” nên đầu tháng 3.1988, ông được tăng cường sang tàu HQ-604 (cùng Lữ đoàn 125) ra Trường Sa làm nhiệm vụ CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988). Sáng 13.3.1988, tàu HQ-604 cập mạn tàu HQ-505 (đang chốt tại đảo Đá Lớn), trao mật lệnh của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương và cùng di chuyển tới cụm đảo Sinh Tồn.
Tàu HQ-604 neo cạnh bãi ngầm Gạc Ma, HQ-505 áp sát Cô Lin. Đêm 13.3.1988, trung tá Trần Đức Thông (Phó lữ đoàn trưởng 146) lệnh cho bộ đội công binh Trung đoàn 83 vào Gạc Ma để củng cố xây dựng đảo, đi cùng có tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ công binh.
6 giờ sáng, phát hiện hoạt động của ta, tàu chiến Trung Quốc tiến lại gần HQ-604 quay pháo sang đe dọa và thả 3 xuồng chở binh lính đổ bộ lên bãi Gạc Ma. “Tôi đứng trên boong, thấy rõ lính Trung Quốc lao vào giật cờ Việt Nam, cắm cờ Trung Quốc nhưng bị bộ đội ta nhổ lên vứt đi. Giằng co qua lại, lính Trung Quốc bắn thẳng vào anh em ta. Nghe súng nổ, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh: “Trừ lực lượng đi ca, tất cả lên bãi ngầm hỗ trợ anh em”. Sau thời gian giằng co, lính Trung Quốc không cắm được cờ phải rút về tàu.
Ông Thấn kể tiếp: “Tôi thấy tàu chiến Trung Quốc lùi ra xa HQ-604. Gần 8 giờ sáng, chúng đồng loạt xả đạn lên bãi Gạc Ma, vào tàu. Sau đợt pháo kích, gần chục xuồng chở lính Trung Quốc lao vào định chiếm tàu nhưng bị đánh trả quyết liệt. Thuyền phó Vũ Văn Thắng dùng B41 bắn tàu địch không hiệu quả, đã lệnh cho tổ chiến đấu trên boong tập trung tiêu diệt xuồng cao tốc. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh lao lên ủi bãi Gạc Ma, nhưng máy tàu bị pháo địch bắn hỏng. Trong khi đang chờ nạp khí để khởi động lại thì đạn trúng ngay hầm máy, khiến tàu bất động, bị địch bắn chìm, bộ đội hy sinh phần lớn”.
Gặp gỡ sau 33 năm: Cứu nhau trong mưa đạn1

Phần mộ liệt sĩ hy sinh trong trận đánh 14.3.1988, được chôn cất trên đảo Sinh Tồn

ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI

Ông Thấn bị sức ép đạn pháo nằm ngất lịm trên boong. Khi tàu HQ-604 chìm, sức nước đẩy ông lên, nằm lơ lửng giữa các vật nổi. Rất may mắn, một đồng đội tên Lê trôi dạt gần đó phát hiện ra ông Thấn, đã buộc ông vào mảnh gỗ thông và vật lộn với dòng nước đẩy nhau vào Gạc Ma. Chiều 14.3.1988, tổ cảm tử của tàu HQ-505 (cũng bị bắn cháy nhưng lao ủi lên bãi cạn Cô Lin) tìm thấy đưa về đảo Cô Lin và chiều tối hôm ấy được theo tàu HQ-671 sang đảo nổi Sinh Tồn cùng thương binh. Do trời tối, xuồng chỉ chở các thương binh nặng lên đảo, số còn lại ở tàu, sáng hôm sau mới lên đảo.

Hy sinh trên tay đồng đội

“5 giờ sáng 14.3.1988, tàu HQ-605 chúng tôi đến Len Đao”, thượng úy Uông Xuân Thọ, nguyên máy trưởng tàu HQ-605 nhớ lại: “Thuyền phó Phan Hữu Doan đưa 4 chiến sĩ lên bãi Len Đao cắm cờ Tổ quốc. Xong nhiệm vụ, cả tổ trở lại, nhưng thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh cho thuyền phó Phan Hữu Doan lên tàu, chính trị viên Khổng Ngọc Quang xuống xuồng đưa cả tổ vào đảo.
Gặp gỡ sau 33 năm: Cứu nhau trong mưa đạn2

Tàu HQ-604 rời cảng Cam Ranh, ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tháng 3.1988

ẢNH: TƯ LIỆU VÙNG 4 HẢI QUÂN

Khoảng 8 giờ sáng, sau khi đã bắn chìm tàu HQ-604 và bắn cháy tàu HQ-505, các tàu chiến Trung Quốc quay sang tấn công HQ-605 đang neo cạnh đảo Len Đao. Loạt đạn đầu nhằm vào đài lái, khiến trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, thuyền phó Phan Hữu Doan bỏng nặng. Thuyền trưởng ra lệnh chặt neo, ủi lên bãi Len Đao nhưng đạn pháo Trung Quốc trúng ngay khoang máy, khiến máy trưởng Uông Xuân Thọ, chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu bị thương nặng.
Thấy tàu HQ-605 bị cháy, tổ bảo vệ cờ tức tốc quay xuồng lại. “Suốt 2 tiếng cứu vớt, mới tìm thấy gần đủ anh em và thay nhau chèo về đảo Sinh Tồn để kịp cứu anh Lê Lệnh Sơn, Phan Hữu Doan, Trần Văn Sáu, Uông Xuân Thọ. Chiều tối gần tới đảo thì thuyền phó Doan trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay tôi. Anh Doan bị bỏng nặng, ngâm nước biển và cháy nắng cả ngày, nên người đỏ ửng, phồng căng”, ông Vũ Văn Nga, nguyên chiến sĩ tàu HQ-605, nhớ lại.

Chiếc xuồng cảm tử

Thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, trực tiếp tham gia trận chiến 14.3.1988 kể: Buổi chiều 13.3.1988, sau khi thả neo cạnh Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ gọi các sĩ quan lên họp: “Sáng mai có thể đụng độ. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu”. Đêm ấy, hầu như cả tàu thức, nhìn sang phía Gạc Ma thấy công binh làm việc, đèn đuốc sáng lập lòe.
Đêm 13.3, thuyền trưởng Lễ cử bộ đội lên cắm 2 lá cờ trên đảo Cô Lin. Khoảng 7 giờ, ông Hưng nhận ca trực, dùng ống nhòm quan sát Gạc Ma, thấy lính Trung Quốc đổ bộ vào đảo, giằng co và nổ súng. Toàn tàu báo động và trong khi HQ-505 đang loay hoay nhổ neo, thì cả 3 tàu khu trục Trung Quốc lao đến tấn công. Quả đạn pháo đầu tiên của chúng bắn vào buồng thông tin trên đài lái, sau đó là hầm máy khiến hệ thống liên lạc bị cắt, khí khởi động tịt ngóm. “Chúng tôi vừa dập lửa vừa bắn trả, nhưng vũ khí mạnh nhất của tàu lúc ấy chỉ là pháo 40 mm, không với tới tàu địch”, ông Hưng kể.
Trong cuốn nhật ký chiến đấu của tàu HQ-505 lưu tại Bảo tàng Hải quân, vẫn còn rành mạch nét chữ của chính trị viên Võ Tá Du: “8 giờ 5: 3 tàu địch bắt đầu bắn vào 505; 8 giờ 7: Lái hỏng, mũi tàu dạt ngang, lệnh lái tay; 8 giờ 8: Dùng hai máy hết tốc độ ủi lên Cô Lin, chân vịt không quay, điện điều khiển hỏng, tàu bị địch bắn cháy phòng thuyền trưởng và khu thông tin, trưởng ngành thông tin bị thương; 8 giờ 10: Máy tiếp tục hỏng, không sử dụng được; 8 giờ 11: Bình khí vào ly hợp bị bắn thủng. 3 tàu Trung Quốc tấn công rất mạnh. Buồng thông tin trúng đạn. 2 máy tiến hết tốc độ. Điều khiển bằng tay lao lên đảo; 8 giờ 18: 2 máy ngừng hẳn. Tàu nằm hẳn lên cạn vị trí A6, B1, 2”...
Dù HQ-505 đã lao lên bãi Cô Lin, nhưng 3 tàu chiến Trung Quốc vẫn điên cuồng bắn phá đến 9 giờ 30 mới rút ra xa. Nhìn ống nhòm sang Gạc Ma thấy bộ đội đang ngoi ngóp cứu nhau, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho hạ xuồng nhôm mạn phải, chạy sang Gạc Ma cứu được 43 cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 và công binh Trung đoàn 83, chở về Cô Lin. Đứng trên mâm pháo nhìn xuống, ông Hưng thấy rõ cảnh bộ đội kiệt sức đưa 2 thương binh nặng là Đậu Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh lên boong và cuối cùng là thi hài thiếu úy Trần Văn Phương... (còn tiếp)
Tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma

ẢNH: NGUYỄN CHUNG

Ngày 13.3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở H.Cam Lâm (Khánh Hòa), đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cùng nhiều cơ quan, đoàn thể đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động xây dựng trên diện tích 2,5 ha. Kể từ khi khánh thành và chính thức hoạt động (tháng 7.2017) đến hết tháng 2.2021, khu tưởng niệm đã đón hơn 2.350 đoàn với hơn 219.000 lượt người đến viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.