Gần 100% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Hiến pháp

28/11/2013 10:25 GMT+7

(TNO) Sáng nay 28.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp .

>> Dự thảo Hiến pháp sửa đổi (đã được thông qua)
>> Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp (đã được thông qua)


Quốc hội biểu quyết thông qua Toàn văn dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: Ngọc Thắng

Đã có 488 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, chiếm 97,99% tính trong tổng số 498 đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 486 đại biểu tán thành, chiếm 97,59% trong tổng số đại biểu Quốc hội. Không có đại biểu không tán thành. Còn lại hai đại biểu không biểu quyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá “đây là thời khắc lịch sử” và “Bản Hiến pháp mới đã biểu hiện được ý Đảng, lòng dân”.

Trước đó, mở đầu buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Toàn văn dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp

Sau khi thông qua Dự thảo Hiến pháp, các đại biểu Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Có 491 đại biểu tán thành (chiếm 98,59% trong tổng số đại biểu Quốc hội), không có đại biểu không tán thành, không biểu quyết.

Theo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28.11.2013, được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày thông qua.

Sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất.

Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi).

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi).

Các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi), kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.

Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức Tòa án nhân dân, luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, luật Kiểm toán Nhà nước, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2015).

Như vậy, theo Hiến pháp mới, trong vòng 15 ngày tới, Chủ tịch nước sẽ là người công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay.

Nguyên Mi

>> Quốc hội yêu cầu tăng cường chống tội phạm
>> Truyền hình trực tuyến: Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
>> Truyền hình trực tuyến phiên chất vấn của Quốc hội
>> Không đặt vấn đề nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự trong Hiến pháp
>> Sửa Hiến pháp có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến lịch sử
>> Đề xuất bỏ Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa Hiến pháp 1992
>> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.