Gần 100 cảnh sát bắt 9 sà lan hút cát trộm ở Cồn Ngựa

29/12/2014 22:13 GMT+7

(TNO) Đến 21 giờ ngày 29.12, các điều tra viên Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn đang lấy lời khai của thuyền viên và thuyền trưởng 9 sà lan hút cát trộm ở vùng biển Cồn Ngựa.

(TNO) Đến 21 giờ ngày 29.12, các điều tra viên Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn đang lấy lời khai của thuyền viên và thuyền trưởng 9 sà lan hút cát trộm ở vùng biển Cồn Ngựa, nơi giáp ranh giữa các tỉnh, thành Bà Rịa-Vũng Tàu - TP.HCM - Tiền Giang.

Kiểm tra sà lan hút trộm cát
Điều tra viên lấy lời khai các thuyên viên - Ảnh: Nguyễn Long
Trước đó, lúc 9 giờ cùng ngày, gần 100 cán bộ cảnh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục Cảnh sát đường thủy… giả làm khách du lịch đi trên 6 tàu cá để tiếp cận các sà lan đang bơm hút cát trộm.
Tại hiện trường, mỗi sà lan đang đưa hơn 10 ống nhựa dài trên 20 m xuống biển hút cát.
Lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng lên các sà lan khống chế thuyền trưởng và các thuyền viên rồi đưa phương tiện vào bờ.
Hiện các sà lan này đang neo đậu trên sông Dinh, P.12, TP.Vũng Tàu.
Đại tá Dương Văn Linh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, cho biết đây là đường dây khai thác cát lậu lớn đã được Cục lên chuyên án triệt phá từ nhiều tháng nay.
Hằng ngày tại khu vực Cồn Ngựa, có 12-27 sà lan có trọng tải từ 700-1.200 tấn thường xuyên hút cát trộm trong vòng bán kính 2 km.
Trên mỗi sà lan bị bắt giữ, các chủ tàu thuê 4-5 công nhân, đều là những lao động phổ thông làm thuê đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Tây Nam bộ.
Theo chỉ đạo của các chủ sà lan, các công nhân sử dụng 12 máy bơm công suất lớn trực tiếp hút cát từ biển vào lúc triều cường lớn, lúc biển có sóng mạnh, hay vào thời điểm thứ 7, chủ nhật, ít có lực lượng chức năng tuần tra theo dõi.
Trung bình mỗi ngày các sà lan hoạt động từ 4-5 giờ, hút được khoảng 800 m3 khối cát, sau đó đem đi bán lại cho các đơn vị san lấp mặt bằng ở TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, với giá 39.000 đồng/m3.
“Đường dây khai thác cát này hoạt động có thủ đoạn rất tinh vi. Các đầu nậu ký hợp đồng với các đơn vị có mỏ tại Tiền Giang để lấy giấy tờ này hợp thức hóa nguồn gốc số cát lậu khai thác ở Cồn Ngựa để bán cho các công trình san lấp”, đại tá Linh cho biết.
Theo đại tá Linh, việc khai thác cát biển trái phép tại khu vực Cồn Ngựa sẽ làm thay đổi dòng chảy của các con sông hướng ra biển, dẫn đến tình trạng bồi lấp hoặc sạt lở hàng loạt bờ sông.
Ngoài ra, cát biển dùng san lấp sẽ làm công trình nhanh chóng xuống cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.