Game đánh bài vẫn nhộn nhịp trên mạng

15/03/2018 08:55 GMT+7

Nhiều game bài ăn tiền vẫn hoạt động công khai sau khi đường dây đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị triệt phá.

Rikvip được bảo kê, hoạt động chuyên nghiệp như thế nào?
Theo tìm hiểu PV Thanh Niên, trước khi đường dây đánh bạc ngàn tỉ bị triệt phá, Rikvip là một trong những sòng bạc online quy mô với các đại lý khắp cả nước.
Ra đời năm 2014, Rikvip là một cổng game online được Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online và Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC điều hành. Rikvip được xem là sàn game đánh bài “mạnh” nhất trong làng game tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Trang web đánh bạc qua mạng Xeng.club Ảnh: Đàm Huy
Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã lập cổng thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game qua website và ứng dụng. Người chơi sau khi truy cập webiste và tải game RikVip từ kho ứng dụng về điện thoại, đăng ký tài khoản sẽ được hướng dẫn mua thẻ cào điện thoại hoặc thẻ game để nộp vào tài khoản game.
Tiền từ các nhà mạng cung cấp thẻ cào hoặc công ty phát hành thẻ game sẽ chuyển vào tài khoản của RikVip. Toàn bộ số tiền của người chơi chuyển vào RikVip sẽ được chuyển qua đơn vị tiền ảo trong game bài là Rik với giá trị quy đổi 100.000 đồng thành 100.000 Rik.
Người chơi sau khi nộp tiền và sát phạt nhau, nếu còn tiền hoặc thắng được nhiều tiền sẽ có hai hình thức rút tiền. Năm 2016, người chơi chỉ làm vài thao tác trên game RikVip thì tiền dư của người chơi sẽ được chuyển thẳng vào bất cứ tài khoản ngân hàng nào tại Việt Nam của người đó. Năm 2017, RikVip không cho chuyển khoản nữa mà quy đổi ngược lại thành thẻ cào, thẻ game để người chơi tự đến các đại lý RikVip trên toàn quốc đổi thành tiền mặt hoặc hiện vật.
Năm 2015, Rikvip bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vì hoạt động không phép và tổ chức đánh bạc online. Sau đó, Rikvip được đổi tên Tip.Club và hoạt động mạnh hơn trước với doanh thu từ vài trăm tỉ đồng/tháng.
Số hotline của Xeng.club Ảnh: Đàm Huy
Theo ông H. (một người làm trong lĩnh vực game), tổ chức, cá nhân tổ chức game đánh bạc sẽ có 3 cách để lấy tiền người chơi: Thu tiền phí của người chơi mỗi khi nộp thẻ cào vào tài khoản để đánh bạc; lấy phần trăm trên các ván bài của người chơi; thu phí khi người chơi khi quy đổi ra tiền mặt thông qua các đại lý.
Với hàng triệu người tải RikVip, nộp tiền vào sát phạt và quy đổi ra tiền mặt thì công ty tổ chức game này thu lợi nhuận cả trăm tỉ đồng mỗi tháng.
Cũng theo ông H., những công ty tổ chức game đánh bạc đều lập cổng thanh toán với các nhà mạng hoặc thông qua đơn vị thứ 3 để hợp thức hóa thẻ cào, thẻ game thành tiền mặt. “Các game đánh bạc cho quy đổi thành tiền hoặc hiện vật đều vi phạm pháp luật, nhưng vẫn hoạt động công khai nhiều năm liền, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng thì chắc chắn phải có người làm lớn bảo kê”, ông H. khẳng định.
Trang web đánh bạc qua mạng Hely.club Ảnh: Đàm Huy
Hoạt động đánh bạc, đổi tiền công khai
Sau khi cổng game Rikvip bị triệt phá, cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 rất nhiều game đánh bạc như: Nova.club, Bon.club, Trum.club, Go.win, Hely.club, Xeng.club, Vip52.net… ngang nhiên làm lễ ra mắt và hoạt động công khai với hình thức tương tự Rikvip.
Con bạc đang tham gia sát phạt ảnh: Đàm Huy
Ngày 12.3, truy cập vào địa chỉ https://hely.club.net, chúng tôi dễ dàng đăng ký tài khoản chỉ với vài thao tác đơn giản. Sau khi tạo tài khoản, chúng tôi nạp tiền bằng thẻ cào trị giá 100.000 đồng và bắt đầu "sát phạt" với các con bạc khác bằng "đánh bài tiến lên kiểu miền nam". Và chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút, tài khoản của chúng tôi bị “bốc hơi” gần 30.000 đồng.
Hely.Club cũng là một trong cổng game đánh bạc vào thuộc loại lớn và hoạt động mạnh hiện nay. Tại địa chỉ http://helyclub.net/ đăng tải thông tin và hình ảnh công khai “lễ ký kết hợp đồng và trao giấy chứng nhận đại lý cấp 1 Hely.Club”. Theo thông tin từ website này, lễ ký kết diễn ra ngày 27.9.2017 tại một khách sạn ở TP.Hà Nội với sự tham gia của 11 đại lý cấp 1. Trên ứng dụng này có 12 đại lý trên toàn quốc, kèm theo số điện thoại để người chơi có thể liên hệ để đổi tiền hoặc hiện vật.
Lần lượt, chúng tôi vào các trang như Nova.club, Xeng.Club, Bon.club, Trum.club... đều được hướng dẫn tạo tài khoản, nộp tiền bằng thẻ cào điện thoại để chơi. Và trên các ứng dụng này đều ghi rõ từng đại lý, kèm số điện thoại cho người chơi liên hệ để quy đổi.
Hely Club làm lễ ra mắt, công bố đại lý Ảnhh: Chụp màn hình
Chỉ cần vào kho ứng dụng dành cho điện thoại tìm kiếm cụm từ khóa “game bài đổi thưởng”, người dùng dễ dàng tìm được hàng loạt game kiểu này để lựa chọn. Và hầu hết các game này đều có vài trăm nghìn hoặc hàng triệu người tải về chơi. Làm thử một phép tính, với số lượng người chơi lên đến hàng trăm nghìn, hàng triệu người thì doanh thu của các "sòng bài ảo" này là con số không hề nhỏ. 
Lách luật bằng thẻ cào điện thoại
Một lãnh đạo của Bộ TT-TT từng thừa nhận có một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong quản lý thẻ cào di động thanh toán cho các trò chơi game trực tuyến. Vì dù chính sách pháp luật có quy định không được dùng thẻ cào thanh toán cho các game chưa được cấp phép, game bài, game lậu, nhưng thực tế nhà mạng không có cách nào để kiểm soát được thẻ cào thanh toán được đưa vào thanh toán cho dịch vụ nào, dịch vụ đó có phép hay chưa nhà mạng cũng không thể kiểm soát được. Vị lãnh đạo này cho rằng, để quản lý cần có một văn bản do Thủ tướng ban hành những thanh toán cho dịch vụ nội dung số không hợp pháp thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm ngăn chặn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết hiện nay một số đơn vị chức năng của Bộ TT-TT đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo thêm về nội dung thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có quản lý thẻ cào điện thoại trong các game trực tuyến. Thời gian tới, các vụ, cục sẽ có ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ cũng như Thủ tướng.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh thanh tra Bộ TT-TT, kiến nghị Bộ cần nghiên cứu để có giải pháp quản lý chặt việc sử dụng thẻ cào điện thoại trong thanh toán các dịch vụ qua mạng, để tránh tình trạng lợi dụng thanh toán các dịch vụ lậu. Cụ thể, ông Trí cho hay có nhiều cá nhân, DN đã cung cấp game cờ bạc trên mạng rồi cho đổi điểm ra tiền mặt bằng hình thức dùng thẻ điện thoại thanh toán qua các cổng trung gian thanh toán, sau đó chuyển sang tài khoản ngân hàng và rút ra thành tiền mặt. Với số lượng game cờ bạc đang được cung cấp trên mạng như hiện nay, theo ông Trí dòng tiền trung chuyển để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp rất lớn.
Theo thống kê của Thanh tra Bộ TT-TT, hiện có hàng trăm trò chơi trực tuyến (game online) đang được lưu hành, sử dụng không phép trên môi trường mạng tại VN. Trước tình trạng đó, cơ quan quản lý cho rằng cần phải "siết" game lậu qua công cụ thanh toán.
Thanh Niên

Nhà mạng "vô tình" tiếp tay cho hoạt động bài bạc?
Trong quá trình điều tra đường dây “tổ chức đánh bạc” và “đánh bạc” trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài Rikvip và Top.Club, Công an tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi Bộ TT-TT để làm rõ các vấn để về quản lý, phát hành, tiêu thụ đối với các thẻ cào điện thoại của Viettel, Vinaphone, Mobifone và thẻ Vcard (do Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC phát hành).
Tất cả các thẻ cào, thẻ game nộp vào game Rikvip, Tip.Club để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ các cổng thanh toán công khai.
Để trả lời thắc mắc các nhà mạng có "vô tình" tiếp cho hoạt động đánh bạc thông qua ứng dụng game online?, ngày 13.3, PV Thanh Niên đã liên hệ, gửi câu hỏi cho 3 nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone để tìm câu trả lời.
Cho đến nay vẫn chưa thấy nhà mạng nào trả lời vấn đề này.
Công Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.