Đường Nha Trang - Đà Lạt tiếp tục sạt lở do mưa lũ

06/11/2016 09:00 GMT+7

Tình hình mưa lũ đang tiếp tục gây ra hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

Chiều tối 5.11, lãnh đạo Công an H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cho biết lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương giải tỏa ách tắc tại các điểm sạt lở trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt.
Thêm điểm sạt lở
Trong ngày 4.11, điểm sạt lở tại Km 60 đã được khắc phục, tuy nhiên tại Km 46 lại xuất hiện một điểm sạt lở với lượng đất đá lớn đổ xuống đường và tại Km 57 có một tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống chắn ngang đường. Do trời mưa lớn và tại các điểm sạt lở có những thác nước lớn đổ xuống nên việc giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Dự kiến cuối giờ chiều nay (6.11), tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt mới có thể thông xe được.
Trong ngày 5.11, hầu hết các tuyến đường thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái (TP.Nha Trang, Khánh Hóa) bị ngập nặng trong ngày 4.11, đã có thể qua lại được. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, mưa lũ từ ngày 2 - 5.11 trên địa bàn tỉnh khiến 246 căn nhà bị ngập (riêng TP.Nha Trang 150 nhà); làm sập và hư hỏng 35 nhà; 7 tàu thuyền bị chìm; diện tích lúa hư hại hơn 1.750 ha, hoa màu 147 ha; 770 con gia cầm chết, trôi; 51,2 ha diện tích đìa nuôi trồng thủy sản bị ngập. Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường tại các huyện Khánh Sơn, Diên Khánh… Tổng thiệt hại ước tính 124 tỉ đồng.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, đến cuối ngày 5.11, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết, 2 người bị thương do mưa lũ, 189 ngôi nhà bị sập, 116 nhà tốc mái, 1.664 ha lúa mùa và 628 ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi...
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết đến 16 giờ ngày 5.11, Nhà máy thủy điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 1.200 m3/giây, còn thủy điện Sông Ba Hạ là 2.300 m3/giây. Nước ngập TP.Tuy Hòa trở lại là do triều cường. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đợt lũ lụt này làm 7 người chết, 1 người mất tích; 186 con gia súc chết (trong đó 88 con bò) do thủy điện xả lũ. Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, số lượng người và gia súc chết là do người dân chủ quan, mặc dù trước đó chính quyền đã vận động người dân di dời gia súc, gia cầm chăn thả, nuôi nhốt trên sông Ba. Nhiều người dân được chính quyền thuyết phục nhưng không chịu di dời.
Một ngôi nhà ở Phú Yên bị sụt lún Ảnh: Đức Huy

Tuyến đường sắt bắc - nam đoạn qua xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa bị sạt lở hơn 200 m3 và bị tê liệt đến 11 giờ hôm qua mới thông tuyến trở lại. Trên QL1 đoạn qua thôn Cần Lương, xã An Dân (H.Tuy An), mái ta luy âm bị sụt lún khiến 2 căn nhà của người dân bị sập.
Theo dõi tình hình xả lũ
Ngày 5.11, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh đã đến Bình Thuận kiểm tra việc xả lũ từ các hồ đập và việc bảo đảm an toàn hồ thủy lợi. Kiểm tra tại hồ thủy lợi Sông Quao (H.Hàm Thuận Bắc) hiện đang chứa 73 triệu m3 (đạt 100% dung tích thiết kế). Để tránh nguy cơ lũ đầu nguồn đổ về gây vỡ hồ đập, ông Hình Lưu Hận, Trưởng trạm quản lý đầu mối thủy lợi Sông Quao, cho biết đã cử lực lượng túc trực 24/24 để quan sát mực nước, báo cáo mực nước 60 phút/lần hoặc 30 phút/lần trong trường hợp lưu lượng nước lên nhanh, nhất là trong thời điểm xảy ra áp thấp nhiệt đới hoặc bão.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 16 hồ chứa thủy lợi trữ hơn 215 triệu m3 (đạt hơn 99,4%). Riêng hồ thủy điện Đại Ninh (nằm trên tỉnh Lâm Đồng, nhà máy thuộc Bình Thuận) chứa gần 92,9% và hồ thủy điện Hàm Thuận chứa hơn 93,3% dung tích. Các đơn vị quản lý hiện đang theo dõi và cập nhật các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, diễn biến tình hình mưa lũ để tích và xả hồ chứa theo quy trình vận hành. Hiện nay một số hồ đã xuống cấp, hư hỏng có thể gây mất an toàn như Tân Lập, Tà Mon, Trà Tân, Sông Quao, Hộc Tám, Đá Bạc, Cẩm Hang thì đã cử người túc trực, theo dõi thường xuyên quan trắc, chuẩn bị vật tư, thiết bị, sẵn sàng khắc phục nếu có sự cố xảy ra. Qua kiểm tra, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá cao sự chủ động của Bình Thuận.
Trong khi đó, tại Gia Lai, đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến kiểm tra Nhà máy thủy điện An Khê - Kanat. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã làm rõ: Nhà máy thủy điện vận hành hồ chứa theo quy định, nhưng đã không thông báo việc xả lũ với Trưởng ban Phòng chống lụt bão Gia Lai (Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai). Đoàn công tác yêu cầu thủy điện thực hiện nghiêm việc thông báo cho địa phương, đặc biệt là với trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh để chủ động ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra, giảm thiểu tối đa những rủi ro không đáng có. Trước đó, thủy điện này đã xả lũ với mức cao nhất là trên 500 m3/giây vào tối ngày 2, rạng sáng 3.11 vì nước đã đạt ngưỡng cao trình của hồ chứa.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều 5.11, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Khoảng 4 giờ ngày 5.11, tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99939 TS của ông Nguyễn Thư (54 tuổi, ở xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 45 hải lý về hướng nam thì bị sóng lớn đánh chìm. Lúc xảy ra sự cố, trên tàu có 8 ngư dân. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 đã điều động tàu CSB 9001 đang trực tại đảo Phú Quý đi cứu nạn và đến trưa cùng ngày, tàu CSB 9001 đã tiếp cận, lai dắt tàu BĐ 99939 TS và các ngư dân về đảo Phú Quý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.