Dưới ngọn Cà Tang

19/02/2020 09:00 GMT+7

Cuối tháng giêng, tôi có ý tưởng làm một chuyến “xuất hành” về hướng tây Quảng Nam . Ý nghĩ đầu tiên hiện lên là hướng theo dòng Thu Bồn. Tiếp theo là khu mỏ than Nông Sơn…

Vậy là hình ảnh ngọn núi Cà Tang, làng trái cây Đại Bường hiện lên... Tôi lên xe, chạy một mạch...

Hành trình của kỷ niệm

Ngày nay, đi từ Đà Nẵng lên chợ Trung Phước chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Xe chạy bon bon theo QL14, đến ngã tư Ái Nghĩa thì theo hướng nam rẽ theo con đường mới, qua cầu Giao Thủy vượt sông Thu Bồn. Khu đền tháp Mỹ Sơn đã ở trước mặt. Nhưng không vào đó, mà chạy theo hướng tây, qua đèo Phường Rạnh dọc bờ nam Thu Bồn. Con đường láng o, những cánh rừng xanh mướt mùa xuân, hồ đập lùi lại phía sau. Chẳng mấy chốc, ngã ba cây Sạp dẫn vào chợ Trung Phước sầm uất đã ở trước mặt. Cây cầu Nông Sơn được xây dựng sau vụ chìm đò cướp đi sinh mạng 18 học sinh năm nào đưa chúng tôi qua vùng mỏ than Nông Sơn rồi ngược về làng sinh thái Đại Bình (người địa phương hay gọi là Đại Bường) chỉ trong thoáng chốc...
Hành trình “nhanh như một nốt nhạc” ấy, nếu cách đây 40 năm tôi phải đi cả ngày bằng mấy loại phương tiện khác nhau. Xe đò vào Vĩnh Điện, mua vé ghe máy, ngồi chen chúc với đủ thứ hàng hóa để đến bến đò chợ Trung Phước, rồi lại xe đò, lại đò ngang mới lên được Nông Sơn… Hồi ấy, đường bộ qua đèo Phường Rạnh rất khổ ải, lại sợ bom mìn còn sót. Đường bộ qua đèo Le thì xe đò cũng chỉ đến được TT.Đông Phú. Cho nên đường đò xuôi đi ngược nguồn là thủy lộ thuận lợi nhất để lên được Trung Phước.

Cầu Nông Sơn, công trình xây dựng có sự đóng góp của bạn đọc Báo Thanh Niên

Khi tỉnh lộ 611 “băng” qua đèo Le thì những chiếc xe đò hiệu Dodge thời chiến chạy bằng lò than chở khách lẫn hàng hóa chật cứng đã giúp chợ Trung Phước hồi sinh, cùng với nhiều dịch vụ cung ứng cho những người đi tìm trầm. Trung Phước trở thành “thủ phủ trầm hương” phía tây Quảng Nam và chợ đầu nguồn của mấy xã quanh vùng…
Nhiều người lớn tuổi chỉ còn nhớ đến vùng đất này với những kỷ niệm thời tản cư trong những năm kháng chiến với nạn đói khủng khiếp. Lúc đó, cố Giáo sư Hoàng Châu Ký làm bí thư ở Quế Sơn, ông kể từng bắt gặp một anh trung niên ở thành phố nửa đêm vác xác vợ chết vì sốt rét, bó trong chiếc chiếu ra rừng chôn. Trong những ngày tháng ấy, đói rét và bom đạn, khu vực này còn là nơi tụ họp của nhiều trí thức tham gia kháng chiến như bác sĩ Phạm Phú Dõng rất mê hát bội và rượu, nhà thơ Khương Hữu Dụng mở quán nước và nhà văn Nguyễn Văn Xuân mở tiệm hớt tóc ở đèo Le...
Có lẽ đó cũng là thời gian “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng về đây chăn bò và rong chơi để sau này để lại cho đời những “Lá hoa cồn” cùng hình bóng “Người em mọi nhỏ” chăng? “Người con gái lội qua khe/Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau” là hai câu thơ thần kỳ, ám ảnh ông cho đến suốt đời đã từng thai nghén ở đây…

Công trường mở rộng cầu Nông Sơn

 

Cây cầu Tình Thương

Cuốc xe tình cảm

 
Một người đàn ông lái xe thồ đưa tôi từ chợ Trung Phước qua Nông Sơn bỗng nhiên nói trong mưa: "Gia đình tôi là dân Hội An tản cư lên rồi ở lại đây từ năm 1945, vẫn cứ mãi qua lại con sông này bằng đò ngang tròng trành. Nay có cây cầu cứ như một huyền thoại!". Và ông nhất quyết không lấy 15.000 đồng phí cho cuốc xe, chỉ vì biết khách của mình từng là phóng viên Báo Thanh Niên. Ông nói thêm: "Dân ở đây ai mà không biết tờ báo của các anh!".
Nhưng trong những vui buồn nghe thấy ở vùng đất này, có lẽ câu chuyện 18 em học sinh mất mạng trong vụ chìm đò ở bến Cà Tang năm 2003 khiến tôi không thể nào quên…
Ngày tang tóc ấy vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ ông Tám Phong bởi chỉ riêng nhà ông đã có đến 2 đứa cháu nội và 1 đứa cháu ngoại mất đi trong tai nạn thảm khốc ấy. Trong cơn mưa dai dẳng bao trùm cả một vùng quê nghèo khó cuối năm, ngọn núi Cà Tang vẫn lặng lẽ như một chứng nhân cho mọi sự đổi thay. Ông Tám Phong cùng chúng tôi đi qua cây cầu mới nối liền thôn Nông Sơn với các thôn còn lại của xã. Ông nói rằng từ ngày 15.4.2005 đến nay, gần 2 vạn dân thuộc các xã vùng tả ngạn Thu Bồn này không còn biệt lập với miệt dưới nữa. Báo Thanh Niên cùng đồng nghiệp vận động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc để Nông Sơn có một cây cầu.
Anh Đỗ Ngọc Hải, công nhân bảo vệ mỏ than Nông Sơn, là cha của em Đỗ Thị Bình, học sinh lớp 7 xấu số trong vụ chìm đò, kể rằng từ ngày có cây cầu đến nay, hàng hóa làm ra của bà con vùng này không còn cảnh bị ép giá nữa. Nải chuối trước đây chỉ 3.000 đồng, nay bán được giá 5.000 đồng. Con gà giá 30.000 đồng nay cũng lên 50.000 đồng. Vì không còn phải qua những người mua trung gian, kể cả ngày mưa tháng lũ. Có những cụ già trên 80 tuổi, đi lại rất khó khăn nhưng vẫn nhờ con cháu dắt ra bờ sông để nhìn cho được cây cầu mới để “chết cũng đành”. Các cụ đã đề nghị đổi tên cầu là “Tình Thương” thay cho tên cầu Nông Sơn mới xứng với tấm lòng của đồng bào cả nước...
Chủ tịch UBND xã Quế Trung Nguyễn Kim Dũng cho hay nếu ngày xưa vận động mãi người dân chẳng ai màng tới chuyện làm vườn rừng, thì sau khi cầu Nông Sơn được xây dựng, đất rừng của xã đã không còn một mảnh nào để cấp. Hàng chục trang trại theo mô hình vườn rừng đã mọc lên. Có những trang trại lớn hàng chục héc ta, vừa trồng rừng vừa nuôi bò, nuôi dê như của các hộ điển hình Nguyễn Thành An, Nguyễn Văn Hai, Đinh Công Tâm. Trang trại nhỏ một vài héc ta thì... đếm không xuể! "Có cây cầu, giao thông đã đến tận chân rừng, đời sống người dân Nông Sơn và 3 xã Quế Ninh, Quế Lâm, Quế Phước thay đổi nhanh chóng!", ông Dũng nói.
Có được những đổi thay ấy, nỗi đau xưa đang từng ngày được san lấp. Cả ông Tám Phong, anh Hải và Chủ tịch UBND xã Quế Trung đều cho biết đó là nhờ tấm lòng của bạn đọc 2 tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ TP.HCM hưởng ứng cuộc vận động giúp xây cầu Nông Sơn.

Dưới chân núi Cà Tang

Tôi còn nhớ sau tai nạn đau buồn đó, đã có nhiều ý kiến xây dựng các phương án xây cầu, từ cầu treo đến cầu bê tông. Báo Thanh Niên còn mua 4 chiếc thuyền máy giúp 4 xã trong vùng có phương tiện qua lại khi chưa có cầu. Đúng lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) đang họp Quốc hội đã điện thoại về quyết định phương án xây cầu vĩnh cửu với kinh phí gần 30 tỉ đồng. Cũng sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 42/2008 NĐ-CP lấy 5 xã vùng tây của H.Quế Sơn để thành lập huyện mới Nông Sơn, và khu vực Trung Phước được chọn làm trung tâm hành chính của huyện mới…
Lúc này khi chạy xe qua cầu Nông Sơn, bên dưới cầu hàng chục xe cơ giới và công nhân đang trong ca làm việc. Những mũi khoan cọc nhồi đầu tiên đã đóng xuống lòng sông Thu Bồn để thực hiện dự án hơn 200 tỉ đồng mở rộng cầu Nông Sơn ra gấp đôi.
Không khí đầu xuân của làng du lịch sinh thái Đại Bường có vẻ như vẫn còn kéo dài với cờ xí, cổng chào còn mới rợi. Nhiều du khách đi bằng ô tô và xe máy vào thăm làng, các hàng quán mở cửa suốt ngày dù mùa trái cây đến tháng 7 mới là chính vụ. Những vườn trụ (bưởi da xanh có lông) đang trổ hoa thơm nức, các loại cây trái khác cũng đang ra lộc. Một nhóm thanh niên túc trực ở cổng làng đón chào tôi với nụ cười niềm nở và hướng dẫn nhiều điểm dừng chân. Tôi nghĩ họ đã được huấn luyện cách đón khách từ khi xây dựng làng du lịch sinh thái.
Anh chủ quán cà phê ở gần đầu cầu Nông Sơn hồ hởi: “Phải nói là Nông Sơn bây giờ không còn bị cô lập hay bỏ quên nữa. Các con đường 610 nối đồng bằng với Trung Phước qua đèo Phường Rạnh hay đường 611 qua đèo Le giờ rất tốt, đó là các mạch máu giao thông giúp huyện này phát triển...”. Anh lại chỉ tay về phía chợ Trung Phước: “Ở đây cũng có một công ty xe taxi, nửa đêm gà gáy chi mà muốn đi là có liền!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.