Dưới bóng nhà dài...

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
14/11/2019 08:46 GMT+7

Những ngôi nhà sàn có hình thù đặc biệt ở vùng cao Quảng Trị, nơi cư ngụ của các đại gia đình Pa Kô, dần tàn lụi khi không còn phù hợp với lối sống hiện đại.

Những ngôi nhà sàn có hình thù đặc biệt ở vùng cao Quảng Trị, nơi cư ngụ của các đại gia đình Pa Kô, qua hàng ngàn mùa cây rừng thay lá cũng dần tàn lụi khi không còn phù hợp với lối sống hiện đại. Người ta lo rằng, rồi sẽ có lúc những ngôi nhà dài ấy sẽ chỉ còn trong hoài niệm...

Nhà dài “xuống núi”

Giữa núi rừng Trường Sơn, người Vân Kiều và Pa Kô cùng sẻ chia từng khoảnh đất, từng bờ suối, từng cánh rừng trong yên bình. Nhưng nếu muốn tìm người Pa Kô ở miền tây Quảng Trị, hãy đến với xã Tà Rụt và A Bung (H.Đakrông), nơi tộc người này quần tụ đông nhất.
Chuyện kể rằng, người Pa Kô trước đây chỉ sống trên núi cao, sau năm 1975 họ mới di chuyển xuống vùng thấp hơn. Những ngôi nhà dài cũng theo họ mà... xuống núi. Hồ A Ron, một người Pa Kô hiếm hoi từng ra tận Hà Nội để học đại học, nay là Phó chủ tịch UBND xã A Bung, tiết lộ với tôi rằng mỗi ngôi nhà dài là một biểu tượng cho cả dòng họ, thậm chí cho cả bản làng Pa Kô nào đó. “Nhà dài thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng của người Pa Kô. Anh em, con cái phải ở gần cạnh nhau để bảo ban, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau và đặc biệt lúc đau ốm có người kịp thời tương trợ. Nên nhà dài không đơn thuần chỉ là nơi trú ngụ”, ông A Ron đúc kết.
Dưới bóng nhà dài...1

Nhà dài bây giờ là “lãnh địa” của người già ở những bản làng Pa Kô

Khi đứng trước một ngôi nhà dài ở thôn Cu Tài 1 (xã A Bung), tôi mới hiểu hết những gì mà vị Phó chủ tịch xã người Pa Kô nói. Như tên gọi, nhà dài dài hơn... nhà sàn bình thường. Kiểu như nó được ghép từ 4 - 5 ngôi nhà lại với nhau. “Chúng chỉ dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào địa thế, số lượng thành viên trong gia đình và đặc biệt là tiềm lực kinh tế của gia đình đó”, Hồ A Ron cho hay.
Tôi bước lên nhà sàn và gặp một người đàn ông lớn tuổi đang ngậm tẩu thuốc ngồi ở gian chính. Ông là Hồ Văn Lược, người đã sống qua 70 mùa lúa rẫy, trong đó có hơn 30 mùa ở trong ngôi nhà dài này. Già Lược nhẩm đếm, dưới mái nhà này, có tới 4 gia đình đang cùng chung sống. Trước đó, từng có nhiều hơn và ông đã chứng kiến những đứa con sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi lập gia đình mới ở đây. Bao buồn vui, biến cố của đại gia đình đều diễn ra dưới mái nhà dài này. Ngôi nhà là chứng nhân, qua bao năm tháng vẫn thinh lặng.
Già Lược kể, ngôi nhà được dựng từ rất nhiều năm về trước, chủ yếu bằng gỗ kiền (loại gỗ không bị mối mọt và theo quan niệm của người Pa Kô là gỗ “lành”, không có “tà ma” ẩn náu), tre nứa, mây, tranh... Để làm nhà dài, ngoài chuẩn bị vật liệu, đồng bào còn tốn nhiều công sức và thời gian. “Khi có một gia đình mới, ngôi nhà sẽ tiếp tục dài ra”, già Lược lý giải.
Ở một ngôi nhà dài khác của bà Hồ Thị Pên (75 tuổi), phía trong có tới 3 bếp lửa. “Như vậy có nghĩa là trong nhà vẫn còn có 3 gia đình sinh sống”, người dẫn đường Hồ A Ron cho biết.

Những người sống trong nhà dài của tôi đều đã ở tuổi gần về với đất. Núi rừng này nghèo khó, chúng tôi không để lại được bạc vàng cho cháu con thì cũng cố giữ lại cho chúng những ngôi nhà dài. Đó là báu vật, chứa đựng linh hồn của quá khứ

Hồ Thị Pên

Chủ nhà, bà Pên, kể rằng ngôi nhà dựng sau 1975, mất cả năm ròng mới thành hình. Nhà có 5 gian cả thảy, trong đó gian chính giữa luôn là phòng khách và cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt quan trọng của đại gia đình. Đây là nơi các thành viên sống trong ngôi nhà dài có thể lui tới, cũng có thể là nơi ngủ của các con trai chưa lấy vợ. Mọi lễ nghi cúng bái quan trọng cũng diễn ra ở gian này. Mỗi gia đình sẽ có một gian sinh hoạt riêng tư, còn dư gian nào thì nơi đó sẽ chứa đồ dùng, dụng cụ, lúa ngô giống...
Nhà dài của người Pa Kô luôn mở rộng cửa đón khách. Nhưng khách chớ có dại tự ý đốt lửa khi chủ nhà chưa đồng ý, hay lên nhà vào lúc họ đang bàn chuyện hệ trọng của gia đình, họ tộc. “Phạt bò dê cả đấy. Chúng tôi rất thoải mái, nhưng dưới mái nhà nào thì cũng cần không gian riêng tư và những điều cấm kỵ”, Hồ A Ron nói.
Dưới bóng nhà dài...2

Không gian bên trong của ngôi nhà dài mang một phần hồn cốt của người Pa Kô

ẢNH: THANH LỘC

Về đâu nhà dài ?

Đi hết cả xã A Bung rộng lớn, một phần giáp biên giới Lào, một phần giáp với tỉnh Thừa Thiên - Huế này, chỉ đếm được cả thảy 4 ngôi nhà dài. Nghe đâu ở xã Tà Rụt cạnh bên cũng chỉ còn 2 ngôi nhà dài sót lại. Nói vậy để biết, nhà dài bây giờ cũng trở thành một di sản, không dễ tìm thấy...
Rít hơi thuốc tỏa khói nghi ngút, già làng Hồ Pan (80 tuổi, ở bản Cu Tài) nhớ lại, trước đây mỗi bản có cả chục ngôi nhà dài. Ngôi nhà “dài” nhất thậm chí có đến 30 hộ gia đình cùng sinh sống, tức là có 30 bếp lửa. Nhà ngắn nhất cũng có từ 5 - 7 gia đình. “Ngày nay, nhà dài của người Pa Kô mất dần. Có nhiều lý do, nhưng nói cho cùng thì là do lũ trẻ chúng không muốn sống quá đông đúc và chật chội”, già Pan buồn rầu.
Ngồi bên trong ngôi nhà 5 gian và dài gần 50 m, bà Pên lại than phiền: “Ngôi nhà bây giờ quá rộng lớn với mẹ”. Bà kể, trước đây nhà đông vui do cả đàn con cháu chắt ở chung, luôn rộn rã tiếng cười nói. Nhưng nay, như bao ngôi nhà dài khác, nhà của bà thường vắng bóng người trẻ, chỉ còn là nơi lui tới của người già, hoặc trung niên. Có người bảo nhà dài xưa cũ bây giờ là “thánh địa”, là thế giới riêng của những người già. Tưởng như những người này có một cuộc sống thầm lặng, ẩn mình trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian và chứng kiến cuộc sống đổi thay qua khung cửa sổ. Cuộc sống của họ cứ bình lặng trôi qua như thế, hết ngày này qua tháng khác...
Dưới bóng nhà dài...3

Một góc bản làng Pa Kô ở xã A Bung nhìn từ trên cao

Ông Hồ Văn Pườm, Chủ tịch UBND xã A Bung, một người Pa Kô, cũng thoáng trầm ngâm khi tôi hỏi về nhà dài. Ông có quãng đời thơ ấu sống trong nhà dài truyền thống... “Ai cũng biết với cuộc sống hiện đại, những ngôi nhà sàn nhỏ hoặc nhà xây thì sẽ tiện lợi hơn, đặc biệt là về kinh phí. Có thể người dân sẽ không xây thêm nhà dài nữa nhưng chúng tôi vẫn cố động viên họ bảo tồn những ngôi nhà dài truyền thống còn sót lại. Bởi ở đó, có một phần hồn phách của người Pa Kô”, ông Pườm xúc động.
Nhưng “bảo tồn nhà dài” không phải là chuyện giản đơn. Bởi với những cấu kiện gỗ quý, ngoài việc chống chọi trước thời gian, những ngôi nhà dài còn phải đối mặt với... sự đổi chác. Bà Pên không ít lần “đón tiếp” cánh buôn nhà gỗ, lái gỗ đến gạ gẫm mua nhà. Có người hứa đổi cho bà một ngôi nhà bê tông kiên cố. Nhưng bà lắc đầu... “Những người sống trong nhà dài của tôi đều đã ở tuổi gần về với đất. Núi rừng này nghèo khó, chúng tôi không để lại được bạc vàng cho cháu con thì cũng cố giữ lại cho chúng những ngôi nhà dài. Đó là báu vật, chứa đựng linh hồn của quá khứ”, bà chiêm nghiệm.
Tôi chào những chủ nhân của những ngôi nhà dài để trở về xuôi khi mặt trời gần lặn. Khi ngoái lại, vẫn thấy họ ngồi đó, bên ô cửa sổ nhìn theo... Bóng ngôi nhà dài phủ cả một khoảng đất to ở phía trước. Không biết những người như già Lược, già Pan và bà Pên sẽ còn được sống dưới bóng nhà dài thêm bao năm nữa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.