Đừng ngại đối thoại với dân

24/04/2017 06:30 GMT+7

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư - Thanh tra Chính phủ, cho rằng điểm nóng xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức được tháo gỡ là bài học không riêng cho TP.Hà Nội.

Theo ông Điệp, việc ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trực tiếp đối thoại tại H.Mỹ Đức và xã Đồng Tâm đã đem đến kết quả rất tốt, sự căng thẳng của người dân và chính quyền đã dịu đi, những cán bộ bị bắt được thả, tránh được nhiều hậu quả rất xấu mà cả chính quyền và người dân đều không mong muốn.
      Ông Nguyễn Hồng Điệp  Ảnh: Thái Sơn

Trong vụ việc này, rõ ràng người dân đã vi phạm pháp luật khi bắt, giam giữ người trái luật, song cũng nhìn nhận sâu xa hơn khi hành vi này có nguyên nhân do chính quyền và cán bộ cơ sở. Điều quan trọng nhất là người dân đã nhận thức được ra những sai lầm, đã khắc phục hậu quả và theo quy định pháp luật thì cơ quan điều tra sẽ xem xét những vấn đề đó để coi là những tình tiết giảm nhẹ, thậm chí miễn truy cứu hình sự.
Những bức xúc trong khiếu kiện đất đai ở các địa phương thời gian qua đã và đang có nguy cơ tạo ra nhiều điểm nóng, theo ông cần làm gì để hạ nhiệt?
Đó là chính quyền cấp cơ sở phải tăng cường giải quyết và đối thoại với người dân. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi sự việc đẩy lên thành bức xúc và tạo ra điểm nóng rồi thì mới đối thoại. Việc đối thoại giữa chính quyền và người dân có vai trò đặc biệt quan trọng, đã được quy định trong luật. Cụ thể, luật Khiếu nại, tố cáo khi quyết định lần 2 thì phải có biên bản đối thoại giữa chính quyền và người dân, luật Tiếp công dân cũng quy định lãnh đạo địa phương, sở ngành phải định kỳ tiếp dân, đó cũng là cách thức đối thoại. Kể cả Chỉ thị 35 của T.Ư Đảng cũng nêu vấn đề cán bộ phải tăng cường đi cơ sở lấy kết quả giải quyết để đánh giá.
Khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Võ Văn Thưởng đã trực tiếp đối thoại với người dân vào năm 2013 Ảnh: Hiển Cừ
Ông Nguyễn Xuân Anh, đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng, đối thoại với dân cuối năm 2015 Ảnh: Hoàng Sơn
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP.Hà Nội, đối thoại với người dân thôn Hoành vào ngày 22.4 Ảnh: Thái Sơn


Đặt lợi ích người dân lên trước
Có rất nhiều chính sách, quy định pháp luật về đất đai hiện còn bất cập, đặc biệt là về đền bù khi thu hồi đất của nhà nước để làm công trình an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, có cả nguyên nhân lịch sử, có nguyên nhân chủ quan là do quản lý đất đai tại cơ sở vi phạm pháp luật. Để khắc phục được, tôi cho rằng nhà nước cần có chính sách trưng thu trưng mua khi thu hồi đất. Đặc biệt đối với các dự án có tính chất kinh doanh thì phải có sự thỏa thuận, sòng phẳng với người dân. Điều quan trọng nhất là khi thu hồi đất làm các dự án thì phải đặt lợi ích người dân lên trước rồi mới tính đến lợi ích doanh nghiệp hay các vấn đề khác.
Ông Nguyễn Hồng Điệp


Luật quy định như vậy nhưng việc thực hiện trên thực tế tại các địa phương ra sao, thưa ông?
Có rất nhiều địa phương rất cầu thị, khi công dân tới họ còn mời cả cán bộ của Ban Tiếp dân T.Ư, Thanh tra Chính phủ đối thoại tại cơ sở. Đã có rất nhiều cuộc đối thoại mà sau đó cơ quan chức năng đã ban hành quyết định thanh tra, từ đó rất nhiều điểm nóng đã được giải quyết, người dân không còn bức xúc khiếu kiện vượt cấp. Tuy nhiên, cũng có không ít địa phương coi đối thoại là rất bình thường, không thấy hết trách nhiệm, thậm chí đối thoại cho có, cho đủ, để mà cưỡng chế, để bảo vệ thi công.
Có nơi còn sợ đối thoại là phải thỏa hiệp với dân và phải thua dân?
Ngay trong vụ Đồng Tâm cũng đã có những ý kiến như thế, rồi cho rằng chính quyền Hà Nội phải chờ rất lâu rồi mới dám đối thoại vì sợ thua dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã đối thoại với dân thì chúng ta đừng đứng trên quan điểm thắng hay thua dân.
Là người từng tham gia giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại đông người phức tạp ở các địa phương, ông có những đánh giá gì trong việc đối thoại giữa chính quyền và người dân?
Có rất nhiều bài học được rút ra. Thứ nhất, tăng cường đối thoại khi những việc khiếu kiện mới xảy ra, từ cơ sở. Thứ hai, trong đối thoại có người đứng đầu thì bao giờ người dân cũng tin tưởng hơn, đặc biệt là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố... bởi người đứng đầu có thể quyết định, còn cấp phó còn phải xin ý kiến.
Quan trọng hơn cả, với người đứng đầu, người dân cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe từ người cao nhất của một cơ quan hành chính nhà nước. Qua các cuộc đối thoại đó, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có thể sắp xếp và xây dựng chính quyền tốt hơn. Mặt khác, đối với nhiều điểm nóng hiện nay có những nguyên nhân là các điều luật áp dụng đã lỗi thời và nó xảy ra thực tế không áp dụng được, chính quyền phải đối thoại lắng nghe và từ đó có quyết sách. Quan trọng nhất, khi người lãnh đạo nắm bắt được việc công khai dân chủ ở cơ sở thực hiện tốt hay chưa. Khi công khai dân chủ được thực hiện ngay từ đầu ở cơ sở thì sẽ không phát sinh nhiều điểm nóng, khiếu nại vượt cấp, không xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua.
Cảm ơn ông!
Ý kiến:
Đừng trở thành những “quan cách mạng”
Ở nhiều nơi, cán bộ đang dần trở thành những quan cách mạng, không còn chú ý đến bổn phận của lãnh đạo đối với nhân dân rằng mình là đầy tớ, là người phục vụ nên phải lắng nghe, đối thoại với nhân dân. Đây cũng là mối nguy lớn nhất đối với Đảng cầm quyền.
       Ảnh: CTV
Nhân câu chuyện ở Đồng Tâm, tôi nhớ lại sự việc ở xã Thọ Ngọc, H.Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa gần 30 năm trước. Khi ấy, do bất đồng với chính quyền huyện, xã, người dân nơi đây đã giam giữ 5 cán bộ. Sự việc giằng co gần một tháng mà không giải quyết được nên tỉnh, T.Ư và cả người dân thống nhất đi đến đối thoại để dứt điểm. Tôi khi ấy là Ủy ban Thường trực - như Phó chủ tịch thường trực bây giờ được trao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn cán bộ về đối thoại. Khi chúng tôi về, tình hình cũng căng lắm, nhưng sau khi đối thoại, tình hình dịu đi. Tôi hẹn bà con 3 ngày về báo cáo Ban Bí thư rồi quay lại. Đúng hẹn, chúng tôi trở lại và chứng kiến người dân thả người.
Đối thoại với dân không khó. Trước tiên phải lắng nghe dân, tìm hiểu ngọn nguồn sẽ thấy được dân đúng ở đâu, còn gì chưa đúng. Chính quyền còn thiếu sót hay sai ở đâu. Ông bà ta dặn rồi, nói phải thì củ cải cũng nghe.
Thực tế thì thời gian gần đây, trước vụ Đồng Tâm, ở một số nơi, khi tình hình trở nên phức tạp như ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Ninh (Quảng Bình) hay Hạ Long (Quảng Ninh) liên quan đến thu hồi đất mà có sự đối thoại của người đứng đầu tỉnh thì tình hình được giải quyết. Tuy nhiên, những lãnh đạo chịu đối thoại với dân như thế chưa nhiều.
Ông Nguyễn Túc (nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN)
Đặt mình vào vị trí người dân
       Ảnh: CTV
Trong vài năm qua, tôi đã 3 lần trực tiếp chủ trì đối thoại với hàng trăm hộ dân để thuyết phục người dân đồng thuận với chủ trương của địa phương. Đó là các trường hợp khu du lịch tại H.Quảng Ninh, dự án nhà máy xử lý nước thải tại TP.Đồng Hới và một dự án nhà máy công nghiệp tại H.Quảng Trạch. Trong những lần đó, có lần người thực thi công vụ bị dân ném đá. Có lần người dân nằm xuống đường để ngăn cản xe vào công trường dự án...
Khi chúng tôi về đối thoại, cán bộ ở dưới đều cản, họ sợ không đảm bảo được an toàn cho tôi. Tôi nói rằng nếu các đồng chí không vụ lợi thì dân không bao giờ “ăn thịt mình”. Vì tôi nghĩ, nếu trong những vụ việc mà không có thế lực chống phá, kích động, chỉ đơn thuần người dân vì bị ảnh hưởng quyền lợi mà bức xúc thì đối thoại là phương cách hiệu quả nhất để thuyết phục người dân đồng thuận. Khi đối thoại, hãy đặt mình vào vị trí người dân để nghe xem nếu là mình thì có uất ức không. Cách lắng nghe đôi khi quyết định thành bại cho cuộc đối thoại, rồi từ đó mới nói chuyện đúng sai phân định.
Cũng phải thừa nhận, trên thực tế, ngược lại, cũng có lần chính quyền chưa đúng, chưa chuẩn thì mình thẳng thắn nhận lỗi và điều chỉnh. Mời dân giám sát để thấy rằng chính quyền đã sửa sai. Đối thoại nên là xu hướng để chính quyền giải quyết không chỉ các sự vụ mà còn là cách để thấy người dân được tôn trọng, được lấy ý kiến trong những công việc chung.
Ông Nguyễn Hữu Hoài (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)
Chí Hiếu (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.