Đừng để 'xuất toán' trở thành nỗi sợ của bác sĩ

25/12/2019 07:32 GMT+7

Bạn đọc cho rằng việc giám định BHYT là cần thiết để tránh lạm dụng trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quy trình, nội dung phải phù hợp thực tiễn để có lợi nhất cho người bệnh.

Như Thanh Niên thông tin (Bệnh viện 'cãi' bảo hiểm y tế), cho rằng Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM kiểm tra xuất toán tiền khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) sai quy định với số tiền khoảng 44 tỉ đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã “phản pháo”. Cụ thể, theo công văn do bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy ký gửi BHXH TP.HCM, việc BHXH TP kiểm tra xuất toán tiền KCB BHYT sai quy định với số tiền khoảng 44 tỉ đồng là chưa có tiền lệ. Và rằng, đoàn kiểm tra do BHXH TP thành lập đã thực hiện lại những việc giống như đoàn giám định (cũng thuộc BHXH TP) về chi phí KCB BHYT đã thực hiện thường kỳ (giám định BHYT lặp lại đối với chi phí KCB BHYT quý 1 và quý 2/2019) là không phù hợp. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị BHXH cung cấp căn cứ pháp lý của việc xuất toán và tái giám định; bởi đoàn kiểm tra khi tái giám định đã nêu một số nội dung cho rằng có sai sót trong lần giám định trước đó nhưng các căn cứ rất mơ hồ, mang tính suy đoán…
Vấn đề của Bệnh viện Chợ Rẫy không phải là chuyện cá biệt, mà tại nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật BHYT mới đây ở TP.HCM, nhiều ý kiến than phiền về giám định BHYT, xuất toán; nhiều sở y tế đề nghị cần có một tổ chức giám định BHYT độc lập không trực thuộc BHXH để có cái nhìn khách quan.

Cần xem lại quy trình

Nếu không giải quyết được, ủng hộ bệnh viện kiện BHXH ra tòa, đây là cách hành xử văn minh.   

Tường (TP.HCM)

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), có những tồn tại trong công tác giám định BHYT. Đó là quy trình, nội dung giám định, phương pháp và công cụ giám định còn thiếu chặt chẽ, đôi khi chưa khách quan. Việc áp dụng giám định theo tỷ lệ (chỉ giám định một số hồ sơ bệnh án nhất định, phát hiện ra sai sót thì sau đó tính chung cho toàn bộ hồ sơ bệnh án của cơ sở KCB) là không phản ánh đúng tính chất của công tác giám định; các kết quả giám định có khi không thống nhất, gây khó khăn cho cơ sở KCB...
“Việc giám định BHYT là cần thiết để tránh lạm dụng trong KCB. Tuy nhiên các quy trình, nội dung cũng cần phải thay đổi bám sát thực tế nhằm có lợi nhất cho người bệnh. Hiện nay rất nhiều người cho rằng BHYT đang là nỗi ám ảnh của bệnh viện và người bệnh. Thủ tục rườm rà, cứng nhắc”, BĐ Nhất Linh (TP.HCM) ý kiến.
Theo BĐ Trần Quốc Tuấn (Cần Thơ), “Nếu xuất toán làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, thì nghiên cứu xem lại quy trình của đơn vị bảo hiểm”. “Là người bệnh, tôi đánh giá rất cao năng lực, trách nhiệm và chất lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Hãy hướng đến giảm chi phí trong bộ máy, thiết bị trang bị cho lực lượng bảo hiểm, thay vì cắt tiền thuốc men bệnh viện chữa trị cho bệnh nhân”, BĐ này nêu ý kiến.

Hãy để bác sĩ tập trung khám chữa bệnh

BHXH và các bệnh viện cần ngồi lại với nhau để xử lý những tồn tại trên tinh thần tất cả vì người bệnh.

Trí Quyền (Đà Nẵng)

Theo BĐ Hoàng Sơn (TP.HCM), để xảy ra tình trạng trên là do giám định viên căn cứ phác đồ điều trị theo quy trình, trong khi kinh nghiệm của các bác sĩ đầu ngành đưa ra phác đồ qua tiếp xúc hàng vạn bệnh nhân. “Quá khó cho bác sĩ, họ nên dành thời gian cho bệnh nhân chứ không phải ngồi cãi nhau với giám định”, BĐ này viết. Ý kiến này cũng nhận được đồng tình của nhiều BĐ. “Đừng để cụm từ “xuất toán” BHYT trở thành nỗi sợ của bác sĩ. Khi đó họ sẽ không dám mạnh dạn duyệt BHYT liên quan đến thuốc men, kỹ thuật, phương tiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Và thiệt thòi nhất vẫn sẽ thuộc về người bệnh”, BĐ Mai Anh (Hà Nội) phân tích.
“Nên tách bệnh viện với BHYT. Nhiệm vụ chính của bệnh viện là chữa bệnh. Còn thanh toán BHYT là do hợp đồng giữa bệnh nhân và bảo hiểm. Tùy theo các gói bảo hiểm đã mua mà bệnh nhân được thanh toán theo những mức khác nhau”, BĐ Trần Hải (Lâm Đồng) kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.