Dừng công bố tiêu chuẩn về nước mắm

Thu Hằng
Thu Hằng
12/03/2019 16:19 GMT+7

Sau khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về nước mắm nhận được nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Khoa học Công nghệ đã quyết định tạm dừng dự thảo này để lấy thêm ý kiến.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết ngày 12.3.
Theo ông Tạc, việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm được công bố, Bộ Khoa học Công nghệ đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (đơn vị thẩm định) tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn này để tiếp tục xin ý kiến của của các tổ chức, hiệp hội bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo... về các nội dung nêu trong dự thảo của bộ tiêu chuẩn.
“Việc xin ý kiến tiếp với mục đích để khi ban hành bộ tiêu chuẩn này phải đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm”, ông Tạc khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay, theo nguyên tắc khi xây dựng bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), thường căn cứ vào các tiêu chuẩn của nước ngoài (Tiêu chuẩn Codex - PV) và căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam. Sau khi các Bộ, ngành xây dựng xong thì chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, sau đó Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ sẽ ký quyết định công bố.
Cụ thể, TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với nhiều đơn vị của các bộ ngành khác xây dựng. Sau khi hoàn tất, Bộ Khoa học Công nghệ giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường, chất lượng thẩm định. Theo ông Tạc, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo 3 yếu tố:
Thứ nhất là phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn.
Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng bộ tiêu chuẩn với thế giới, đảm bảo sự đồng thuận và hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
Thứ ba là phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan (người tiêu dùng, nhà sản xuất, các hiệp hội).
"Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần xem lại bởi các 'điều kiện cần' như trên không đảm bảo", Thứ trưởng Tạc nói.
Trước đó, sau khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" được công bố, nhiều ý kiến cho rằng có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Dự thảo đánh đồng khái niệm nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để ban hành một tiêu chuẩn chung. Một số tổ chức, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Chiều ngày 11.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Nói thêm về việc tạm dừng bộ tiêu chuẩn này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Khoa học Công nghệ tiếp thu các ý kiến của các cá nhân, tổ chức và đối thoại với các bên liên quan, để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn một cách tốt nhất. Với tinh thần cầu thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn khi bộ tiêu chuẩn được ban hành sẽ thúc đẩy sản xuất và đảm bảo lợi ích của các bên liên quan”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.