Đưa VN trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/10/2018 07:14 GMT+7

Ngày 22.10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết T.Ư 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW).

Nghị quyết đưa ra mục tiêu: tới 2030, đưa VN trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước
Cụ thể, về kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, TP ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế.
Về xã hội, nghị quyết đặt ra mục tiêu: chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, TP ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, TP ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
Tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết nêu rõ: VN trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển
Để thực hiện mục tiêu trên, nghị quyết nêu ra 5 chủ trương và 3 khâu đột phá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chủ trương phát triển kinh tế biển và ven biển.
Cụ thể, nghị quyết đưa ra chủ trương đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) du lịch và dịch vụ biển; (2) kinh tế hàng hải; (3) khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) công nghiệp ven biển; (6) năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Bên cạnh đó, 3 khâu đột phá được xác định là: hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Thứ hai, phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược bắc - nam, đông - tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Nghị quyết cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện các chủ trương nói trên, bao gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển; hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.
Trong đó, về giải pháp đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, nghị quyết nhấn mạnh: kiên quyết thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.