Dự trù giường bệnh cho tình huống xấu hơn

Duy Tính
Duy Tính
11/06/2021 05:48 GMT+7

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM , chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM yêu cầu không bỏ sót người bệnh có yếu tố dịch tễ và yếu tố nguy cơ.

Theo ông Thượng, giai đoạn hiện nay, khi người bệnh không đủ yếu tố dịch tễ nhưng có một trong các triệu chứng thường gặp của Covid-19, như: sốt, ho, đau họng, thay đổi vị giác, khứu giác... thì phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Nếu kết quả test nhanh dương tính thì tiếp tục cách ly người bệnh trong thời gian chờ kết quả RT-PCR, triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nếu kết quả test nhanh âm tính và người bệnh không có yếu tố dịch tễ, để tránh quá tải buồng cách ly, có thể cho người bệnh theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

TP.HCM triển khai 2.000 giường điều trị, chuẩn bị tình huống Covid-19 diễn biến xấu

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã tiếp nhận điều trị 557 ca và dự kiến gia tăng trong thời gian tới. Để triển khai thực hiện kế hoạch 2.000 giường điều trị với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 5.000 giường cho tình huống xấu hơn, TP.HCM sẽ tạm chuyển đổi công năng 2 bệnh viện (BV) là BV Bệnh nhiệt đới với 400 giường và BV H.Chủ Chi 500 giường. Hiện trên địa bàn TP.HCM có 7 BV điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.944 giường (bao gồm cả BV Bệnh nhiệt đới), 202 giường hồi sức, đang điều trị cho 557 ca, 22 nặng. Khi BV H.Củ Chi chuyển đổi công năng xong thì sẽ thêm 500 giường và sẽ đưa BV H.Củ Chi vào sử dụng khi có yêu cầu.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cũng đã chỉ đạo các quận huyện, TP.Thủ Đức phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) trong việc truy vết nhanh chóng và lấy mẫu xét nghiệm các ca F1. Giám đốc Sở Y tế lưu ý chủ động lấy mẫu, truy vết sớm cho nhóm F2, kể cả F3 (có liên quan gần, cùng gia đình... để cắt sớm nguồn lây).
Sở Y tế thành lập 6 đội phản ứng nhanh về phòng chống dịch Covid-19 của Sở. Mỗi đội phụ trách 4 quận, huyện nhằm tăng cường, hỗ trợ cho Trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức truy vết nhanh các trường hợp F1, bao gồm các trường hợp F1 làm việc ở địa phương khác, các cao ốc văn phòng, công ty, xí nghiệp... nhưng về trú ngụ tại TP.HCM.

Cuộc sống trong con hẻm ở trung tâm TP.HCM có 5 người nhiễm Covid-19

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, điều quan trọng nhất hiện nay là biết được F0 càng sớm càng tốt và người có thể chuyển thành F0 (tức F1) có kết quả càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đối với trường hợp F0 “lang thang” ngoài cộng đồng, khi nhóm này (có triệu chứng) tới BV thì làm sao có kết quả xét nghiệm thật nhanh để truy vết tiếp. Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm khác cũng cho biết muốn “bắt” được F0 giai đoạn này, cần mở rộng test nhanh. Thậm chí nếu F1 chờ xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR thì cũng nên sử dụng test nhanh để trả lời. Test nhanh không chỉ sử dụng cho BV lớn mà còn phải triển khai cho các phòng khám tư nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.