'Du di' ngân sách là vi phạm Hiến pháp, pháp luật

15/06/2016 15:19 GMT+7

Đây là ý kiến của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Quốc hội) tại phiên họp sáng nay 15.6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Chuyển nguồn ngân sách hàng nghìn tỉ đồng
Theo ông Phan Trung Lý, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Chính phủ đã cho thấy nhiều vấn đề trái Hiến pháp, trái luật trong thu, chi ngân sách.
Nếu nhận định “chi ngân sách nhà nước cơ bản tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ” như báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hoặc không đưa ra chính kiến rõ ràng như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là không hợp lý, ông Lý nêu quan điểm.
Ông Phan Trung Lý đề nghị đây là vấn đề phải được thực hiện nghiêm túc, yêu cầu phải đúng Hiến pháp, đúng luật, không thể “du di”. “Chúng ta chỉ có một quyền là đúng Hiến pháp, đúng pháp luật mà thôi”, ông Lý phát biểu.

tin liên quan

Vay nợ để chi thường xuyên
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) công bố ngày 22.4, cho thấy một thực trạng đáng báo động về thâm hụt, bội chi ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét lại tình trạng lặp đi lặp lại trong 3 năm qua liên quan đến các số liệu về tài chính ngân sách. “Trong giai đoạn từ tháng 4 - 6, chúng ta nhận định nhiều khả năng không thu đủ ngân sách nhưng sau đó thì nói rằng “tín hiệu đáng mừng” là có thể vượt thu. Khi Quốc hội họp vào tháng 10 thì lại nói là “vượt rất nhiều”. Khoảng 50% nguồn thu ngân sách của chúng ta là từ dầu thô, trong thời gian qua, giá dầu liên tục giảm từ mức 90 USD xuống còn 40, 50 USD/thùng nhưng vì sao vẫn vượt thu ngân sách nhiều như vậy?”, ông Lý đặt câu hỏi.
Theo ông Lý, có những lý giải về việc đã áp dụng các biện pháp khác nhau để đảm bảo ngân sách nhưng các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có những nhận định khác nhau.
“Báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói năm 2014 thu ngân sách rất khó khăn do giá dầu thô giảm mạnh nhưng báo cáo Chính phủ lại nói khác. Tôi hiểu có thể giá dầu giảm nhưng chúng ta chỉ đạo tăng sản lượng khai thác, tăng sản lượng để bán rẻ cái đó có đúng không?”, ông Lý đặt vấn đề.
Điều đáng buồn, theo ông Lý, là hiện tượng doanh nghiệp thì chuyển giá còn cơ quan tài chính thì chuyển nguồn, chuyển hạch toán.
“Luật chúng ta đã có quy định nhưng giờ chúng ta chuyển hàng nghìn tỉ không rõ ràng nên không đánh giá được năm nào là đúng, năm nào là sai. Cứ chuyển như vậy không quyết toán được, không rõ ràng. Con số của Chính phủ không minh bạch, một số cái chúng ta để ngoài ngân sách nhưng không quyết toán, không báo cáo. Đây là điều rất đáng buồn. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu nêu 3, 4 trường hợp theo luật phải báo cáo nhưng không báo cáo”, ông Lý dẫn chứng.
Chậm khắc phục sai sót, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản
Trước đó, đại diện Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quyết toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.130.609 tỉ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỉ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỉ đồng) so với dự toán. Quyết toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 được Chính phủ đề nghị là 1.350.272 tỉ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỉ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỉ đồng) so với dự toán.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 nổi lên một số vấn đề như tình trạng một số địa phương để khoản chi vượt hoặc không đạt so với dự toán dẫn đến việc nơi thừa kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối ngân sách.

tin liên quan

Cầu vượt xây 350 tỉ rồi để không
Cầu vượt đường sắt Yên Lý (xã Diễn Yên, H.Diễn Châu, Nghệ An) được xây dựng vơi kinh phí gần 350 tỉ đồng để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tuy nhiên, sau 5 tháng sử dụng, người dân đã không sử dụng cây cầu này.
Báo cáo cũng cho biết sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư cơ bản vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Bên cạnh đó, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức từ T.Ư đến không ít địa phương. Mặc dù vậy, đến nay, Chính phủ chưa tổng hợp và báo cáo đầy đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, vì vậy, chưa có cơ sở để đánh giá.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để. Kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đều có sai phạm; đồng thời, chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương vẫn còn rất lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước: Chi chuyển nguồn năm 2014 sang năm 2015 là 235.506 tỉ đồng, tăng so với năm trước 45.949 tỉ đồng; kết dư ngân sách địa phương năm 2014 là 40.482 tỉ đồng, giảm 2.641 tỉ đồng so với năm trước.
Phát hiện 2 tỉnh chuyển thu hơn 5.600 tỉ từ 2014 sang 2015
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Cục thuế và Kho bạc nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Quảng Ngãi chuyển một số khoản thu thuộc niên độ ngân sách nhà nước năm 2014 sang năm 2015 với số tiền 5.650,7 tỉ đồng, làm giảm số thu NSNN năm 2014. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị quyết toán tăng thu số tiền trên, đồng thời giảm bội chi số tiền 5.038,9 tỉ đồng.
Theo báo cáo, giải trình của Bộ Tài chính, số tiền 5.650,7 tỉ đồng nêu trên đã làm thủ tục nộp vào NSNN trong năm 2014, song do sai sót trong khâu lập chứng từ, nên thiếu thông tin hạch toán thu NSNN, khi rà soát lại đã hạch toán thu NSNN vào tháng 1.2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.