Dự báo bão số 5 gây gió mạnh, sóng cao, mưa lớn

17/09/2020 07:27 GMT+7

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý công tác ứng phó bão số 5 ở các bộ, ngành và các tỉnh Trung bộ không được chủ quan, khi dự báo đây là cơn bão đổ bộ với cấp gió mạnh, sóng cao, gây ra đợt mưa lớn...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai ứng phó với bão số 5 diễn ra hôm qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý công tác ứng phó bão số 5 ở các bộ, ngành và các tỉnh Trung bộ tuyệt đối không được chủ quan, khi dự báo đây là cơn bão đổ bộ với cấp gió mạnh, sóng cao và gây ra đợt mưa lớn diện rộng.

Dự báo bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 22 giờ ngày 16.9, tâm bão số 5 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 9, tức là từ 70 - 90 km/giờ, giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 22 giờ ngày 17.9, tâm bão trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 11, tức là từ 100 -115 km/giờ, giật cấp 13.
Nhận định về cơn bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết cơn bão có diễn biến hình thành rất nhanh từ áp thấp nhiệt đới. Khi đi vào Biển Đông, là vùng biển nước ấm, điều kiện hoàn lưu phía trên cơn bão thuận lợi để bão tiếp tục mạnh lên. Về cơn bão số 5, dự báo từ các đài khí tượng thủy văn khá thống nhất khi đều cho rằng bão mạnh nhất ở cấp 12 và đổ bộ vào Trung bộ trong ngày 18.9.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu UBND các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa chủ động ứng phó với bão số 5; rà soát các địa bàn xung yếu, các phương án đảm bảo an toàn các công trình hạ tầng, tài sản của nhà nước và nhân dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Khiêm nhấn mạnh cơn bão này có hoàn lưu rất rộng, ảnh hưởng tới các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, trong đó vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5 là khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, với gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13. Dự báo sóng biển cao nhất ở ngoài khơi các tỉnh Trung bộ 5 - 7 m, ven biển bắc và trung Trung bộ cao từ 3 - 5 m. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, từ chiều nay (17.9), các tỉnh Trung bộ bắt đầu có mưa diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm. Trong đó, các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có thể mưa lên đến 300 - 400 mm, khiến vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở vùng đô thị, trũng thấp.

Các địa phương không được chủ quan

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho rằng bão mạnh và mưa lớn đang là tình huống nguy hiểm đối với các tỉnh Trung bộ. Đây cũng là khu vực có nhiều hồ, đập cần phải đảm bảo an toàn khi có mưa lũ.
Qua rà soát của Tổng cục Phòng chống thiên tai, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có 99 điểm xung yếu đê điều, cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ. Ông Hoài cũng cho biết hiện dung tích hồ chứa ở Trung bộ có thể đảm bảo cho đợt mưa lớn khoảng 200 mm, trong đó có 55 hồ hư hỏng nặng, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ, không cho phép tích nước.
“Đây là cơn bão mạnh. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai phối hợp với các địa phương sẵn sàng lên phương án cho tình huống sơ tán hơn 100.000 hộ dân với trên 500.000 người dân, có xây dựng kịch bản chi tiết đến từng xã”, ông Hoài nói.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại cơn bão số 12 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề tại Khánh Hòa và cho rằng các tỉnh Trung bộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, ứng phó bão. Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư, các bộ, ngành đôn đốc sát sao, hỗ trợ các địa phương, người dân tránh trú bão, bởi dự báo đây sẽ là cơn bão mạnh và sau bão là mưa lớn diện rộng.
“Các địa phương không được chủ quan mà cần chủ động ứng phó với bão số 5, hỗ trợ người dân di dời, hướng dẫn gia cố và có biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; có phương án bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục khi có sự cố xảy ra”, Phó thủ tướng nhắc nhở.

Nhiều địa phương ở miền Trung chủ động ứng phó

Chiều 16.9, đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc nhanh với tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo dự báo, từ chiều nay đến ngày 19.9 tại Thừa Thiên-Huế sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 400 mm. Theo kế hoạch, hôm nay 17.9 Thừa Thiên - Huế hoàn tất việc kêu gọi 100% tàu thuyền vào bờ tránh trú bão an toàn.
Tại TP.Đà Nẵng, tính đến 18 giờ chiều qua, Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng đã thông báo diễn biến thời tiết xấu đến 1.242 tàu (7.430 ngư dân). Trong đó, có 1.164 tàu (6.775 ngư dân) đã về bờ neo đậu an toàn; khu vực đông bắc Hoàng Sa có 6 tàu, còn lại tàu ở vùng biển Quảng Bình đến Bình Định (72 tàu). Các tàu với hàng trăm lao động hiện đang tìm nơi trú tránh.
Tại Quảng Nam, đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết tính đến chiều 16.9, có 553 tàu cá (với 5.684 lao động) của Quảng Nam đang hoạt động trên biển; trong đó có 260 tàu đánh bắt xa bờ (4.336 lao động) ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa. Các tàu này đã nhận được thông báo và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng. Quảng Nam gửi công điện yêu cầu các địa phương tập trung thu hoạch lúa hè thu; rà soát các khu dân cư vùng ven biển, ven sông, trũng thấp…; sẵn sàng phương án bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn và di dời, sơ tán dân… Riêng tại TP.Hội An, địa phương đã thu hoạch 80 ha lúa hè thu còn lại, liên hệ 20/28 chủ tàu để yêu cầu đến nơi tránh trú an toàn. Người dân ở nơi thấp trũng như P.Cẩm An, P.Cửa Đại sẽ được sơ tán nếu nước biển dâng cao.
Chiều 16.9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết ngành chức năng tỉnh đã liên lạc, hướng dẫn và thông báo hướng di chuyển của bão cho toàn bộ tàu thuyền của tỉnh còn trên các vùng biển để tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên đến chiều tối cùng ngày, còn 42 tàu với 243 ngư dân vẫn chưa liên lạc được. Hiện đài canh và Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đang nỗ lực liên lạc với các tàu cá và ngư dân.
Cũng trong chiều 16.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản hỏa tốc yêu cầu từ 13 giờ ngày 17.9, tất cả tàu, thuyền không được ra khơi, kể cả các phương tiện vận chuyển từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại.
Thanh Niên 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.