Dự án PPP: Kêu gọi nhiều nguồn lực để phát triển

12/11/2019 06:48 GMT+7

Theo Thủ tướng, đầu tư theo phương thức PPP là kêu gọi nhiều nguồn lực để phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết vì vai trò của nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, vai trò tư nhân phải cao hơn...

Ai kiểm toán các dự án PPP, việc chia sẻ rủi ro về doanh thu như thế nào... là những vấn đề mang tính chất quyết định được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lần đầu trình Quốc hội ngày 11.11.

Bù thì phải nói rõ trong luật lấy tiền chỗ nào

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết bản chất của dự án PPP là dự án công nhưng được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Quan điểm đầu tư là phải bình đẳng, minh bạch, chia sẻ cả mặt được và rủi ro. Bên cạnh đó, dự thảo luật khắc phục rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án như trước kia. Chấn chỉnh lại công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí.
Trên tinh thần đó, theo ông Dũng, với các dự án PPP nói chung sẽ quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng. Riêng các dự án PPP do Quốc hội (QH), Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro.
Cụ thể, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Ngược lại, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Về vấn đề này, khi thẩm tra Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình, song để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế. Đặc biệt, phải xác định được nguồn tiền để xử lý các rủi ro.
Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thảo luận tại tổ, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) phân tích: dự án PPP có 2 mục đích gồm an sinh xã hội và phát triển kinh tế thu lợi nhuận nên phải tính toán rõ ràng, Chính phủ chỉ tập trung cho các dự án an sinh xã hội, còn dự án khác theo lợi nhuận thì không nên bảo lãnh doanh thu, cứ để DN lời ăn lỗ chịu. “Tôi thấy nếu quản lý, giám sát tốt thì còn hợp lý; nhưng vừa qua rất nhiều dự án BOT kêu lỗ, nếu sau này cứ lỗ tràn lan mà nhà nước phải đứng ra bù thì ngân sách ở đâu?”, ông Quốc lo ngại.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thì cho rằng cơ chế đảm bảo của Chính phủ cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro được thiết kế trong dự thảo luật là cần thiết vì trong thực tế vẫn đang thực hiện. Tuy nhiên, ông Sinh băn khoăn, dự thảo quy định trong những trường hợp bất khả kháng, Chính phủ chỉ bảo lãnh chia sẻ rủi ro với những dự án do QH hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. “Chỗ này không hợp lý lắm vì quyết định chủ trương đầu tư chúng ta có ở nhiều cấp, ngoài QH, Chính phủ ra, còn có cấp bộ, ngành, cơ quan T.Ư và UBND các tỉnh, thành phố”, ông Sinh nêu quan điểm và cho rằng, luật phải được áp dụng chung cho tất cả dự án thì mới đảm bảo công bằng.

Những dự án "to đùng" không ai kiểm toán?

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc băn khoăn về việc chia nguồn vốn công - tư rõ ràng để quản lý theo 2 cách khác nhau. Điều 80 của dự thảo quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
“Chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án to đùng được nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán? (dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - PV). Còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng. Ví dụ dự án BOT giao thông, nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm”, ông Phớc lo lắng, đồng thời nhấn mạnh “PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân”. Do đó phải kiểm toán, thanh tra các công trình này như quy định tại luật Kiểm toán và luật Thanh tra.
Ông Phớc cũng đặt câu hỏi tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất, vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng? Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng cần phải xem xét kỹ chuyện đổi đất lấy hạ tầng, dự thảo luật nên bổ sung một chương quy định. Ông Hà cũng đồng tình với Tổng Kiểm toán là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được mà nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chức chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều.

Hai bên nhà nước và tư nhân đều phải có lợi

Thảo luận tại tổ về dự án luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng chưa có luật pháp bảo vệ họ nên họ chưa bỏ tiền ra đầu tư. Do đó tại kỳ họp này, Đảng, Chính phủ, QH đều mong muốn thúc đẩy luật đầu tư PPP ra đời. Theo Thủ tướng, đầu tư theo phương thức PPP là kêu gọi nhiều nguồn lực để phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết vì vai trò của nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, vai trò tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực mà chúng ta không cần thiết đầu tư công.
“Tôi đi các địa phương, người dân rất bức xúc vì thiếu các dự án đầu tư, công trình từ to đến nhỏ. Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng hiện nay do chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. “Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được”, Thủ tướng phân tích và cho rằng, nguyên tắc của dự thảo luật đầu tư PPP lần này phải là hai bên nhà nước và tư nhân đều phải có lợi vì “hướng như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư”.
Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng”, Thủ tướng nói thêm. Từ đó, Thủ tướng cũng đề nghị, luật này chỉ nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng.
Sáng 11.11, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 với một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH 2020: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%...
Quốc hội yêu cầu tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.