Dự án mở rộng QL 13, chưa rõ việc thu phí ra sao

Đỗ Trường
Đỗ Trường
07/04/2019 06:56 GMT+7

Dự kiến, QL13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TP.HCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Ngày 6.4, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT Bình Dương, cho biết HĐND tỉnh vừa thông qua Tờ trình chấp thuận dự án cải tạo, mở rộng QL13 được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức kinh phí trên 1.411 tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương vừa được HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 9 (bất thường, sáng 3.4), dự án cải tạo, mở rộng QL13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Theo dự kiến, QL13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TP.HCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TP.HCM đi Bình Phước, được đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ cả hai bên đường. Dự án còn xây 2 cầu vượt quy mô 4 làn xe gồm giao lộ ngã tư Bình Hòa (cầu Ông Bố, P.Bình Hòa, TX.Thuận An) và giao nhau giữa đại lộ Hữu Nghị (KCN VISP 1, TX.Thuận An) với QL13. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2019 - 2022.
Cũng theo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, sau khi dự án mở rộng QL13 hoàn thành sẽ sử dụng Trạm 1 (Vĩnh Phú) và Trạm 2 (Suối Giữa) để thu phí trên từng nhóm phương tiện nhằm thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hằng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện QL13 vẫn còn 2 hợp đồng BOT được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Dương với Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) còn hiệu lực đến năm 2037.
Cụ thể, Hợp đồng số 819/HĐ.BOT.UB ngày 14.3.2002 về nâng cấp mở rộng QL13 từ Km 1+248 (cầu Vĩnh Bình, P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An) đến Km 28+178 (Đài Hoa Sen, ngã ba Bến Lớn, P.Tân Định, TX.Bến Cát) có thời hạn thu phí 35 năm (từ 2002 - 2037).
Hợp đồng số 221/HĐ.BOT.UB ngày 15.1.2004 về nâng cấp, mở rộng QL13 từ Km 28 (Đài Hoa Sen) đến Km 65+355 (cầu Tham Rớt, xã Trừ Văn Thố, H.Bàu Bàng, Bình Dương), thời hạn thu phí là 33 năm (từ 2004 - 2037).
Cả 2 hợp đồng BOT nói trên hiện đang được thu phí tại Trạm 1 và Trạm 2 cách nhau khoảng 17,5 km. Trước đó, cuối năm 2018, Tổng công ty Becamex IDC đã trình phương án di dời Trạm 2 (trạm thu phí Suối Giữa, P.Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) vào đường Mỹ Phước Tân Vạn để thu phí nhưng chưa nhận được sự đồng thuận nên chưa thể triển khai.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về vấn đề thu phí “chồng lấn”, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT Bình Dương, cho biết: “Trước mắt sẽ thực hiện chủ trương mở rộng QL13, còn việc thu phí BOT sau khi hoàn thành mới có phương án cụ thể, trình HĐND tỉnh quyết định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.