Dự án khách sạn Park Hyatt Saigon - hòn ngọc trong sóng gió

06/07/2007 00:23 GMT+7

Kỳ 3: Nguy cơ từ bất đồng và tranh chấp quyền lực Đối tác Bên Việt Nam trước đây là SA&E, sau này là SGC cùng với sự giúp đỡ quý báu của chính quyền TP.HCM đã thực hiện tốt và đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong liên doanh; từ bàn giao mặt bằng, tài sản, chia sẻ những khó khăn với TS Hảo trong công tác điều hành suốt 12 năm trời gian nan của dự án.

Kết quả kiểm toán vào tháng 11.2006 của Grant Thornton, một công ty kiểm toán quốc tế độc lập do phía VN đề nghị đã cho thấy toàn bộ 31 triệu USD vay ngân hàng đã được sử dụng đúng pháp luật và minh bạch. Hiện nay, khách sạn Park Hyatt Saigon đang hoạt động có hiệu quả và uy tín. Tài khóa trọn năm đầu tiên hoạt động 2006 đã đạt mức lợi nhuận cao. Đó là công lao và đóng góp đáng kể không thể nào phủ nhận của những cán bộ, nhân viên do VN cử vào liên doanh và cá nhân TS Hảo.

Thế nhưng những bất đồng và tranh chấp quyền lực tiềm ẩn trong nội bộ Bên nước ngoài đang đẩy liên doanh vào một nguy cơ tan rã mới. Khởi thủy năm 1994 khi bắt tay hợp tác với nhau, Ông Jaya J.B.Tan, đại diện cho Pengkalen và TS Hảo, đại diện UCI đã thỏa thuận rằng phía Pengkalen (sau này là RIL) sẽ chịu trách nhiệm vốn vay tài trợ cho dự án và  đóng góp vốn pháp định của UCI. Có nghĩa là Pengkalen có trách nhiệm bao vốn cho UCI và sẽ được hoàn trả lại chỉ bằng nguồn lợi được chia từ dự án. Thỏa thuận này cũng đã được thông báo cho Bên VN biết trong phiên họp tháng 8.1996. Thế nhưng từ năm 1998 cho đến năm 2004, RIL đã nhiều lần chuyển cho UCI các dự thảo hợp đồng vay nợ, theo đó, biến việc "bao vốn" thành "vay nợ''và yêu cầu UCI chuyển nhượng phần hùn trong LD GISH cho gia đình Tan để đem bảo đảm các khoản  vay. Nếu các dự thảo hợp đồng này được ký kết, UCI sẽ bị thôn tính trắng tay. UCI cho đó là sự vi phạm thỏa thuận nên không chịu ký vào các hợp đồng vay nợ. Mối bất đồng không hòa giải được này đã gây ra rạn nứt trầm trọng trong nội bộ Bên nước ngoài. Và giọt nước cuối cùng làm tràn ly là các NQ văn bản do RIL đưa ra để phế truất chức vụ Chủ tịch HĐQT và TGĐ liên doanh của TS Hảo, dẫn đến các vụ kiện mà UCI đứng nguyên đơn và phiên tòa sơ thẩm chúng tôi đã đề cập đến ở kỳ 2.

Khách sạn Park Hyatt Saigon vốn là một dự án đã trải qua quá nhiều sóng gió, nay đang đứng trước một thử thách lớn, một nguy cơ tan vỡ. Trách nhiệm thuộc về ai?
 Đối với RIL, việc đưa ra một loạt các NQ văn bản không đầy đủ cơ sở pháp lý như chúng tôi đã phân tích là không thể chấp nhận được. Văn thư ngày 21.7.2006 và 3.8.2006 của RIL yêu cầu triệu tập cuộc họp đã được TS Hảo, Chủ tịch HĐQT trả lời cụ thể: Việc đăng ký lại để hoạt động theo Luật DN cần chờ đợi nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Vấn đề thay thế, đề cử Chủ tịch HĐQT và TGĐ chưa có sự bàn bạc thống nhất giữa RIL và UCI theo điều lệ quy định. Trả lời này là khá thỏa đáng, nhưng RIL vẫn bất chấp ra các NQ văn bản truất phế chức vụ Chủ tịch HĐQT, TGĐ liên doanh.

Thỏa thuận về cách thức góp vốn điều lệ giữa RIL và UCI là những thỏa thuận có thể mang lại tiện ích nào đó về tài chính cho UCI thì ông Jaya J.B.Tan cũng nhận được những thuận tiện lớn lao từ dự án do TS Hảo mang lại. Ông Jaya J.B.Tan chắc chắn đã cân nhắc lợi hại kỹ lưỡng khi thỏa thuận. Nhưng dù gì đi nữa cũng không thể sử dụng những phương cách mang tính tranh đoạt, xung đột quyền lực gay gắt làm ảnh hưởng đến hoạt động và lợi ích chung của liên doanh GISH.

Công ty Pengkalen (sau này là RIL) do ông Jaya J.B.Tan đại diện trong suốt hơn 10 năm qua đã không hoàn thành nhiều nghĩa vụ cam kết với liên doanh, đặc biệt là trách nhiệm đảm bảo phần vốn vay cho dự án. Mặc dù UCI đã chuyển 2% cổ phần nghĩa cử để Pengkalen nắm đa số 51% vốn góp, nhằm giúp ông Jaya J.B.Tan dễ dàng đi vay 40 triệu USD cho dự án, nhưng ông Jaya J.B.Tan vẫn không thực hiện được cam kết của mình, làm cho dự án tưởng chừng đã sụp đổ. Liên ngân hàng VN đứng ra cho liên doanh vay 31 triệu USD để vực dậy dự án, cũng có nghĩa là đảm trách thay nghĩa vụ quan trọng nhất của RIL và ông Jaya J.B.Tan. Sở Kế hoạch và Đầu tư, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, trong công văn ngày 13.12.2006 gửi cho LD GISH và tất cả các đối tác (RIL, UCI và SGC) cũng đã lưu ý tôn trọng cam kết với các ngân hàng. Thế mà, tại phiên tòa sơ thẩm, phía Công ty RIL đã phát biểu "(RIL) thấy không có vấn đề gì lớn đối với các ngân hàng tài trợ". Đó là những lời lẽ mang đậm tính chất hãnh tiến và vô ơn, thiếu tôn trọng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP.HCM. Tòa sơ thẩm đã dễ dàng chấp nhận lời trình bày của RIL để công nhận các NQ, không hề nhắc đến quyền lợi các ngân hàng cho vay trong toàn bộ bản án, chẳng khác nào cổ xúy cho sự bội ước!

Đối với Bên VN, câu hỏi lớn đặt ra là lý do gì lại tán thành các NQ  văn bản? Theo văn thư của SGC gửi báo cáo với UBND TP.HCM ngày 30.8.2006, có thể suy luận SGC cho rằng Liên doanh GISH lâu nay thiếu hợp tác; đặc biệt là vấn đề kiểm soát  việc sử dụng vốn vay ngân hàng, thanh quyết toán công trình xây dựng khách sạn. Mối nghi ngờ này có thể được giải tỏa qua kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán quốc tế do SGC chỉ định. Vấn đề còn lại chỉ là sự tín nhiệm cá nhân TS Hảo? SGC có quyền tín nhiệm người này hay người khác. Tuy nhiên việc biểu quyết tán thành các NQ văn bản do RIL đưa ra trong tình thế đặc biệt như vừa qua  là vội vã, đáng trách và không cân nhắc lợi ích của Bên VN trong liên doanh. Biểu quyết của SGC là đổ dầu vào lửa, trực tiếp can dự vào tranh chấp nội bộ Bên nước ngoài; đặc biệt tác hại là đã đưa đến tiền lệ xóa bỏ nguyên tắc nhất trí  là nguyên tắc biểu quyết có lợi cho Bên VN. Luật DN 2005 vẫn không bắt buộc bãi bỏ nguyên tắc nhất trí đối với các quyết định quan trọng của HĐQT, chỉ quy định túc số tối thiểu khi biểu quyết (65% - 75%), còn từ mức tối thiểu trở lên đến nhất trí 100%, luật dành cho các bên thỏa thuận, tùy tình hình mà chọn tỷ lệ cụ thể. Chính nguyên tắc nhất trí sẽ giúp cho SGC dù chiếm tỷ lệ vốn góp thiểu số vẫn có thể có tiếng nói giá trị thực chất trong các hoạt  động của LD GISH. Vậy thì tại sao SGC lại tình nguyện từ bỏ một lợi thế của mình mà luật pháp vẫn còn tạo cơ hội? Tại sao SGC vẫn bỏ ngoài tai khuyến cáo của Sở KH&ĐT truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố lưu ý phải tôn trọng cam kết với các ngân hàng cho vay, tại phiên tòa sơ thẩm SGC vẫn kiên quyết giữ nguyên quyết định của mình dẫn đến một bản án xóa bỏ nguyên tắc nhất trí vĩnh viễn? Đây là những câu hỏi lớn cần tìm hiểu. Đáng tiếc chúng tôi nhiều lần đăng ký làm việc nhưng lãnh đạo SGC đã tìm cách thoái thác.

Thay lời kết

Nhìn lại quá trình sóng gió của dự án, vượt lên trên những quyền lợi riêng biệt của mỗi đối tác trong liên doanh là thiện chí và tấm lòng rộng mở của Nhà nước Việt Nam; đặc biệt là tâm huyết của nhiều vị lãnh đạo Trung ương và TP.HCM đã có những sự giúp đỡ quý báu và dành nhiều ưu thế như dành vị trí đất loại bậc nhất thành phố cho dự án. Sáng kiến, công sức đóng góp của TS Hảo, với tư cách là một Việt kiều về đầu tư trong nước, suy cho cùng cũng xuất phát từ chính sách đại đoàn kết đúng đắn của Việt Nam mang lại. Và không thể không nhắc đến công lao to lớn của các ngân hàng cho vay, chủ trì là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN đã vực dậy được một dự án đang chực chờ sụp đổ. Đến thời điểm này, có thể nói dự án đã thành công. Park Hyatt Saigon đang là một khách sạn quốc tế 5 sao có uy tín, hoạt động hiệu quả, đang là một con gà đẻ ra trứng vàng. Mọi đối tác trong liên doanh, kể cả đối tác Bên VN, nếu không biết trân trọng nghĩa cử cao đẹp của Nhà nước Việt Nam thì mọi hành vi đều là những mưu đồ, toan tính vị kỷ. Một bản án công minh đang chờ các cấp tòa, đặc biệt là tòa phúc thẩm, sẽ góp phần quan trọng khôi phục niềm tin về môi trường pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đối với Việt kiều về đầu tư trong nước; khẳng định tính minh bạch, công bằng của hệ thống tư pháp nước ta, giúp Liên doanh GISH vượt qua cơn thử thách này.

Kỳ 2: Một bản án đầy sai lầm và thiên lệch
Kỳ 1: Những khó khăn chồng chất

Nguyễn Công Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.