Dự án Cát Linh - Hà Đông: Cần làm rõ động cơ 'biết lỗ vẫn cố làm'

23/09/2019 06:00 GMT+7

Câu hỏi về trách nhiệm của những người liên quan khi biết lỗ vẫn 'làm' ở dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được rất nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên đặt ra.

Như Thanh Niên đã thông tin, trong kết luận kiểm toán liên quan đến hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Cát Linh - Hà Đông mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ: Việc chậm tiến độ kéo dài, lỗi phần lớn do Tổng thầu EPC Trung Quốc, nhưng để xảy ra nhiều sai sót trong thẩm định, đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh lại là trách nhiệm của Bộ GTVT.

Ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngàn tỉ trở thành “thiên đường” chích hút - Video tư liệu

“Chứng tích” về sự yếu kém trách nhiệm!

Trước thông tin này, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Đức (Đà Nẵng) đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Biết lỗ vẫn làm! Vì đây là mồ hôi nước mắt nhân dân nên người sử dụng nó không thương tiếc? Vậy động cơ nào đưa họ đến suy nghĩ như vậy? Ai trả lời và ai là người chịu trách nhiệm trước nhân dân?”. BĐ Nguyễn Dân (Lâm Đồng) cũng lo ngại: “Khi hoàn thành đưa vào sử dụng vận hành chạy tàu mà tiếp tục lỗ nữa thì tính sao đây” và đề xuất “nên bỏ luôn để làm chứng tích về sự vô trách nhiệm gây ra một thiệt hại to lớn cho đất nước, cho nhân dân”.
Còn BĐ Trịnh Khắc Minh (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị: “Rất đau! Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhà thầu Trung Quốc thi công, đội vốn quá nhiều. Đề nghị Chính phủ làm thật rõ cá nhân và tập thể chịu trách nhiệm vì đây là tiền của nhân dân”. Tương tự, theo BĐ Nguyễn Văn Luận (Quảng Nam), dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông như “chứng tích về sự kém cỏi trong lĩnh vực quản lý xây dựng, đầu tư công”.

Gầm đường sắt Cát Linh – Hà Đông biến thành ruộng rau, nơi rao vặt - Video tư liệu

Phải xử thật nghiêm

Tuy nhiên, cũng có ý kiến, như của BĐ Trần Đình Cường (Hà Nội) rằng: “Đa số các tuyến tàu điện ngầm khi đưa vào khai thác đều lỗ cả thôi, trên thế giới cũng vậy, nhưng vẫn phải làm, vẫn phải bù lỗ để giải quyết vấn nạn tắc đường, giải quyết giao thông công cộng trong TP cho người dân, giống như các tuyến ô tô buýt trong TP cũng vậy. Mỗi năm TP.Hà Nội vẫn bù lỗ nhưng vẫn phải duy trì để đảm bảo giao thông công cộng trong TP cho người dân đi lại”.
Trước ý kiến này, BĐ Nguyễn Phương Vân (TP.HCM) nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là lỗ khi đưa vào khai thác... mà dự án có nhiều cái sai và cái sai đó ở nhiều giai đoạn trong quá trình thực hiện”. “Các cơ quan thực thi nhiều lần vượt thẩm quyền, như: chủ đầu tư không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định; Bộ GTVT cho phép Ban Quản lý dự án đường sắt giao Tổng thầu EPC Trung Quốc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn từ 28.10.2015 - 18.8.2016; Cục Đường sắt VN đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt trúng thầu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này, chưa đúng quy định của luật Đấu thầu; phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư...”, BĐ này liệt kê.
BĐ Nguyễn Huy (Cao Bằng) đề nghị: “Phải xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT. Và người đứng đầu bộ này trong giai đoạn thực hiện dự án sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với sự đội vốn, chậm trễ của dự án này. Các cá nhân liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Phải xử thật nghiêm!”.
Những ai có quyền hành ký phải chịu trách nhiệm vì họ được nhận lương và tiền trách nhiệm chức vụ.
Ngô Duy Tùng (TP.HCM)
Buồn đau và chua xót quá! Bộ Công an cần vào cuộc điều tra trách nhiệm những người liên quan.
Trương Bách (Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.