Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ tác động đến 60 - 93 ha rừng

09/03/2021 18:08 GMT+7

Sau khi kiểm tra, ngành kiểm lâm báo cáo để thực hiện dự án đường cao tốc - đoạn từ Tân Phú (Đồng Nai) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) sẽ có khoảng 60 - 93 ha rừng bị tác động.

Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng vừa có báo cáo kết quả kiểm tra các nội dung liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng), theo đó sẽ có hơn 93 ha rừng bị tác động.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được triển khai sẽ giải quyết được "nút thắt" đèo Bảo Lộc thuộc QL20

ẢNH: TRÙNG DƯƠNG

Hơn 93 ha bị rừng tác động

Như Thanh Niên đã phản ánh, đầu năm 2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 24, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Căn cứ vào các phương án đưa ra, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đưa ra các số liệu khá cụ thể tác động đến rừng.

Theo phương án 1 sẽ có hơn 93 ha rừng bị tác động

ẢNH: LÂM VIÊN

Theo phương án 1, dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc đi qua tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài 55 km xuyên qua các xã: Madagui, Đạ Tồn, Phước Lộc, TT.Đam M’ri (H.Đạ Hoai); xã Đạ Pal (Đạ Tẻh); xã Lộc Tân (H.Bảo Lâm) và xã Đam Bri (TP.Bảo Lộc). Trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 93,5 ha, trong đó: rừng sản xuất bị ảnh hưởng khoảng 50,43 ha (cụ thể: rừng tự nhiên bị ảnh hưởng khoảng 38,68 ha, rừng trồng khoảng 1,06 ha, đất không có rừng khoảng 10,69 ha); ngoài lâm nghiệp tương đương 43,07 ha (cụ thể: rừng tự nhiên 0,7 ha, 1,19 ha, đất không có rừng 41,18 ha).
Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 74,25 ha, trong đó: rừng sản xuất ảnh hưởng khoảng 40,05 ha (cụ thể: rừng tự nhiên khoảng 30,71 ha, rừng trồng khoảng 0,85 ha, đất không có rừng khoảng 8,49 ha); ngoài lâm nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 34,2 ha (cụ thể: rừng tự nhiên 0,55 ha, rừng trồng 0,95 ha, đất không có rừng 32,7 ha).

Theo phương án 2 có khoảng 60 ha rừng bị tác động

ẢNH: LÂM VIÊN

Theo phương án 2 của dự án tổng chiều dài qua tỉnh Lâm Đồng là 45 km, sẽ đi qua TT.Madagui, xã Hà Lâm, Đạ Ploa, TT.Đam M’ri (H.Đạ Hoai); xã Lộc Thành (H.Bảo Lâm) và xã Đại Lào (TP.Bảo Lộc). Trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 76,5 ha. Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 60,75 ha.
Theo Chi cục Kiểm Lâm Lâm Đồng, do dự án có ảnh hưởng một phần đến rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên theo quy định tại luật Lâm nghiệp 2017 thì dự án cần có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai, thực hiện.

Giải quyết "nút thắt" đèo Bảo Lộc 

Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1.3.2016. Đây được xem là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng cũng như khu vực Tây nguyên.

"Điểm đen" đoạn khúc cua gần Đài Đức Mẹ trên đèo Bảo Lộc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông

ẢNH: TRÙNG DƯƠNG

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho rằng việc Thủ tướng đồng ý cho triển khai sớm đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa rất lớn đối với Lâm Đồng. Cụ thể sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, đoạn đường độc đạo nối Lâm Đồng với Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh phía nam. Đây là đường đèo có độ dốc lớn, với gần 100 khúc cua quanh co, hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm liên tục xảy ra tai nạn giao thông thời gian gần đây.
Chưa kể vào mùa mưa bão, đèo Bảo Lộc thường xuyên bị sạt lở đất dẫn đến ánh tắc giao thông nhiều giờ, có khi đến vài ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, du lịch và nhiều lĩnh vực khác.

Giao thông ách tắc trên đèo Bảo Lộc do tai nạn xảy ra

ẢNH: TRÙNG DƯƠNG

Theo Thông báo số 24, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tham gia dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án khoảng 18.200 tỉ đồng. Trong đó có vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật; báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 3.2021.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.