Dự án bò 'nuốt' hơn 600 ha đất rừng

16/06/2016 16:00 GMT+7

Hết thủy điện lấy rừng, dự án phá rừng để trồng rừng, nay tỉnh Phú Yên lại có dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa cũng 'được chia' đất rừng.

Hy sinh rừng tái sinh để phát triển kinh tế

Dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa do Công ty cổ phần chăn nuôi Thảo Nguyên (gọi tắt là Thảo Nguyên) làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án này sử dụng 4.635 ha được phân ra thành vũng lõi và vùng đệm, với vốn đầu tư khoảng 1.508 tỉ đồng, công suất dự kiến 30.000 con bò/năm (khoảng 15.000 tấn thịt bò hơi), thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án phân bổ ở các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa và Tây Hòa.

tin liên quan

Tan nát rừng Phú Yên
Rất nhiều cánh rừng ở Phú Yên bị đốn hạ, đốt sạch để khai thác trắng lấy gỗ, trồng keo khiến người dân bức xúc, gõ cửa các cơ quan chức năng để mong cứu lấy rừng.

Tuy nhiên, trong phần sử dụng đất của dự án này ở H.Sông Hinh có liên quan đến rừng tự nhiên tại tiểu khu 310, 311 nằm trên địa xã Sông Hinh, H.Sông Hinh do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Hinh và UBND xã Sông Hinh quản lý. Theo báo cáo thẩm định của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, vùng chăn nuôi của Thảo Nguyên tại H.Sông Hinh sẽ thu hồi hơn 628 ha rừng tự nhiên.

Ông Đặng Đình Toại, chủ tịch UBND H.Sông Hinh, thừa nhận rừng của 2 tiểu khu này là rừng tái sinh tốt. Ông Toại cho biết: “Khu vực này trước đây thi công hồ thủy điện Sông Hinh đã khai thác kiệt, nhưng sau thời gian thì đã phục hồi, tái sinh tốt. Nhưng chủ trương của tỉnh là quy hoạch để phát triển kinh tế, và dự án này là dự án động lực để phát triển kinh tế của huyện, mang lại lợi ích lớn nên cần phải thực hiện”.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh, trưởng BQLRPH Sông Hinh ví khu rừng tự nhiên này như “con gái mới lớn” đã đến lúc lấy chồng thì gả cho người ta.

Ông Minh lý giải cách ví von này: “Khu rừng do BQLRPH quản lý, nhưng năm 2007 đã quy hoạch là rừng sản xuất nên chuyển đổi sang mục đích sử dụng là bình thường, vì phải biết hy sinh cái nhỏ để hưởng lợi cái lớn, không nên khăng khăng giữ làm gì. Hơn nữa, rừng này không còn cây giá trị kinh tế như hương mà chỉ có một vài cây gõ bị sâu hư hại”.

Ông Minh cũng thưà nhận là rừng tự nhiên tại 2 tiểu khu 310 và 311 là rừng đang phục hồi, tái sinh tốt.

Liệu những khu rừng phòng hộ chỉ cách dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa chừng 1 km có bị xâm hại không? Ảnh: Đức Huy

Khi đặt vấn đề đánh đổi để mất diện tích rừng quá nhiều trong dự án bò thịt, bò sữa, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Phú Yên cho biết ông "không bình luận" vì đây là chủ trương chung của tỉnh, không thuộc thẩm quyền.

“Tỉnh giao quản lý thì quản lý, bây giờ giao thu hồi thì thu hồi, chuyển mục đích để phát triển nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì mình giao”, ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng bao nhiêu thì trồng rừng thay thế bấy nhiêu, còn nếu không có quỹ đất trồng thay thế thì tiền đó chuyển sang quỹ trồng rừng thay thế để phục vụ trồng rừng.

Chưa có đánh giá tác động môi trường

Ông Ngô Quang Phú, Phó giám đốc sở TN-MT tỉnh Phú Yên, khẳng định chủ đầu tư Thảo Nguyên đang phối hợp với đơn vị tư vấn để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt ĐTM) đối với dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Theo ông Phú, việc thẩm định giao hơn 600 ha rừng tự nhiên cho dự án tác động như thế nào đến môi trường là thuộc thẩm quyền của bộ TN-MT.  “Việc giao hơn 600 ha rừng sẽ có ý kiến chuyên môn của bộ”, ông Phú nói.

Mặc dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng hiện nay UBND H.Sông Hinh đã tổ chức việc giải phóng mặt bằng. Ông Phú lý giải: “Đúng ra, có ĐTM trước rồi mới tiến hành các bước tiếp theo, nhưng để kịp tiến độ nên cho phép làm song song. Nếu ĐTM có những cái tác động lớn thì sẽ có ý kiến của Bộ TN-MT, lúc đó UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định”.

Cũng theo ông Phú, hiện các ngành của tỉnh phối hợp chính quyền H.Sông Hinh đang khảo sát, kiểm điểm để giúp nhà đầu tư, chứ chưa thu hồi đất vì phải chờ ĐTM.

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết vì đây là dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cho nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định là phải đồng hành cùng nhà đầu tư.

Theo ông Trà, việc đánh giá tác động môi trường của dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa đang trình Bộ TN-MT, khi nào Bộ TN-MT thẩm định xong thì mới triển khai.

Cũng theo ông Trà, trong dự án này, không phải chủ đầu tư phá hết toàn bộ rừng đã giao mà rất hạn chế đến tác động đến diện tích rừng này và diện tích rừng nào bị tác động thì sẽ trồng rừng thay thế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.