Đột phá tư duy hay nguồn nhân lực?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/10/2020 06:11 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, đột phá chiến lược cần được xác định trước hết ở tư duy vì nó sẽ mở đường cho những đột phá về thể chế, nhân lực, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng.

 Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng đột phá chiến lược trước hết nằm ở nguồn nhân lực.
Sáng 22.10, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư tổ chức hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cần bứt phá trong tư duy phát triển

Đề dẫn hội thảo, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư, cho biết dự thảo văn kiện Đại hội XIII nêu 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung các khâu đột phá cụ thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển. Vì vậy, ông Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào việc xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2025, 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đột phá đầu tiên phải là đột phá về nhân lực chất lượng cao, tức giới tinh hoa
GS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học
Là một trong những tác giả soạn thảo 3 đột phá chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, PGS-TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, cho biết khi xây dựng văn kiện Đại hội XIII, ông đề xuất đột phá đầu tiên phải là đột phá về tư duy. Lý giải về đề xuất này, ông Toản cho rằng giai đoạn hiện nay không khác gì so với giai đoạn 1986, khi chúng ta bắt đầu đổi mới. Chúng ta đang chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu nhưng đà phát triển theo chiều rộng vẫn đang tiếp tục, không chỉ trong kinh tế mà trong tất cả các lĩnh vực khác. “Liệu giai đoạn phát triển mới có thể dựa trên nền tảng căn bản của tư duy phát triển theo chiều rộng hiện tại được không? Quan điểm của tôi là không thể được. Cần phải có bứt phá trong tư duy phát triển, trong mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế”, ông Toản phân tích.

Cần phải có bứt phá trong tư duy phát triển, trong mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế

PGS-TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư
“Chốt lại một điểm là bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước đặt ra phải có những tư duy đột phá”, ông Toản nói và cho rằng cần có đột phá về tư duy để mở đường cho những đột phá về thể chế (đặc biệt là thể chế chính trị), nguồn nhân lực; đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng.

“Không có tầng lớp tinh hoa, đừng nói đến cách mạng nào hết”

Trong khi đó, GS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, lại cho rằng đột phá đầu tiên không phải là thể chế kinh tế thị trường vì đây là mảng phải làm, không thể khác được, quan trọng là tổ chức thế nào. Theo ông, đột phá đầu tiên phải là đột phá về nhân lực chất lượng cao, tức giới tinh hoa. “Không có tầng lớp tinh hoa đừng nói đến cách mạng nào hết, kể cả trong nghiên cứu khoa học và trong các cơ quan đầu não”, GS Chuẩn nhìn nhận và cho rằng hiện nay chúng ta chưa có tầng lớp này do chưa có chính sách đầu tư. Ông Chuẩn dẫn chứng vụ việc sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) và cho hay các nhà khoa học từng phản đối song dự án này vẫn được xây dựng. “Liệu Chính phủ và những người có trách nhiệm có rút ra kinh nghiệm không? Ai chịu trách nhiệm? Ai bị kỷ luật?”, ông Chuẩn nói và thông tin vai trò của các nhà khoa học đã không được chú ý.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế T.Ư, nhìn nhận đột phá nguồn nhân lực thì nhà khoa học, giới tinh hoa cũng quan trọng, song quan trọng nhất chính là các chuyên viên trong bộ máy hành chính - những người đang thiết kế chính sách phát triển cho nhà nước. “Hiện họ hưởng lương 5 triệu/tháng, không bằng lương của công nhân trong nhà máy của Samsung thì làm sao mà đòi hỏi họ thiết kế chính sách như châu Âu được?”, ông Tú Anh nêu và cho rằng trước hết cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước, đồng thời kiểm soát quyền lực tốt thì vấn đề tự động được giải quyết.
Từ góc nhìn khác, TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dẫn ví dụ: Từ năm 2008, Trung Quốc đã bổ nhiệm 2 bộ trưởng không phải là đảng viên, thậm chí là người của đảng đối lập. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc cũng do người Hồng Kông lãnh đạo, điều hành. “Thể chế của chúng ta làm sao dùng được cả những người bên trong và bên ngoài Đảng. Tất nhiên cái này khó”, ông Sang nêu ý kiến.

3 đột phá chiến lược

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII xác định 3 đột phá chiến lược, gồm: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.