Đột nhập “đại công trường” đá đỏ trái phép - Kỳ 2: Vô tư “tận thu” vì không ai bắt

27/10/2015 05:45 GMT+7

Để “tận thu” đá ruby, đá đỏ, dân khai thác lậu không ngần ngại đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước dài hàng ki lô mét từ các khe suối đến những bãi đá, hàng trăm máy nổ, máy phát điện, máy hút nước công suất lớn; thậm chí có cả lán trại nuôi gà, vịt, thả cá trong rừng để... hoạt động lâu dài.

Để “tận thu” đá ruby, đá đỏ, dân khai thác lậu không ngần ngại đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước dài hàng ki lô mét từ các khe suối đến những bãi đá, hàng trăm máy nổ, máy phát điện, máy hút nước công suất lớn; thậm chí có cả lán trại nuôi gà, vịt, thả cá trong rừng để... hoạt động lâu dài.

Phu đá tại bãi Cửa Tử đổ đất vào máng chuẩn bị đãi đá đỏ - Ảnh: Nam AnhPhu đá tại bãi Cửa Tử đổ đất vào máng chuẩn bị đãi đá đỏ - Ảnh: Nam Anh
Sở dĩ “đội quân” khai thác đá đỏ có số lượng lên đến hàng trăm người là do lợi nhuận, kế đến là quãng đường tiếp tế lương thực, thực phẩm từ ngoài vào không quá xa, chỉ khoảng 10 km tính từ TT.Yên Thế.
Trong quá trình tiếp cận hiện trường, vượt qua những ánh mắt dò xét, dữ dằn của cánh phu đá, PV Thanh Niên lọt vào được một trại chăn nuôi với gà, vịt, ngan, dê, cá và thậm chí là trồng rau xanh để phục vụ cho “đội quân” làm đá đỏ. Việc mở chuồng trại chăn nuôi ngay trong rừng này tạo ra một cộng đồng biệt lập hoạt động theo kiểu luật rừng ngay rìa TT.Yên Thế, H.Lục Yên. Tại lán này, có khoảng gần 100 con gà, một vườn rau cải xanh, một ao cá. Một số phu đá còn tiết lộ, đây là địa bàn nuôi dê. Nếu muốn thịt dê liên hoan thì chỉ cần gọi điện cho chủ lán...
Đầu tư lớn
Trong giữa rừng sâu, PV cũng đã chứng kiến “hệ thống thủy lợi” được dân đào đá trộm đầu tư rất công phu, kiên cố. Mỗi khu vực làm đá đỏ xây dựng từ 2 - 4 hồ chứa có dung tích khác nhau. Trên mỗi bờ ao, hồ được đặt các máy bơm công suất lớn nhằm tạo ra lực phun nước đủ mạnh để rửa trôi và khoét vào đất đá. Chỉ tính riêng tại Bãi Cạn đã có tới hàng chục ao, hồ nhân tạo, đó là chưa kể đến các giếng, hố nước lớn hình thành do quá trình đào bới.
Hôm PV có mặt ở khu vực Bãi Cạn, cả trăm phu đá vẫn đang hì hụi ôm vòi nước gí vào những vách núi để đất, đá bung ra. Phía dưới vòi phun, phu đá chặn dòng chỉ cho nước bùn tràn qua, còn đá sỏi được giữ lại. Khi dùng vòi phun moi ra được khoảng 1 m3 đá sỏi thì phu đá dừng lại. Lúc này, mỗi nhóm tổ chức người dùng tay gạt từng lớp đất để tìm đá đỏ. Ngoài đá đỏ, đá ruby ra, họ còn lượm nhặt cả những viên xỉ nhỏ như hạt vừng cho vào một ống nhựa...
Theo lời của phu đá tên Tài (38 tuổi, trú tại H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái), phương pháp làm đá kiểu này xuất hiện từ lâu. Lợi thế là giúp tận thu đá đỏ, từ những viên xỉ nhỏ như hạt vừng cho đến đá ruby đều không thể lọt qua mắt thợ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho phương pháp làm đá kiểu này cũng tốn kém. Cách đây vài năm, nhóm của Tài phải góp tiền mua một máy hút nước công suất 40 mã lực với giá 45 triệu đồng. Một đường ống dẫn nước dài 2 km từ Bãi Cạn ngược lên núi hết 40 triệu đồng, ngoài ra còn chi phí xăng, dầu vận hành... Mức đầu tư như vậy của nhóm Tài là còn ít, bởi các nhóm khác đều đầu tư từ 3 - 5 máy nổ công suất lớn và đường ống dài đến 5 km với tổng số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.
Một phu đá tên Lục Văn Thắng (35 tuổi, ngụ ở xã Minh Xuân, H.Lục Yên) cho biết: “Ngày cao điểm, tất cả các máy nổ cùng hoạt động, khói bay mù một góc rừng, các máy đua nhau bơm nước từ ao, hồ chứa nhân tạo lên đào đãi đá, ao nào hết nước thì máy tạm dừng, đợi nước dâng cao lại tiếp tục hút. Dân đào đá làm từ 8 giờ sáng cho đến tận gần 12 giờ trưa mới nghỉ”.
Theo ghi nhận của PV, ngoài những lán trại hoạt động với nhóm đông lên tới cả chục người, còn rất nhiều lán làm lẻ tẻ chỉ đôi, ba người. Những người này làm tự do, không theo nhóm nào, họ cũng không có tiền để đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại. Ngược lại, dụng cụ rất đơn giản, chỉ có mỗi cuốc chim, rổ, rá, bao tải.
“Đào đá đã 6 năm nay, chẳng thấy bị làm sao”
Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Yên Bái nhìn nhận, các loại khoáng sản dưới đất bao gồm cả đá đỏ, đá ruby thuộc loại khoáng sản của nhà nước, đơn vị nào muốn khai thác thì phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Thế nhưng, theo lời của những người đào đá đỏ trái phép mà PV tiếp cận thì chẳng có bóng dáng lực lượng chức năng nào ngăn cấm việc họ “tận thu” đá quý.
Phu đá tên Tài làm tại Bãi Cạn nói thẳng: “Tao đào đá ở đây đã 6 năm nay, chẳng thấy bị làm sao. Trước năm 2012 ngày nào bãi này cũng có trên dưới trăm thằng làm đá. Từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều thằng trúng quả nên dân tình mới đổ xô lên đây. Chẳng thấy công an hay chính quyền nào ngăn cấm nên cứ thế đào thôi. Nếu cấm chỗ này thì tao lại vào chỗ khác, rừng Lục Yên thiếu gì chỗ đào đá đỏ, mỗi tội vào rừng sâu thì đi lại vất vả, xa chút thôi”.
Theo quan sát của PV, nhiều đường ống nhựa dẫn nước phục vụ việc đào, đãi đá đỏ đã cũ, bị đất đá bồi lấp; nhiều loại máy móc phục vụ việc khai thác đá không hề được cất giấu mà còn gắn cố định bên hồ nước để hoạt động lâu dài. Ngoài ra, nhiều người cũng khẳng định, các lán trại được dựng lên từ nhiều năm nay, nhưng không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra.
Một số phu đá còn tiết lộ, đối tượng vào rừng chủ yếu là cánh thợ săn đá quý, “dân xã hội đầu gấu”, thỉnh thoảng còn có cả người nước ngoài đến khảo sát, mua sản phẩm đá quý ngay trong rừng.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Vũ Văn Tỉnh - Chánh thanh tra Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, cho rằng: “Năm 2000 trở về trước, tại khu vực Lục Yên có công ty khai thác đá quý và vàng hoạt động. Sau đó công ty này phá sản, rừng Lục Yên không còn người khai thác đá. Nếu có thì chỉ nhỏ lẻ, không có máy móc gì cả”. Theo ông Tỉnh, chính quyền cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, nếu phát hiện vi phạm phải báo cáo các cơ quan liên quan và có biện pháp ngăn chặn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.