Đột nhập cung đường gỗ lậu Krông Pa

15/05/2020 05:39 GMT+7

Lợi dụng rừng sâu, địa hình khó khăn, lâm tặc đã xâm nhập vào những vùng rừng thuộc H.Krông Pa (Gia Lai) để khai thác gỗ trái phép.

Từ phản ánh của bạn đọc, trong hai ngày 11 và 12.5, PV Thanh Niên đã thâm nhập vào địa bàn này để xác minh vụ việc.

Ngang nhiên hoạt động

Con đường nhánh từ đường Trường Sơn Đông rẽ vào các buôn 1, 2, 3 (thuộc xã Chư Drăng, H.Krông Pa) được xem là “điểm nóng” của hoạt động vận chuyển gỗ trái phép. Chỉ 3 buôn nhưng cung đường nhánh này có đến 5 hay 6 điểm sửa chữa, độ chế mô tô. Những chiếc mô tô được độ từ 4 nhông lên 10 nhông và dàn khung sắt trên yên lẫn hai bên để tăng khả năng tải trọng. Bánh xe cũng được thay đổi bằng các loại bánh có nhiều gai để chống trượt. Các điểm sửa xe này có sẵn hàng chục chiếc mô tô đang chờ sửa chữa, độ chế.

Lâm tặc làm đường để phá rừng giáp ranh

Ngày 13.5, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết đã chuyển hồ sơ vụ phá rừng giáp ranh giữa 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên để điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo ông Bé, kết quả kiểm tra hiện trường của các đơn vị chức năng 2 huyện Tây Hòa, Sông Hinh cho thấy khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 2, tiểu khu 312 (lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh) có khoảng 270 m đường mới được lâm tặc mở và khoảng 430 m đường bị sạt lở. Hiện trường có 45 khúc gỗ tròn, khối lượng 34,4 m3 và 1 khúc gỗ xẻ, khối lượng gần 0,5 m3. Còn khu vực rừng sản xuất tại khoảnh 7, tiểu khu 358 (thuộc quản lý của UBND xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa) có 690 m đường được san gạt và mở mới. Hiện trường có 25 cây gỗ bị cắt để lại phần gốc và
8 lóng gỗ tròn, khối lượng gần 1,4 m3. Ông Bé khẳng định, lâm tặc dùng phương tiện cơ giới mở đường vào để phá rừng quy mô lớn, nhưng nhờ phát hiện nên ngăn chặn kịp thời. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên chỉ đạo Hạt Kiểm lâm H.Sông Hinh và H.Tây Hòa phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuần tra, phá bỏ đường do lâm tặc đã mở để ngăn chặn đưa phương tiện vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Đức Huy
Khoảng 16 - 18 giờ ngày 11.5, chúng tôi có mặt ở cung đường này và tận mắt thấy những điều bất thường. Tại nhiều nhà dân là những đống gỗ to nhỏ, mới có, cũ có được xếp ngay ngắn dưới nhà sàn lẫn ngoài trời. Nhiều nhà sàn trong các buôn được làm bằng gỗ. Thời điểm này, khi đang lưu thông dọc tuyến đường, chúng tôi bắt gặp những xe chở gỗ hướng từ rừng sâu ra. Gỗ được cưa thành lóng, thành tấm... buộc vào mô tô để vận chuyển. Chỉ trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ, chúng tôi đếm được hơn 10 mô tô như thế vận chuyển gỗ ra khỏi rừng; mỗi xe có thể chở lượng gỗ ước khoảng 400 kg.
Ở 3 buôn này, có 2 xưởng làm đũa hoạt động công khai. Ngay trong làng, chúng tôi bắt gặp một bãi gỗ với gần 30 cây gỗ được cắt thành lóng. Ông K.N, một người dân trong buôn, nói: “Thanh niên làm gỗ phải đi vào rừng sâu. Đi từ 6 giờ sáng, đến 3 - 4 giờ chiều mới đến nơi. Gỗ thì hạ nhanh thôi vì có cưa “lốc” (loại cưa máy, có thể dễ dàng cưa những cây lâu năm có đường kính gốc lớn - PV). Gỗ được vận chuyển bằng mô tô về trong đêm hay vào ngày hôm sau. Thanh niên giờ cũng ít làm gỗ, ai mua mới làm. Gần đây có người ở các tỉnh phía bắc vào thuê thanh niên trong các buôn đi làm gỗ nên họ mới đi. Mà đừng nói mình nói nghe. Họ giết mình á!”.
Đột nhập cung đường gỗ lậu Krông Pa

Gỗ được chất vào xe mô tô độ chế chở ngang nhiên giữa đường từ rừng về buôn

Ảnh: Trần Hiếu

Không thấy ai báo cáo (!?)

Ngay ngày hôm sau (12.5), chúng tôi liên hệ với lực lượng kiểm lâm H.Krông Pa, Ban Quản lý rừng phòng hộ nam Sông Ba, Công an xã Chư Drăng cùng vào lại cung đường này để kiểm tra. Tại đây, lực lượng kiểm lâm đã tịch thu máy móc, phương tiện của hai xưởng làm đũa để xử lý. Ngoài ra, ngay trong ngày, số gỗ ở trong làng với khoảng 5 m3 cũng được tịch thu, đưa về Hạt Kiểm lâm H.Krông Pa để xử lý theo quy định.
Ông Khương Hữu Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Krông Pa, cho biết: “Chúng tôi cũng đã có tuần tra, xử lý nhưng hễ lực lượng vào là lâm tặc lại rút hết, yên được một thời gian thì lâm tặc lại tiếp tục hoạt động. Rồi mô tô độ chế, chúng tôi chưa xử lý được, chỉ đến khi lâm tặc dùng để vận chuyển lâm sản trái phép mới có cơ sở xử lý. Số gỗ thu được trong làng chủ yếu là cây kiền kiền (nhóm 5) họ dùng để làm đũa. Trước đó, chúng tôi cũng đã bắt được vụ khai thác trái phép 17 m3 kiền kiền”.
Đáng chú ý, trụ sở của Ban Quản lý rừng phòng hộ nam Sông Ba nằm ngay trên cung đường vào các buôn trên. Cơ quan này cũng đang quản lý hơn 22.000 ha đất rừng ở khu vực này, trong đó có hơn 19.000 ha có rừng. Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.5, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND H.Krông Pa, nói: “Sự việc nghiêm trọng vậy nhưng không hiểu sao lâu nay không thấy ai báo cáo. Chúng tôi phải chỉ đạo kiểm tra ngay. Quan điểm là ai sai phải bị xử lý nghiêm chứ không để mất rừng vậy được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.