Đột kích" tổng kho trứng Sẻo Cái

04/11/2008 09:45 GMT+7

Từ "tổng kho" Sẻo Cái ở Hà Khẩu - Trung Quốc, trứng, thịt và chân gà thải loại từ Trung Quốc vượt biên vào nội địa Việt Nam, bằng muôn nẻo đường khác nhau.

Trong vai dân buôn trứng chuyên đánh quả lớn, chúng tôi đã "đột kích" vào "tổng kho" trứng và gà thịt thải loại Sẻo Cái (chợ Sẻo Cái ở Hà Khẩu - Trung Quốc- TQ).

"Tổng kho" trứng Sẻo Cái

Đưa cuốn sổ thông hành cho biên phòng TQ kiểm tra, "đóng phập" chiếc triện hình bầu dục thị thực, ra khỏi cửa nhập cảnh, tôi lên ngay  chiếc xe taxi điện. Chỉ mất 1 tệ ( 2,6 ngàn đồng tiền Việt) là xe đưa thẳng đến "tổng kho" trứng Sẻo Cái. Đây là khu chợ lớn, bày bán đủ loại thực phẩm tươi sống, vệ sinh môi trường rất kém, bẩn và lầy lội, nằm ngay sát biên giới. Chợ này thường xuyên ồn ã, tấp nập người Việt đến mua, bán.
 
Bán hàng có nhiều chị đứng tuổi người dân tộc Giáy ở Đồng Tuyển, Quang Kim (Lào Cai) mang sang "chợ nước người" mớ rau dớn rừng, bó măng sặt, ít củ mài tím đào trên rẫy, đôi khi là những con dúi hay sóc rừng bẫy được, tóm lại là " sản vật" thiên nhiên 100%.

Mua hàng là những người sang đây chủ yếu để đóng thùng chân, cổ cánh, trứng gà; tim cật, phèo lợn - những thứ hàng đang "hút khách", siêu lợi nhuận, giá mua rất rẻ, vì là đồ thải loại.

Chợ Sẻo Cái chỉ đơn giản là một khung nhà thép to, lợp tôn, không tường vây, ngăn ô cho người bán hàng. Khu bán trứng nằm ngay bên ngoài gần đường vào chợ, ngồn ngộn các thùng trứng gà, vịt xếp đống.

Trứng gà có hai loại: Quả to nhưng lòng đỏ nhạt và quả nhỏ, nhưng lòng đỏ sậm đặc hơn, nên giá bán hai loại như nhau. Người dân Việt Nam thường thích chọn loại quả nhỏ, dễ lẫn với trứng gà ta. Ngay gần kề đó là khu bán gà siêu trứng loại gà đã khai thác hết công suất đẻ nên được thải loại.

Gà thải loại nhỏ con, xơ xác, được nhốt từng lồng to, khoảng năm chục con/lồng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, thế nhưng người bán vẫn thản nhiên ngồi trên lồng cả ngày trời. Hỏi giá thì được biết là 12 tệ/kg (khoảng 31.000 đồng), trong khi đó ở chợ Cốc Lếu (Lào Cai) là 47.000 đồng/kg, đúng là siêu lãi!

Khu bán tim cật, lòng phèo lợn nằm chính giữa chợ. Những quả tim lợn to như tim trâu, có quả cật lợn gần 1kg, phèo non to như lòng bò, nhìn phát hoảng. Ghê nhất là khu bày bán thịt, cổ cánh, chân gà đông lạnh.

Nhìn những con gà chặt bốn, ướp lạnh xám ngoét bày trên những chiếc khay nhựa bẩn cáu cạnh, những rổ bàn chân gà ngâm ủ lâu ngày trắng bợt bạt, đố ai dám ăn. Thế nhưng khuất mắt trông coi, những loại thực phẩm này mà được đưa vào nhà hàng chế biến thành món gà rang hay vào quán cổ cánh, chân gà nướng thì vẫn thơm lừng, khoái khẩu!

Trong vai dân buôn chuyên đánh quả lớn, tôi được Sử Hoà, 44 tuổi- một phụ nữ béo đậm, nói tiếng Việt lơ lớ, chuyên bán trứng gà các loại ở chợ này - đưa cho số điện thoại TQ 13768432172 và bảo tôi muốn lấy bao nhiêu, lấy lúc nào, chỉ cần alô là có ngay.

Thấy tôi tỏ vẻ chưa hiểu, Sử Hoà nói rõ: "Nếu mày lấy hàng tại đây,  lấy nhiều từ 3 thùng trở lên (mỗi thùng là 780 quả) thì giảm cho 3 xu, còn là 0,47 tệ/quả; trứng vịt muối là 0,9 tệ/quả. Nếu nhận hàng bên đất Việt Nam, sẽ giao tại bờ sông Hồng, mày phải trả thêm tiền đò".

Tôi ra dấu OK rồi hỏi luôn: "Thế mày không sợ mất hàng, mất tiền à"? Sử Hoà tròn mắt ngạc nhiên: "Mày chưa đi buôn trứng bao giờ hay sao? Hôm qua, tao cũng vừa chở 14 thùng trứng cho người bên Lào Cai gọi điện sang lấy. Thuyền đến bờ sông Việt Nam, nhận trứng xong, trả tiền".

Giờ thì hiểu, dân buôn lậu đều có mánh lới cả. Hoá ra, những con thuyền gò bằng vỏ sắt thùng phuy, đậu lập lờ ẩn khuất hai bên cánh gà bờ sông biên giới, từ cửa khẩu ngược lên phía Kim Thành; rồi hai bên bờ sông Nậm Thi, ở khu vực đền Thượng, đều sẵn sàng là phương tiện chở hàng lậu vượt sông.

Tôi đến chợ Tả Cái, nằm sâu trong nội địa Hà Khẩu, ngay cạnh Bệnh viện Nông Khẩn, nơi hàng ngày thường có dăm ba chục người Việt Nam sang khám - chữa bệnh. Cũng ồn ào, tấp nập, nhưng lầy lội, bẩn thỉu. Trứng gà bày bán la liệt. Hỏi chuyện, bà chủ bán hàng ở đây tên là Uông Hảo bảo lấy bao nhiêu cũng có, lấy hàng tại chỗ hoặc giao trứng tại bất kỳ địa điểm nào ở thành phố Lào Cai cũng được, chỉ cần đặt tiền cọc bằng 1/3, còn lại sau khi nhận đủ hàng sẽ thanh toán.

Thấy tôi tỏ vẻ lưỡng lự, bà chủ bán trứng người TQ luôn miệng bảo: "Yên tâm đi, yên tâm đi! Có người Việt Nam mang về cho mà". Rồi bà chạy sang bên kia đường nói gì đó, lát sau thấy xuất hiện hai phụ nữ Việt Nam, nói đặc thổ âm Vĩnh Tường, nhanh nhảu bật di động: "Bác đọc cho em số điện thoại, hoặc số nhà, em sẽ mang hàng tận nơi giao cho bác ngay trong ngày".

Vậy ra, có cung thì có cầu, ở Hà Khẩu luôn túc trực một đội quân cửu vạn tóc dài người Việt, từ khắp mọi miền, đông nhất là Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Thái Bình... chuyên cửu hàng thuê qua biên giới. Dù các lực lượng chức năng liên tục truy quét, nhưng họ vẫn có muôn vàn cách đối phó và lọt lưới, hàng lậu, hàng cấm vẫn cứ chảy vào nội địa...

Gà thải loại và cổ cánh, chân gà thải loại đông lạnh bày bán ở chợ Sẻo Cái- Hà Khẩu - Trung Quốc.


Gian nan cuộc chiến chống trứng lậu

Dạo quanh các chợ Cốc Lếu, Gốc Mít, Kim Tân ở thành phố Lào Cai, trứng gà bày bán rất nhiều. Trứng gà công nghiệp Việt Nam giá 2.000 đồng/quả, gà ta xịn giá 3.500 đồng/quả. Trứng gà ta nuôi ở bản thì còn dễ nhận biết, do quả nhỏ, thon dài; chứ trứng gà công nghiệp Trung Quốc qua công đoạn đánh màu vỏ trộn lẫn với trứng gà công nghiệp của Việt Nam thì khó phân biệt, nếu không đập quả trứng ra để xem lòng đỏ bên trong có nhạt màu không (một khách hàng ở chợ Cốc Lếu cho biết như vậy).

Các chủ hàng bán trứng ở chợ Gốc Mít không ai không biết Nguyễn Thị Th chuyên " đánh trứng" từ Hà Khẩu- TQ về cung cấp cho những người bán lẻ ở đây. Th thuê một căn nhà  sát chợ Gốc Mít để làm ăn. Cứ tầm 1-2 giờ sáng, Th "lên đường" gọi đò vượt sông sang "tổng kho" Sẻo Cái "đánh" trứng về, nhiều hay ít tuỳ theo số lượng đặt hàng; tầm 6 giờ sáng, Th đã có mặt ở chợ giao hàng cho các chủ bán lẻ ở đây.

Dù vào đợt cao điểm truy quét, Th vẫn có hàng giao, chỉ có điều Th không bao giờ găm hàng trong nhà để tránh bị quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang buôn hàng cấm.

Dọc hai bên bờ sông Hồng, hoặc sông Nậm Thi ở hai bên cánh gà cửa khẩu Lào Cai, cư dân bản địa thường giấu những chiếc thuyền nan trong bờ bụi khuất nẻo, hoặc trong nhà, đợi đêm xuống là lôi ra chở hàng thuê qua biên giới.

Khác với trứng được bày bán công khai, tim cật lợn TQ thường được đưa vào các nhà hàng, khách sạn hoặc vận chuyển đến nơi khác tiêu thụ, vì dân Lào Cai dễ phát hiện ra. Cho nên, nếu cỗ cưới mà đặt món tim cật lợn hầm thuốc bắc thì cầm cái chắc là tim cật lợn Tàu. Có một dạo, cỗ cưới ở Lào Cai rất thịnh hành món này, nhưng bây giờ thì có phần thoái trào, vì người ăn lo ngại hoá chất tẩm ướp và thức ăn tăng trọng mới có những quả tim, cật siêu to và siêu tươi đến như vậy.

Ông Nguyễn Văn Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai - cho biết, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ hơn 5.600 quả trứng gà Trung Quốc nhập lậu. Lực lượng biên phòng cũng đã tiêu huỷ hơn 15.000 quả trứng TQ nhập lậu. Tuy nhiên, con số đó ít hơn nhiều so với thực tế.
 
Ông Nguyễn Việt Quang - Chi cục trưởng Hải quan Lào Cai - cho biết: Cửu vạn là cư dân biên giới buôn bán nhỏ, lợi dụng chính sách cho mang hàng hoá theo đường tiểu ngạch của hai bên, giấu trứng lẫn với các sọt rau quả, khoai tây, xe thồ gạch men, đồ tạp hoá... mỗi bọc khoảng 3 - 5kg nên rất khó phát hiện, kiểm soát.

Trứng mua bên Trung Quốc sau khi nhập lậu được bày bán công khai ở các chợ vùng biên. Các đầu nậu buôn lậu đường dài, ban ngày sang Hà Khẩu mua hàng rồi về tập kết hàng ven bờ sông để đến đêm thuê người địa phương dùng thuyền nan chở vượt sông. Cửu vạn đã chờ sẵn ở bờ bên kia, bốc hàng, dùng xe máy đưa vào tập kết sâu trong nội địa, dọc theo quốc lộ 70, rồi vận chuyển bằng ôtô đi Yên Bái, Hà Nội tiêu thụ.

Trong khi cơn bão melamine trong sữa TQ mới tạm lắng, thì cơ quan chức năng phát hiện trong trứng TQ không rõ nguồn gốc cũng bị nhiễm độc tố này. Liệu trong những quả trứng hàng đêm vượt biên kia có an toàn cho người tiêu dùng?

Theo Quốc Hồng / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.