Đồng tình giao nhiệm vụ điều tra cho kiểm ngư

17/08/2015 16:23 GMT+7

(TNO) Đây là quan điểm được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại phiên họp sáng nay 17.8 về dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

(TNO) Đây là quan điểm được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại phiên họp sáng nay 17.8 về dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

quyen-dieu-traChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ trao quyền điều tra cho lực lượng
kiểm ngư Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Tú
"Lắm cơ quan có quyền bắt người sẽ thêm phức tạp"
Liên quan đến đề nghị bổ sung quyền được điều tra cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và kiểm ngư, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành. Ngược lại, cũng có một số ý kiến đề nghị bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, việc bổ sung, mở rộng các cơ quan điều tra hiện vẫn có những ý kiến khác nhau. Theo đại diện Bộ Công an, mặc dù xu hướng hiện nay hướng tới việc thu gọn các cơ quan điều tra nhưng do tình hình thực tế thay đổi đặt ra những yêu cầu mới.
Với lực lượng kiểm ngư, tướng Vương cho biết đây là lĩnh vực có tính chất đặc thù, lực lượng kiểm ngư hoạt động trên biển, thông tin khó khăn, nếu không trao quyền điều tra ban đầu, rất khó thực thi pháp luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu công tác điều tra của ngành công an phải đảm bảo độc lập, nếu giao nhiều, đan chéo sau này sẽ rất khó. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc mở rộng các cơ quan điều tra phải rất cân nhắc. Dự thảo phải xác định rõ chức năng điều tra của các cơ quan cảnh sát, an ninh cho minh bạch.
Về bổ sung cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lĩnh vực thuế, chứng khoán “chưa cần thiết lắm”, và “nếu có thêm lắm cơ quan có quyền bắt người sẽ thêm phức tạp” .
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lại ủng hộ trao quyền điều tra cho kiểm ngư, vì cho rằng các hoạt điều tra ở ngoài biển là việc cần làm ngay, lại liên quan đến vấn đề chủ quyền và liên quan không chỉ người Việt Nam mà còn đối tượng nước ngoài.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nếu đã giao quyền điều tra cho kiểm ngư, không nên giao hạn chế.
Không đồng tình giao quyền điều tra cho công an phường
Về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, Ủy ban Tư pháp cho biết qua thảo luận về vấn đề này, có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất không nhất trí với quy định của dự luật với lý do lực lượng công xã, phường... không có nghiệp vụ cơ bản trong hoạt động điều tra, đặc biệt là điều tra các vụ án, sẽ gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Nhóm ý kiến còn lại nhất trí với quy định của dự thảo luật vì cho rằng quy định này là phù hợp với thực tiễn.
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, trên thực tế công an cấp xã đang thực hiện các nhiệm vụ này theo quy định của Pháp lệnh Công an xã. Tuy nhiên, một số hoạt động nêu trên đã hạn chế quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cần phải được quy định trong luật. Do vậy, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc giao quyền điều tra cho công an xã, phường không phù hợp vì đây là những vấn đề liên quan đến quyền con người, trong khi lực lượng này không phải là lực lượng có chuyên môn được đào tạo bài bản, nên rất đáng lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.