Đông Hà: Bến xe vắng... xe và khách

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
30/10/2019 10:25 GMT+7

Đó là chuyện 'dở khóc dở cười' ở Bến xe phía nam TP.Đông Hà (Quảng Trị), tồn tại suốt 4 năm qua.

Tốn tiền tỉ chỉ để… xe vào đóng dấu

Bến xe phía nam TP.Đông Hà được khởi công năm 2014, đưa vào sử dụng tháng 12.2015 với tổng đầu tư gần 15 tỉ đồng do Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Với mục đích giảm tải cho Bến xe khách Đông Hà (đóng trên đường Lê Duẩn), Bến xe phía nam TP.Đông Hà được xây dựng trên diện tích đất hơn 13.000 m2 ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ (P.Đông Lương) với nhiều hạng mục: bến xe thảm nhựa, nhà để xe, nhà bảo vệ, nhà bán vé kết hợp phòng chờ, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào bê tông... Khi đưa vào sử dụng, Bến xe phía nam TP.Đông Hà sẽ là nơi đậu đỗ, vào ra của các tuyến: Đông Hà - Lao Bảo, Đông Hà - Khe Sanh, Đông Hà - Tà Rụt, Đông Hà - Hồ Xá, Đông Hà - TX.Quảng Trị với 67 phương tiện.
Nhà chờ không một bóng hành khách ẢNH: THANH LỘC

Nhà chờ không một bóng hành khách

Ảnh: Thanh Lộc

Tuy nhiên, qua mấy năm hoạt động, bến xe chỉ còn 57 phương tiện đăng ký với 3 tuyến Đông Hà - Lao Bảo, Đông Hà - Khe Sanh, Đông Hà - TX.Quảng Trị. Những ngày giữa tháng 10, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh bến xe vắng như chùa Bà Đanh. Cả một bãi đỗ rộng lớn không có lấy một chiếc xe; bên trong nhà bán vé chỉ thoáng thấy vài nhân viên. Dĩ nhiên, chẳng có một bóng hành khách nào… Ông Trần Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm quản lý bến xe khách Quảng Trị, cho biết dù mỗi ngày có 35 chuyến xe xuất bến (30 phút/chuyến) nhưng các xe chủ yếu… chạy lòng vòng bên ngoài đón khách, đúng giờ thì vào đóng lệnh xuất bến rồi đi (!).

Phải “cải tổ”

Lý giải về hoạt động “bết bát” của Bến xe phía nam TP.Đông Hà, ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, cho rằng có nguyên do bến xe nằm xa các khu dân cư, xe chất lượng thấp, không thể cạnh tranh nổi với các loại “xe dù” theo hình thức “xe hợp đồng” có thể đưa đón khách tận nơi. Thậm chí, không “đấu” nổi với 3 tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh từ 5 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày.
Trước tình hình này, ông Hùng cho biết Sở GTVT đang hoàn thiện, trình UBND tỉnh đề án nghiên cứu phương án thay thế các tuyến vận tải cố định nội tỉnh từ TP.Đông Hà đi các huyện miền núi thành hình thức xe buýt, dự kiến triển khai trong năm 2020. Theo đề án, Bến xe phía nam TP.Đông Hà sẽ cùng một số bến xe khác kém hiệu quả sẽ được xem xét sử dụng vào mục đích khác. Tầm nhìn đến 2025, Bến xe phía nam TP.Đông Hà sẽ làm điểm đầu - cuối của các tuyến xe buýt và chuyển mục đích sử dụng đất để thu hồi vốn nhằm đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh.
Theo Trung tâm Quản lý bến xe khách Quảng Trị, trong khi doanh thu của Bến xe phía nam TP.Đông Hà chỉ đạt khoảng 725 triệu đồng/năm, thì trung bình mỗi năm phải chi hơn 1,1 tỉ đồng để trả lương cho cán bộ và tiền điện nước, tiền vệ sinh, chi phí tái đầu tư… Tính ra, mỗi năm trung tâm phải bù lỗ gần 400 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.